Thứ sáu, 22/03/2024 17:51

Tháo gỡ khó khăn để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chủ động, sáng tạo, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tại các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động này phát triển và đóng góp nhiều hơn trong thời gian tới cần quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề về: cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; tài chính cho hoạt động KH,CN&ĐMST; sử dụng hiệu quả các quỹ KH&CN của địa phương, doanh nghiệp... Đây cũng là những vấn đề chính được nêu ra và thảo luận tại Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) toàn quốc do Bộ KH&CN tổ chức, ngày 15/03/2024 tại Hà Nội.

KH&CN: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị, báo cáo tổng kết đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của các địa phương năm 2023 cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt Đảng và Nhà nước; sự quan tâm sâu sát của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố; sự chủ động, sáng tạo của các Sở KH&CN, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, về cơ bản ngành KH&CN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao… đóng góp thiết thực cho phát triển KT-XH.

Toàn cảnh Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2024.

Công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và cụ thể
hoá các cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST được các địa phương quan tâm, chú trọng. Năm 2023, đã có 31 văn bản liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST được ban hành. Phần lớn các địa phương đã xây dựng chương trình/kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, sở hữu trí tuệ… Qua đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST ở các địa phương đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Điển hình như Sở KH&CN Hà Nội đã tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 04/07/2023 quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội, trong đó có quy định về định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; Sở KH&CN Quảng Ninh đã trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/04/2023 về phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030; Sở KH&CN Hải Dương đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 04/07/2023 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh…

KH&CN tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển dựa trên phát huy tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực công nghệ của chuỗi cung ứng và sản xuất. Nhiều sản phẩm ra đời từ các nhiệm vụ KH&CN đã phát huy giá trị kinh tế cao. Năm 2023, các địa phương đã triển khai thực hiện 2.658 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 717 nhiệm vụ mở mới (bao gồm cả nhiệm vụ cấp tỉnh và cấp cơ sở). Điển hình như dự án “Ứng dụng KH&CN trong việc phát triển nguồn giống và trồng thâm canh rừng thông Caribê (Pinus caribaea Morelet) tại tỉnh Sơn La”. Kết quả của dự án đã cung cấp cơ sở khoa học để các ngành tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La có chủ trương duy trì, bảo vệ, nhân rộng cây thông Caribe gắn với các chương trình, dự án lâm nghiệp, quản lý bảo vệ, sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng bền vững. Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo khuôn preform phôi nhựa PET 96 cavity phục vụ cho sản xuất thổi chai nhựa PET” tại TP Hồ Chí Minh đã giúp doanh nghiệp làm chủ được quy trình thiết kế và công nghệ chế tạo bộ khuôn preform 96 cavity, cũng như hướng đến thiết kế, chế tạo các bộ khuôn nhiều cavity hơn, thay vì phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu như trước kia...

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được các địa phương quan tâm đẩy mạnh. Thống kê cho thấy, cả nước đã có 32/63 tỉnh/thành phố lập quỹ phát triển KH&CN, góp phần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đã có 60/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình 1322). Một số địa phương như Bắc Ninh thực hiện lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình 1322 thông qua Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030 và Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thái Bình thực hiện Chương trình 1322 thông qua việc lồng ghép trong Đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...

Hoạt động khởi nghiệp ĐMST, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được triển khai tích cực, hiệu quả tại các địa phương, từ đó hình thành nên thế hệ doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo, có tầm nhìn hướng ra toàn cầu. Nhiều hoạt động ĐMST được tổ chức đạt chất lượng cao, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Điển hình như Ngày hội khởi nghiệp ĐMST vùng Thủ đô năm 2023 với chủ đề “Hà Nội kết nối vùng Thủ đô - sáng tạo và phát triển” đã giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung cầu với 120 gian hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học, vườn ươm doanh nghiệp trong vùng Thủ đô; trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm là các dự án, ý tưởng, sản phẩm KH&CN, sản phẩm OCOP đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và các sản phẩm tiêu biểu khác của Hà Nội và các địa phương trong vùng Thủ đô.

Công tác bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiếp tục được các địa phương triển khai hiệu quả, bám sát và phục vụ đắc lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn và cam kết quốc tế. Hoạt động quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp… tiếp tục được nâng cao, phục vụ hiệu quả cho phát triển KT-XH.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, song hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn, rào cản.

