Thứ năm, 21/03/2024 15:20

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn: Những vấn đề có tính nguyên tắc

TS Nguyễn Ngọc Cường; ThS Phạm Văn Hưng

Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng

Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tồn tại và phát triển trong sự gắn liền và quan hệ chặt chẽ với chính trị, với quyền lực thể chế, với ý thức, hệ tư tưởng và gắn bó với lợi ích giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, vấn đề cốt lõi cần đặc biệt quan tâm trong nghiên cứu KHXH&NV phải thể hiện rõ vấn đề có tính nguyên tắc mới đảm bảo đúng định hướng, đường lối, chủ trương, quan điểm, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Một lĩnh vực đặc thù        

KHXH&NV là một lĩnh vực đặc thù, là khoa học liên ngành nghiên cứu về những thay đổi và phát triển của các nền văn hóa, tư tưởng, xã hội, những triết lý, nguyên lý, những khía cạnh có giá trị liên quan đến con người, đến hoạt động của con người và những quy luật được tạo ra bởi các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Ở nước ta hiện nay: “KHXH&NV đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam”(1). Chính vì vậy, đảm bảo những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu KHXH&NV là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, cần được coi trọng trong tình hình hiện nay.

Cùng với các lĩnh vực khác, KHXH&NV đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; nhiều kết luận có giá trị về lý luận và thực tiễn của các chuyên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV đã giúp cho Đảng, Nhà nước có những luận cứ khoa học để hoạch định các chủ trương, đường lối, phương hướng xây dựng đất nước. Với tính chất đặc thù, phức tạp của hoạt động nghiên cứu KHXH&NV (thường gắn với chính trị, văn hóa, xã hội và con người), những năm qua với sự nỗ lực, cố gắng, nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu dự báo của KHXH&NV đã đóng góp tích cực, đem lại những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng con người, phát huy nhưng di sản văn hóa dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới của Việt Nam, “tạo nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”(2). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tính hiệu quả trong nghiên cứu KHXH&NV chưa cao, “... còn bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, tiến hành thí điểm nhiều, nhưng chậm tổng kết thành lý luận, chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”(3). Cùng với đó, các hướng tiếp cận trong nghiên cứu KHXH&NV còn chưa toàn diện, còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, thậm chí còn đối lập nên chưa khắc phục được tính giáo điều, khuôn mẫu, xơ cứng, còn nặng về hình thức. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao...

Những vấn đề có tính nguyên tắc

Hiện nay, các cá nhân, tổ chức trong công tác thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cần phải quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:

 Giữ vững định hướng chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

 Giữ vững định hướng chính trị là vấn đề có tính nguyên tắc trong KHXH&NV để đảm bảo cho hoạt động này phát triển đúng hướng, thiết thực có hiệu quả. Việc định hướng chính trị phải được triển khai ở tất cả các hoạt động, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đến công tác nghiên cứu phát triển KHXH&NV. Để đảm bảo điều này, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận... từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận, năng lực tổng kết thực tiễn; nắm chắc phương châm, nhiệm vụ và các hướng nghiên cứu chủ yếu, đảm bảo quá trình nghiên cứu, phát triển KHXH&NV được bổ sung, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta hiện nay.     

 Phát triển toàn diện KHXH&NV, trong đó cần quan tâm đúng mức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu dự báo có trọng tâm, trọng điểm. Trong từng chuyên ngành của KHXH&NV phải hướng tới hoàn thiện đối tượng, phạm vi nghiên cứu của mình trở thành một ngành khoa học có tính độc lập để theo kịp sự phát triển của đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu phát triển các phương pháp nghiên cứu KHXH&NV cho phù hợp, trong đó cần hoàn thiện phương pháp luận chung và các phương pháp nghiên cứu cụ thể, các phương pháp đặc thù, các phương pháp chuyên biệt của từng chuyên ngành góp phần khám phá, tìm kiếm những tri thức mới; đồng thời, trong nghiên cứu KHXH&NV cần tránh khô cứng, giáo điều, máy móc, khép kín, biệt lập, bảo thủ sẽ không thấy được sự biến đổi, phát triển của thực tiễn đời sống xã hội, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế, có như vậy hoạt động nghiên cứu KHXH&NV mới hoàn thành sứ mệnh của mình.

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận và phương pháp tiến hành

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội  (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”(4). Đây là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng và của cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình từ khi thành lập Đảng đến nay; đồng thời trong nghiên cứu cần chỉ rõ cơ sở lý luận khoa học trong sự nghiệp đổi mới giai đoạn hiện nay, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình, có rất nhiều vấn đề mới cần tiếp tục được làm sáng tỏ và giải đáp; việc nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tất cả các nghiên cứu thuộc về lĩnh vực KHXH&NV. Vì thế, trong nghiên cứu KHXH&NV cần phải có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển; tiếp thu, vận dụng những phát triển mới về lý luận KHXH&NV trong và ngoài nước, những giá trị tiến bộ văn minh nhân loại, kinh nghiệm, truyền thống của dân tộc, đồng thời chủ động nghiên cứu dự báo các xu hướng chính trị trên thế giới.

