Bảo hộ tế bào gốc - Tiềm năng trong y học
Với vai trò như một hệ thống sửa chữa, thay thế các tế bào bị tổn thương và tế bào chết, tế bào gốc (stem cells) được xem là tác nhân thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật, góp phần hỗ trợ trong việc điều trị bệnh, duy trì và cải thiện sức khỏe con người.
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là một thuật ngữ liên ngành y sinh học. Hầu hết các loài đều có tế bào gốc. Ví dụ ở động vật, các loài thường được sử dụng trong nghiên cứu tế bào như chuột, heo, ruồi, bướm, ếch, thỏ, hay “chú cừu Dolly” được phổ cập đến trong chương trình trung học phổ thông cũng được nhân bản từ tế bào gốc phôi cừu1. Nhiều loài thực vật ngày nay cũng được tạo ra thông qua các hình thức lai tạo và nhân giống sử dụng tế bào gốc thực vật.
Theo TS BS Trần Đặng Xuân Tùng, Khoa tế bào gốc, Bệnh viện Vạn Hạnh, TP Hồ Chí Minh, tế bào gốc là những tế bào có tính chất gốc, bao gồm: khả năng nhân đôi, khả năng biệt hóa và khả năng bám dính. Tế bào gốc dùng trong y học (trị liệu) trên người thì cần dùng tế bào gốc có nguồn gốc từ con người. Căn cứ trên đặc điểm y học, có thể phân chia thuật ngữ tế bào gốc làm 3 loại:
Một là tế bào gốc tự thân. Đây là loại tế bào gốc lấy của mình để dùng cho mình. Ở đây chắc chắn là tế bào gốc ở người trưởng thành, thì chia theo vị trí mô phôi học, như: ngoại bì, trung bì hay nội bị, chúng ta hay dùng tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc từ mô mỡ hay các mô khác, thường là tế bào gốc trung mô, được lấy từ lớp trung bì.
Hai là tế bào gốc đồng loại. Đây là loại tế bào gốc có thể lấy từ người trưởng thành tương tự (tế bào gốc trung mô từ đồng loại), hay lấy từ các sản phẩm thai thì từ các mô có cùng thai như: mô dây rốn, mô nhau thai, việc lấy thai (phôi thai) để dùng tế bào gốc phôi thai, chắc chắn sẽ gặp nhiều tranh cãi, cái đó sẽ được bàn ở phía sau, nhưng về tế bào gốc đồng loại từ mô dây rốn, mô nhau thai. Còn việc lấy mô mỡ hay mô tủy xương từ người trưởng thành thì cần được xem xét về mức độ pháp lý phù hợp, khi chúng ta hiến tặng.
Ba là tế bào gốc từ khác loài. Đây là tế bào gốc lấy từ động vật như đã dẫn giải phía trên.
Bên cạnh đó, dựa theo tiềm năng tái tạo, tế bào gốc có thể chia thành 5 loại, bao gồm: Toàn năng (Totipotent), Vạn năng (Pluripotent), Đa năng (Multipotent), Đa năng giới hạn (Oligopotent) và Đơn năng (Unipotent).
Bảng phân loại tế bào gốc theo tiềm năng tái tạo.
Qua những bằng chứng thực nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy, nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực y học mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Một số loại tế bào gốc thông dụng như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ nói chung và tế bào cơ tim nói riêng, tế bào xương… được sử dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh mãn tính, chẳng hạn ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong các thủ thuật cấy ghép cho bệnh nhân ung thư; các rối loạn khác về máu và hệ miễn dịch; ứng dụng tế bào gốc dây rốn điều trị bệnh nhân suy phổi; điều trị các rối loạn thoái hóa thần kinh Parkinson hay Alzheimer.
Các nguồn tế bào gốc trung mô người (hMSC) và khả năng biệt hóa đối với kích thích bằng chiết xuất thảo dược và các chất kích thích tổng hợp. (Nguồn: Udalamaththa et al)2.
Tiềm năng nghiên cứu về tế bào gốc
Có thể thấy, tế bào gốc sẽ mở ra một cuộc cách mạng mới trong y học. Nghiên cứu tế bào gốc không chỉ mở ra cơ hội đầy tiềm năng trong việc đào sâu tìm hiểu về bệnh học con người mà còn thúc đẩy phát triển của ngành y học tái tạo và tiếp cận thử nghiệm các loại thuốc mới trong lĩnh vực y khoa.