Giám đốc các Sở KH&CN Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Bến Tre (từ trái sang phải) chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Hà Nội là điểm sáng trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST của cả nước( đứng đầu cả nước về bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII). Những năm qua, hoạt động KH,CN&ĐMST của TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của TP và cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp TP còn nhiều vướng mắc. Năm 2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 về việc Quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08/5/2023 của về việc Hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước... Đây là những văn bản mới quy định về quản lý kinh phí nhiệm vụ KH&CN nên khi triển khai còn lúng túng, vướng mắc. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp có đơn vị sử dụng hiệu quả nhưng có đơn vị lại lo lắng “chưa dám tiêu” vì một số quy định chưa rõ ràng và thủ tục còn rườm rà.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Hồng Sơn, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho rằng, thủ tục hành chính là “điểm nghẽn" trong việc sử dụng nguồn quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, quy trình áp dụng quản lý và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hiện nay như quy trình quản lý nhà nước nên rất phức tạp. Điều này gây khó cho doanh nghiệp vì họ phải tập trung vào việc nghiên cứu thực tiễn chứ không có nhân lực để thực hiện các thủ tục hành chính.

Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế tài chính và chính sách, hoạt động KH,CN&ĐMST ở nhiều địa phương cũng còn khó khăn do tiềm lực hạn chế. Kinh phí dành cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn thấp so với yêu cầu thực tế của các địa phương. Trong khi đó, cơ chế huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho hoạt động KH&CN chưa phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN tại địa phương dù đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhân lực KH&CN trình độ cao, chuyên gia KH&CN, cán bộ kỹ thuật còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn.

Ông Bế Đăng Khoa - Giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng cho biết, là tỉnh miền núi, nên nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST của Cao Bằng còn yếu. Do đó việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tỉnh đã có Quỹ phát triển KH&CN nhưng đơn vị này lại thuộc UBND tỉnh nên việc phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện các đề tài/dự án gặp nhiều vướng mắc. Bổ sung cho ý kiến của ông Bế Đăng Khoa, ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre cho rằng, cơ chế thu hồi nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ KH&CN cho thực hiện các nhiệm vụ KH&CN còn nhiều bất cập (nhiều nghiên cứu cần có sự đầu tư mạo hiểm nên việc cho vay để triển khai nghiên cứu cũng rất “mạo hiểm”)... 

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, các đại biểu trao đổi nhiều ý kiến về: phát triển thị trường KH&CN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong nội vùng và ngoại vùng để cùng giải quyết các vấn đề/nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn...

Các Thứ trưởng Lê Xuân Định, Bùi Thế Duy, Nguyễn Hoàng Giang, Trần Hồng Thái, Hoàng Minh (từ trái sang phải) chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.

Chia sẻ với những khó khăn, ý kiến được đại diện các Sở KH&CN nêu tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Ứng dụng Công nghệ và Tiến bộ Kỹ thuật, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ) đã cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc và nêu một số giải pháp để các địa phương tham khảo, thực hiện. Bên cạnh đó, các Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đã có các gợi ý, định hướng để các địa phương phát huy tốt hơn nguồn lực sẵn có, tận dụng tốt hơn các nguồn lực quốc gia, cũng như sức mạnh của công nghệ trong hoạt động quản lý, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST của địa phương.

“Những việc cần làm ngay”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của lãnh đạo 63 Sở KH&CN trên cả nước. Theo Bộ trưởng, hoạt động KH&CN tại địa phương năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển KT-XH của từng địa phương và cả nước.

Với những kiến nghị của các Sở thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ sớm có phương án phối hợp giải quyết. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST tại các tỉnh/thành phố, Bộ trưởng đề nghị các Sở KH&CN cần tập trung triển khai các công việc quan trọng, bao gồm:

Một là, tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN hoàn thiện thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013; các quy định về cơ chế tài chính, đầu tư cho hoạt động KH&CN (sửa Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 về việc xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN...

Hai là, tham mưu cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho hoạt động KH,CN&ĐMST tại địa phương; tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho hoạt động KH,CN&ĐMST.

Ba là, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp cho phát triển KT-XH của các địa phương và vùng; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, tham gia tích cực vào phát triển hệ thống ĐMST quốc gia; tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; tiếp tục triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Bộ trưởng tin rằng, với những kết quả đã đạt được, cùng sự quyết tâm, nỗ lực, trong thời gian tới hoạt động KH,CN&ĐMST của các địa phương trên cả nước sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đóng góp hiệu quả cho phát triển KT-XH của địa phương và đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Bộ KH&CN.

Xuân Diện - Minh Hiếu

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)