Thứ ba, 14/05/2024 17:34

Những khía cạnh pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến ChatGPT

Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Thu Trang

Trường Đại học Luật Hà Nội

Với khả năng tự học hỏi, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định mà không cần sự can thiệp của con người, trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước tiến đột phá so với các công nghệ truyền thống, giúp tự động hóa nhiều quy trình và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hiệu quả hơn. Sự xuất hiện của ChatGPT gần như đã làm cả thế giới chao đảo khi có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào mà người dùng đưa ra. Vấn đề lớn nhất đặt ra trong bối cảnh hiện nay xoay quanh AI nói chung và ChatGPT nói riêng là nguồn dữ liệu sử dụng cần được nhìn nhận như thế nào để đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan, phòng tránh và xử lý những sự xâm hại, vi phạm nếu có.

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến ChatGPT

Về cơ bản, ChatGPT (một ứng dụng do Công ty Open AI phát triển, ra đời vào cuối năm 2022) không nằm ngoài cơ chế hoạt động chung của các sản phẩm AI. Tuy nhiên, ChatGPT có ưu điểm là có thể tổng hợp và phân tích được một lượng lớn các dữ liệu thông tin vô cùng đa dạng, tự học và tự “rút kinh nghiệm” để trở nên thông minh hơn. Bên cạnh những điểm tích cực, ChatGPT cũng tạo ra nhiều vấn đề rắc rối, nhất là những thách thức pháp lý về sở hữu trí tuệ (SHTT). Cụ thể là:

Thứ nhất, về bảo hộ quyền tác giả cho nội dung được tạo ra trong khi sử dụng ChatGPT. Với vấn đề này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là “Nội dung được tạo ra trong quá trình sử dụng ChatGPT do ai sở hữu?”. Một nội dung được tạo ra bởi ChatGPT có thể được bảo hộ quyền tác giả, vì về cơ bản, nội dung này được coi là một sản phẩm của quá trình “sáng tạo”. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo này rất phức tạp với nhiều luồng thông tin, lại có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, điều này khiến việc xác định tác giả trở nên khó khăn.

Thứ hai, về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nội dung được tạo ra khi sử dụng ChatGPT, đặc biệt là đối với sáng chế. Tương tự như với việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả, việc một sáng chế được tạo ra bởi ChatGPT có thể được đăng ký không và nếu có thì ai sẽ được coi là tác giả của sáng chế là những vấn đề đang được tranh luận.

Thứ ba, về bảo vệ quyền SHTT đối với dữ liệu thông tin được ChatGPT sử dụng. Điều khoản sử dụng của ChatGPT đã nêu rõ về việc được tái sử dụng các dữ liệu thông tin, do đó cả 2 phía (người sử dụng và bên sở hữu ChatGPT) đều phải chấp nhận việc họ sẽ đối mặt với những rủi ro khi sử dụng ChatGPT. Về phía người sử dụng là việc rò rỉ thông tin, vi phạm quyền SHTT; về phía sở hữu ChatGPT là việc đối mặt với các yêu cầu bồi thường, thậm chí là khởi kiện từ người sử dụng với lý do vi phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, để thực sự phát sinh tranh chấp về vi phạm quyền SHTT thì còn cần phải xem xét liệu thông tin cá nhân mà người sử dụng bị lộ có phải đối tượng được bảo hộ theo pháp luật SHTT hay không.

Thứ tư, liên quan đến bảo mật thông tin dữ liệu sử dụng. Hiện nay, an ninh mạng là một trong những vấn đề quan trọng và rất được quan tâm bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin số khiến cho “đời sống ảo” ngày càng phổ biến rộng rãi và phát sinh nhiều rủi ro. Bảo mật thông tin là việc cần thiết, bởi những thông tin quan trọng của cá nhân nếu bị lộ trong môi trường số sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng gây thiệt hại lớn về tài sản, danh dự và thậm chí là nhiều hệ lụy tiêu cực khác ở diện rộng.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan của Việt Nam

Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ và sức ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của công nghệ AI, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược có đưa ra định hướng đối với pháp luật SHTT là phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được 2 yêu cầu chính: (i) Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống; (ii) Phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tại Việt Nam, ngoài những chính sách phát triển và ứng dụng AI của chính phủ, pháp luật mới chỉ bước đầu tiếp cận dần với AI. Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ quy định về các chủ thể là cá nhân, pháp nhân, tổ chức mà không ghi nhận chủ thể liên quan đến công nghệ như là máy móc hay chương trình máy tính, AI. Luật SHTT Việt Nam sửa đổi mới nhất năm 2022 cũng chưa có quy định về AI. Trên cơ sở đó, các quy định chi tiết hơn về quyền SHTT đối với AI nói chung và ChatGPT nói riêng bao gồm công nhận quyền, bảo hộ quyền và các vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ đều không rõ ràng. Về cơ bản, pháp luật SHTT Việt Nam cần phải tập trung vào 3 nội dung chính: 1) công nhận hay không quyền tác giả/quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế do ChatGPT tạo ra, xác định ai là tác giả/chủ sở hữu; 2) quyền và nghĩa vụ đối với các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật SHTT có liên quan đến AI; 3) các hành vi xâm phạm và bảo hộ đối với các đối tượng được bảo hộ SHTT.

Như vậy, hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam cần phải được sửa đổi và bổ sung những quy định mới nhằm điều chỉnh một cách hợp lý và kịp thời các vướng mắc còn tồn tại. Đồng thời, các thay đổi này cần phải được quy định một cách chi tiết, phù hợp với thực tiễn để có thể dễ dàng áp dụng và thực sự đạt được hiệu quả về lâu dài. Từ việc nhìn nhận những thách thức đang đặt ra đối với pháp luật SHTT Việt Nam hiện nay thông qua những ảnh hưởng của ChatGPT, xin đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật như sau:

Một là, cần bổ sung thêm các quy định pháp luật SHTT liên quan đến công nghệ AI. Theo đó, trước hết cần có sự bổ sung quy định về điều kiện công nhận quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp với sáng chế có liên quan đến AI. Cụ thể, cần giới hạn tối đa sự tham gia của AI vào quá trình tạo ra tác phẩm, sáng chế, đồng thời người nộp đơn xin công nhận quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp với sáng chế cũng cần phải chứng minh được mức độ tham gia của mình và cam kết các thông tin cung cấp là đúng sự thật.

Hai là, để giảm khả năng phát sinh các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể khác thông qua việc sử dụng thông tin đầu vào thì có thể tham khảo và bổ sung thêm các quy định về cơ chế kiểm soát khai thác thông tin một cách hợp lý đối với những đối tượng được bảo hộ quyền SHTT của pháp luật Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Mặt khác, cũng nên quy định về trách nhiệm của người sử dụng các công nghệ AI để tránh trường hợp việc khai thác thông tin từ các công nghệ này lại xâm phạm quyền SHTT của chủ thể khác.

Ba, cần có sự phân loại các công nghệ AI một cách hợp lý để có thể đặt ra những quy định phù hợp đối với từng đối tượng khi sở hữu, khai thác, sử dụng các công nghệ AI. Như vậy, việc quy định về các vấn đề liên quan đến công nghệ AI sẽ trở nên chặt chẽ và rõ ràng hơn.

Bốn là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực SHTT cần chủ động nâng cao vai trò của mình. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin về sự phát triển, đổi mới của công nghệ AI trong đời sống, nhất là các vấn đề liên quan đến SHTT, những vướng mắc và thách thức mà AI gây ra trong lĩnh vực SHTT để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần gia tăng sự hợp tác với những cơ quan nhà nước trong lĩnh vực SHTT của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia phát triển mạnh về lĩnh vực này, và cả các doanh nghiệp sở hữu các công nghệ AI để có thể học hỏi, lắng nghe và hợp tác giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến AI.

Năm là, có thể sử dụng ChatGPT và các công nghệ AI tiên tiến khác vào việc bảo hộ quyền SHTT. Các công nghệ AI và nhất là ChatGPT có ưu điểm là có thể lưu trữ được một lượng thông tin khổng lồ và có thể xử lý các dữ liệu này một cách nhanh chóng. Hơn nữa, ChatGPT còn có ưu thế là có thể hỗ trợ khá hiệu quả đối với một số vấn đề liên quan đến pháp lý. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên sử dụng ChatGPT và các công nghệ AI khác như một “công cụ” hữu ích không chỉ nhằm góp phần giúp cho việc bảo hộ quyền SHTT trở nên hiệu quả hơn mà còn có thể nâng cao hiệu quả trong bảo mật thông tin, an toàn mạng.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)