Gắn lý luận với thực tiễn và thực hiện dân chủ

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là nguồn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm cho hoạt động nghiên cứu lý luận. Chỉ khi nào lý luận bám sát thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, bắt rễ sâu trong đời sống hiện thực, kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra, tránh được giáo điều và các khuynh hướng lệch lạc trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, quán triệt và thực hiện nguyên tắc này trong nghiên cứu KHXH&NV một mặt phải dựa vào cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời phải bám sát vào những vấn đề lý luận, thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách... ”(5). Điều đó cho thấy, trong nghiên cứu KHXH&NV cần bám sát thực tiễn, phát hiện những mâu thuẫn, những vấn đề nảy sinh, lựa chọn những vấn đề cấp thiết, mang tính thời sự để đảm bảo tính thiết thực trong nghiên cứu, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Cùng với đó, trong nghiên cứu KHXH&NV, phát huy dân chủ và thực hiện dân chủ là mục tiêu, đồng thời cũng là phương tiện để xây dựng một xã hội mới văn minh, tốt đẹp nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động KHXH&NV nói riêng. Để đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, cần coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân. Trong đó, cần thực hiện tốt Quy định 285-QĐ/TW, ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, có thông tin tiếp cận nhiều chiều, có nhiều phương án để so sánh lựa chọn mà ở đó tập thể các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu được tôn trọng, có một môi trường và một diễn đàn thực sự thuận lợi, cởi mở, bình đẳng trong trao đổi, đề xuất, tranh luận, phản biện để giúp họ suy nghĩ, độc lập, sáng tạo, phát huy cao nhất năng lực, tâm huyết của mình cống hiến cho KHXH&NV. Việc phát huy dân chủ trong nghiên cứu KHXH&NV phải được thể hiện ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, đến tổ chức phân công lực lượng; phân bổ kinh phí và quyết toán; các hình thức hoạt động khoa học; tổ chức, hoạt động của các hội đồng duyệt thuyết minh, tư vấn, thẩm định, nghiệm thu và công bố, ứng dụng các kết quả nghiên cứu...

Gắn hoạt động nghiên cứu với nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận

Đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng, luận điệu sai trái, những nhận thức lệch lạc là một yêu cầu quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển của KHXH&NV. Mặt khác, thông qua đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đại hội XIII xác định: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ6. Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng và vị thế của KHXH&NV, đòi hỏi người nghiên cứu phải bằng luận cứ khoa học sắc bén của mình, có sức thuyết phục để đấu tranh, phê phán, bác bỏ những tư tưởng, luận điệu sai trái; chủ động cung cấp thông tin khoa học để phân tích, luận giải làm sáng rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, tính cách mạng khoa học, khẳng định sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ đó có sơ sở vạch trần các luận điệu, tư tưởng phản khoa học, phản động sai trái, âm m­ưu chính trị của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Trong nghiên cứu cần phải quán triệt và nắm vững những quan điểm chỉ đạo, những nội dung biện pháp của Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, chủ động nghiên cứu xây dựng hệ thống những luận cứ khoa học, những phản biện khoa học từ đó hình thành những tranh luận khoa học để tăng tính chiến đấu. Trong nghiên cứu KHXH&NV phải: Giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch7; kết hợp với khảo sát, điều tra xã hội học, nhận định, đánh giá tình hình; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với tăng cường hội thảo, tọa đàm khoa học, sinh hoạt học thuật, đối thoại dân chủ thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ; khai thác triệt để các phương tiện, thông tin truyền thông trong thời đại công nghệ số để có nhận định, đánh giá đúng kết quả nghiên cứu, đảm bảo tính khách quan, khoa học và tính chính trị cao.

*

*       *

Hiện nay, do tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đến nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động KHXH&NV đang đứng trước những thách thức mới trước sự phát triển, vận động biến đổi của thời cuộc. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu KHXH&NV càng phải giữ vững vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu, từ đó có cách tiếp cận và lý giải, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, góp phần phát triển nền KHXH&NV phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế trong tình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Đức Châm (2015), Một số nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn trong thời kỳ đổi mới, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 496tr.

2. Lê Hải Đăng, Nguyễn Thị Thúy Nga (2018), Bộ từ khóa khoa học xã hội và nhân văn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 788tr.

3. Phạm Xuân Hằng (2000), Khoa học xã hội và nhân văn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 377tr.

4. Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Thị Kim Liên (2014), Giáo trình phương pháp đánh giá nhanh với sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu khoa học xã hội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 114tr.

 

 

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 118.

(2)Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - Thực tiễn qua 30 năm đổi mới  (1986 - 2016), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội, tr.191.

(3)Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - Thực tiễn qua 30 năm đổi mới  (1986 - 2016), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội, tr.170.

(4)Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.745.

(5)Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.181-182.

6Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.183.

 

 

7Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Hà Nội.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)