Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin đang gia tăng
TS Nguyễn Hoàng Chiến - Khoa CNTT, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, ngành CNTT nói chung và lĩnh vực lập trình viên nói riêng đang là ngành “khát” nhân lực nhất tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đây là ngành học tổng hợp liên ngành trong đó ưu tiên việc sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Nói một cách dễ hiểu, người học trong lĩnh vực này có khả năng vận dụng các phần mềm, hệ thống máy tính, công cụ và hệ thống mạng Internet để lập trình web, ứng dụng phục vụ mục đích quản lý thông tin, vận hành các hệ thống thiết bị công nghệ cũng như hệ thống mạng. Đặc biệt, trong bối cảnh số hóa hiện nay, các ứng dụng CNTT là nền tảng quan trọng để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…
TS Nguyễn Hoàng Chiến - Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp phát biểu tại Hội thảo.
Thống kê của TopDev (nền tảng tuyển dụng nhân lực ngành CNTT hàng đầu tại Việt Nam) cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành CNTT đang có xu hướng gia tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng lẫn chất lượng. Theo TopDeV, năm 2024, số lượng nhân lực ngành CNTT của Việt Nam cần khoảng 500.000 người nhưng hiện thiếu hụt khoảng 200.000 người. Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu nhân lực ngành CNTT sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhất là ở một số vị trí đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên, lập trình viên…
Rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
TS Đỗ Ngọc Minh - Chủ tịch Liên minh Blockchain trong các trường đại học (University Blockchain Alliance) cho biết, blockchain và trí tuệ nhân tạo là 2 lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và có tác động to lớn đến mọi ngành nghề trong xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhu cầu về nhân lực CNTT có khả năng ứng dụng blockchain và trí tuệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ngày càng gia tăng. TS Đỗ Ngọc Minh cho biết thêm, blockchain đang giúp tạo ra những khái niệm mới như hợp đồng thông minh, đồng tiền số quốc gia, nền kinh tế Token, vũ trụ siêu việt… Có thể thấy, Blockchain đã và đang phát huy vai trò then chốt trong các chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, trong thương mại toàn cầu cũng như trong nhiều mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu này còn đang thiếu hụt. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp sử dụng lao động để nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tiễn với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiến hành phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại chuyển đổi số.
Trao đổi về những vướng mắc mà các sinh viên ngành CNTT đang gặp phải, ông Nguyễn Quyết - Giám đốc Học viện VTI (hệ sinh thái công nghệ thông tin của Tập đoàn Công nghệ VTI) cho biết, định hướng lập trình và bảo mật là ngành học đang được rất nhiều sinh viên theo đuổi. Tuy nhiên, vì có quá nhiều trường đại học mở ngành đào tạo này nên nhiều sinh viên không biết lựa chọn trường nào là phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều trường đào tạo tuy mở ngành học nhưng trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập chưa được đầu tư tương xứng và chưa bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ dẫn đến chất lượng đầu ra không đảm bảo, không đúng với yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quyết thông tin, Học viện VTI là một trong những đơn vị đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT có uy tín trong cả nước. Học viện thường xuyên áp dụng công nghệ hiện đại, phương pháp đào tạo đa dạng phù hợp với từng học viên. Do đó, Học viện VTI mong muốn được đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo cũng như doanh nghiệp để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT sát với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Đề cập đến vấn đề trên, ông Phạm Trung Đức, Trung tâm An toàn thông tin (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) cho biết, với số lượng nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 người, chính vì thế lãnh đạo các doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực an toàn thông tin trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do không có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chuyên môn về an toàn thông tin, đồng thời cũng không có cơ chế giữ chân người tài. Bên cạnh đó, các giải pháp an toàn thông tin triển khai chưa đồng bộ và chưa có chiến lược rõ ràng về bảo mật an toàn. Do đó, ông Phạm Trung Đức cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực CNTT, cần có một doanh nghiệp lớn về an toàn thông tin để tư vấn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo về định hướng, xây dựng bài toán tổng thể về nhân lực cho lĩnh vực CNTT cũng như an toàn thông tin.
Phong Vũ - Bùi Nhi