Thứ sáu, 26/01/2024 14:10

Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics

Đây là một trong nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. Ngày 24/01/2024 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo xin ý kiến của đại diện các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp…về dự thảo Chiến lược này.

Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Là quốc gia nằm ở khu vực trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics khi nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế… Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2023 cho thấy, chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ (tăng 21 bậc so với năm 2016). Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics được nâng cao rõ rệt, số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp đa dạng, thị trường logistics của Việt Nam được mở rộng, các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Duy Đông cho biết, để phát triển lĩnh vực logistics, ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là một văn bản quan trọng bước đầu đánh dấu sự quan tâm của các cấp, các ngành đến phát triển của ngành dịch vụ logistics của Việt Nam kể từ sau khi ban hành Luật Thương mại năm 2005.

Sau 7 năm triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Cụ thể là, nhận thức về vai trò và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics được nâng cao ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp; dịch vụ logistics đã từng bước tạo lập và hoàn thiện khung pháp lý; ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước; hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện; thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng gia tăng và từng bước được nâng cao; hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ và các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics cũng ngày càng được phát triển...

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển ngành dịch vụ logistics

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông thông tin thêm, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60-70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-18% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12-15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các nhóm nhiệm vụ lớn bao gồm: hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics; đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics; đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics chất lượng cao và phong cách cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển logistics ở cả trung ương và địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến  về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn cùng với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp, kiến nghị và chính sách đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Thúy Hà - Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)