Thứ sáu, 22/03/2024 14:12

Việt Nam - Cơ quan năng lượng quốc tế: Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Ngày 21/3/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã có buổi tiếp Phó Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) phụ trách các Chương trình Hợp tác kỹ thuật (TC) Hua Liu và đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

IAEA luôn là đối tác quan trọng

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (phải) tiếp Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu (trái).

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt gửi lời cảm ơn đến Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu đã nhận lời mời sang gặp gỡ Lãnh đạo Chính phủ cũng như Lãnh đạo một số bộ/ngành, tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm vận hành an toàn và hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an ninh lương thực...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Bộ KH&CN luôn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đồng thời, luôn coi IAEA là đối tác quan trọng. Bộ KH&CN nói riêng và Việt Nam nói chung đánh giá cao vai trò và nỗ lực của IAEA trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đặc biệt là thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chuyến công tác lần này góp phần khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 bên, Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động và sáng kiến của IAEA như: đảm nhiệm tốt vai trò thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA (gần đây nhất là nhiệm kỳ 2021-2023); cử chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam làm thành viên Task Force của IAEA và tham gia đầy đủ quá trình thẩm định, quan sát, kiểm tra hoạt động xả thải của Nhật Bản; đóng góp kinh phí (45.000 USD) cho Phòng thí nghiệm ứng dụng hạt nhân của IAEA tại Seibersdorf, Áo; cũng như tích cực tham gia vào các chương trình, dự án do IAEA khởi xướng.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã được IAEA trực tiếp hỗ trợ 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí khoảng 3 triệu Euro, tham gia vào 67 dự án vùng và liên vùng, trong đó mỗi dự án có kinh phí từ khoảng 400.000-1.000.000 Euro cho chu kỳ 2-4 năm. Qua đó, giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sơ hạ tầng an toàn và an ninh, từ đó đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ của IAEA thông qua các dự án trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác vùng liên chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình dương (RCA), đặc biệt là trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch (2022-2023). Việt Nam đề nghị IAEA điều phối, thông qua RCA, tăng cường tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ (ví dụ từ ADB) cho các dự án vùng, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu như an ninh lương thực, bảo vệ nguồn nước.

Với những nỗ lực trong thời gian vừa qua, Việt Nam, IAEA, Lào, Campuchia đã ký kết hợp tác phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử thông qua Chương trình hợp tác 3 bên. Cuối tháng 2/2024, các bên đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho giai đoạn 2024-2025; qua đó, Việt Nam khẳng định tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Lào, Campuchia trong các lĩnh vực hạ tầng an toàn, chiếu xạ, kiểm tra không phá hủy (NDT), kiểm soát ung thư, bảo vệ cây trồng, nông nghiệp thông minh. Việt Nam cũng sẵn sàng giúp 2 nước này đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ thông qua hợp tác song phương giữa các Chính phủ, cũng như sử dụng kinh phí của TC của IAEA.

Một số đề xuất cho giai đoạn tới

Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia các TC, Việt Nam đề xuất IAEA hỗ trợ một số hoạt động:

Một là, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân (CNST), đặc biệt trong việc thực hiện nghiên cứu đánh giá địa điểm và lập báo cáo khả thi (FS); Nghiên cứu khả thi xây dựng Tổ hợp máy gia tốc quy mô lớn ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Hai là, hỗ trợ Việt Nam tham gia sáng kiến Atom4NetZero, cũng như khai thác các phương pháp luận và công cụ INPRO (phương pháp đánh giá tính bền vững của hệ thống năng lượng hạt nhân) nhằm hỗ trợ nghiên cứu đề xuất sự tham gia của điện hạt nhân hướng tới mục tiêu Net zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021.

Ba là, Bộ KH&CN mong muốn được tiếp đón Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi sang thăm và làm việc Việt Nam trong thời gian tới.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)