Thứ sáu, 22/03/2024 17:46

Sách mới của Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật

1. Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp - Phương pháp “gỡ cá khỏi lưới”: Hạn chế tối đa tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và tổn thương tuyến cận giáp

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, với hơn 5000 ca mỗi năm. Mặc dù ung thư tuyến giáp có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nhưng trên thực tế, không ít trường hợp bệnh nhân sau khi phẫu thuật gặp phải những biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng, suy tuyến cận giáp - hạ canxi máu, khàn tiếng - tổn thương thần kinh thanh quản, rò dưỡng chấp… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh.

Chính những tai biến, biến chứng sau phẫu thuật đã thôi thúc bác sỹ Mai Văn Sâm cải tiến phương pháp phẫu thuật với mong muốn giảm thiểu tối đa nguy cơ tai biến cho người bệnh. Sau 20 năm phẫu thuật tuyến giáp ở nhiều bệnh viện lớn, nhỏ với hàng ngàn ca phẫu thuật, từ những kinh nghiệm thực tế, bác sỹ Mai Văn Sâm đã biên soạn cuốn sách “Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp - Phương pháp “gỡ cá khỏi lưới” - Hạn chế tối đa tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và tổn thương tuyến cận giáp” để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về sinh lý tuyến giáp, giải phẫu tuyến giáp, những chỉ định phẫu thuật, tổng hợp các tai biến, biến chứng sau phẫu thuật và cách xử trí. Đặc biệt, sách có một chương riêng về kỹ thuật phẫu thuật giúp bạn đọc cũng như những bệnh nhân đang chuẩn bị phẫu thuật tuyến giáp có thêm tư liệu tham khảo hữu ích, từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

2. Nghiên cứu một số loài Giảo cổ lam (Gynostemma spp.) ở Việt Nam

Giảo cổ lam là tên gọi chung cho nhiều loài thuộc chi Gynostemma Blume. Cuốn sách “Nghiên cứu một số loài Giảo cổ lam (Gynostemma spp.) ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu từ khi lần đầu tiên phát hiện có Giảo cổ lam mọc hoang ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn và Cao Bằng năm 1997 cho đến nay. Trải qua hơn 20 năm, các tác giả đã nghiên cứu về đặc điểm hình thái và phân bố, thành phần hóa học, độc tính và một số tác dụng sinh học, xây dựng quy trình nhân giống và trồng Giảo cổ lam. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên một số tạp chí quốc tế và trong nước. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, người dân ở nhiều địa phương và các doanh nghiệp đã tiến hành khai thác và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như trà Giảo cổ lam, viên Giảo cổ lam.

Cuốn sách bao gồm 5 chương:

Chương 1: Đặc điểm thực vật và phân bố;

Chương 2: Nghiên cứu thành phần hóa học;

Chương 3: Độc tính và tác dụng sinh học;

Chương 4: Quy trình nhân giống cây Giảo cổ lam;

Chương 5: Quy trình kỹ thuật trồng cây Giảo cổ lam.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)