Ứng dụng trong điều trị y học
Trong xã hội vẫn còn nhiều người phải sống chật vật vì bệnh tật. Điều trị bệnh từ tế bào gốc, đó là hành trình với những câu chuyện về sự hồi sinh cuộc đời. Mục đích chính của sử dụng tế bào gốc là đem đến các liệu pháp điều trị bệnh, mang lại sự sống và cải thiện chất lượng sống cho con người.
Trong vài năm trở lại đây, việc điều trị cho bệnh nhân từ tế bào gốc đã trở nên phổ biến hơn.
Năm 2007, “cụ rùa” Dương Thị Chiến, khi đó mới 15 tuổi mắc bệnh ung thư máu mạn tính đã chiến đấu với bệnh tật để duy trì sự sống (vì ngày đó Việt Nam chưa thực hiện được phương pháp điều trị ghép tế bào gốc). Đến năm 2014, ca ghép tủy sống thành công của Chiến như một kỳ tích giữa đời thường.
Hay trường hợp vào năm 2019, cô bé Thái Huyền Trang 13 tuổi phải nhập viện gấp vì bị ung thư máu và được ghép bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ Ngân hàng Tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Cũng trong năm ấy, cậu bé Vũ Anh Tuấn hơn 2 tuổi mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp (ghép haplotype). Tính đến nay, hơn 500 ca ghép tế bào gốc tạo máu đã được thực hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đó là những phép màu mà tế bào gốc mang lại.
Một số kiến nghị
Một là, việc bảo hộ sáng chế đối với tế bào gốc là một trong những phương thức để khuyến khích sáng tạo và khai mở những góc tối của lĩnh vực y học nói riêng và ngành khoa học nói chung. Tiềm năng từ các phương pháp điều trị có nguồn gốc từ tế bào gốc là rất lớn. Chính vì vậy, sự cho phép cấp bằng bảo hộ sáng chế tế bào gốc nói chung và sáng chế tế bào gốc phôi người nói riêng mang lại nhiều lợi ích hơn các lệnh cấm từ các quốc gia.
Hai là, nước ta nên sớm hoàn thiện và ban hành luật về tế bào gốc. Tế bào gốc không chỉ chữa các bệnh nan y mà sẽ dùng để chữa nhiều bệnh phổ biến hiện nay. Luật tế bào gốc nên có sớm để mang lại lợi ích cho bệnh nhân, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ sinh học của Việt Nam.
Ba là, xây dựng cơ chế giám sát, quản lý phù hợp. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kình, xét về góc độ của nhà quản lý, nếu lơ là trong quản lý sẽ gây ra những thảm họa khôn lường do những tác dụng phụ và nguy cơ nghiêm trọng có thể tác dụng từ liệu pháp tế bào gốc, khi cấy ghép tế bào gốc tự thân vẫn có thể nảy sinh các vấn đề về miễn dịch. Tuy nhiên, nếu quy định quá chặt chẽ, khắt khe lại bóp chết một ngành khoa học đầy tiềm năng chưa được khai phá ở nước ta1. Ngoài ra, dữ liệu cá nhân cũng là vấn đề nhạy cảm cần được xem xét một cách thỏa đáng. Vì tế bào gốc là các bộ phận cơ thể có thể tách rời khỏi cơ thể và có chứa dữ liệu cá nhân của người hiến tặng nên những quy định giám sát, quản lý liên quan đến dữ liệu tế bào gốc cũng cần được xem xét bảo vệ, bên cạnh nội dung bảo hộ sáng chế.
Bốn là, tế bào gốc là ngành lớn, tốn rất nhiều kinh phí, hiện tại cũng đã có nhiều trung tâm nghiên cứu được đầu tư nhưng chưa có đủ kinh phí vận hành, vì cơ sở vật chất ước tính sơ bộ phải lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Để giải quyết vấn đề này, ngoài chính sách hỗ trợ tài chính công, một số nước áp dụng huy động vốn cho các doanh nghiệp nghiên cứu về tế bào gốc thông qua các kênh huy động vốn như quỹ từ thiện, quỹ đầu tư, gọi vốn trên thị trường chứng khoán. Cùng sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước và sự phát triển của công nghệ với những bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng y học thì liệu pháp dùng tế bào gốc trong điều trị sẽ không còn là “giấc mơ xa vời” đối với các bệnh nan y.
Sáng tạo y học là một hành trình dài mà tại đó, bảo hộ sáng chế tế bào gốc có thể sẽ là giải pháp để góp phần vào công cuộc khai sáng y học nhân loại, thông qua việc tìm hiểu và phát hiện các phương pháp y học hay các loại thuốc chữa trị mới. Để bắt kịp sự phát triển không ngừng của y học thế giới, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan ban ngành cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển cho ngành y học nước nhà nói chung và lĩnh vực y học tái tạo nói riêng trong thời gian tới, nâng cao tài sản trí tuệ trong ngành y tế nước nhà trên thị trường quốc tế.
1Nguyễn Văn Kình (2020). “Ứng dụng tế bào gốc và một số vấn đề liên quan”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 3, tr.15.
Nguyễn Hoàng Nam - Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước TP Hồ Chí Minh