Thứ nhất, liệu pháp tế bào gốc là phương thức điều trị hiệu quả. Khi các chức năng của tế bào gốc được khám phá thêm, điều trị can thiệp bằng tế bào gốc có thể cung cấp các công cụ và nền tảng cho liệu pháp một cách chính xác. Việc sử dụng tế bào gốc để điều trị giảm đau mang lại kết quả nhanh chóng, an toàn, hiệu quả và lâu dài. Hay theo nghiên cứu của Yang và cộng sự (2017), những khiếm khuyết răng miệng và hàm mặt là một trong những loại bệnh có khả năng chữa khỏi cao nhất bằng liệu pháp tế bào gốc3.
Thứ hai, tế bào gốc của con người (trừ phôi thai) cung cấp một nền tảng hữu ích để sàng lọc thuốc sớm4. Đây được xem là hướng đi trong lĩnh vực chiết xuất thảo dược đối với tế bào gốc của con người như cuống rốn, răng sữa, những tế bào từ các mô: cơ vân, cơ tim, tế bào não, gan, da, phổi, thận, tuỵ…. Liệu pháp tế bào gốc giàu tiềm năng trong sử dụng lâm sàng khi được liên kết với các đặc tính biệt hóa và tăng sinh của chiết xuất thảo dược, phần nào tối ưu vào chi phí và không độc hại cho ứng dụng điều trị bệnh5. Một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Sri Lanka đã sử dụng các chế phẩm thảo dược trong các thử nghiệm lâm sàng ở lĩnh vực y học cổ truyền6.
Thứ ba, tế bào gốc phôi mở ra cơ hội điều trị các căn bệnh nan y như: bệnh đái tháo đường, ung thư, tái tạo trí não của bệnh nhân chết não, điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh, điều trị vô sinh. Ngoài ra, tế bào gốc phôi dùng trong nghiên cứu sự phát triển của con người sẽ góp phần lý giải sự thiếu hụt bẩm sinh, quái thai, mà dẫn đầu là các trường hợp sảy thai tự phát.
Xu hướng công nhận bằng sáng chế tế bào gốc
Hiện nay nhiều quốc gia đang có những động thái trong việc công nhận các bằng sáng chế liên quan đến tế bào gốc. Một ví dụ điển hình là trong khối Liên minh Châu Âu (EU), 43 quốc gia đã có khung pháp lý liên quan đến công nghệ tế bào gốc hỗ trợ sinh sản ở người7. Chính phủ các nước cấp bằng sáng chế cho tác giả/chủ sở hữu bằng sáng chế đối với các quy trình kỹ thuật liên quan đến công nghệ tế bào gốc hỗ trợ sinh sản. Ủy ban kiểm định công nghệ sinh sản (RTAC) tại Úc, hay Cơ quan thụ tinh và phôi học người (HFEA) ở Anh cũng có những chính sách khuyến khích phát triển các loại hình công nghệ này.
Đặc biệt, những ứng dụng y khoa của công nghệ tế bào gốc ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 21 đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Điều này cho thấy tiềm năng điều trị và giá trị thương mại của các phương pháp điều trị có nguồn gốc từ tế bào gốc là rất lớn.
Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường năm 2020, thị trường tế bào gốc toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 27,7 tỷ USD vào năm 2028, từ mức gần 12 tỷ USD của năm 2021. Đơn cử như các chương trình hay dự án tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc trong y học đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh… Tại Hoa Kỳ, Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã tài trợ hơn 2,2 tỷ đô la cho nghiên cứu tế bào gốc trong năm tài chính 2022.
(Đơn vị tính: Triệu đô la Mỹ)
Tổng kinh phí nghiên cứu tế bào gốc của NIH giai đoạn 2013-2024 (Nguồn: Statista).
Có thể thấy, kinh phí dự toán cho hoạt động nghiên cứu tế bào gốc của NIH tăng dần đều qua các năm (số liệu tổng kinh phí của 2 năm 2023 và 2024 là ước tính).
1Sách giáo khoa Sinh học 10, phần Công nghệ tế bào (Chân trời sáng tạo), trang 101.
2V.L. Udalamaththa, C.D. Jayasinghe, P.V. Udagama PV (2016), “Potential role of herbal remedies in stem cell therapy: Proliferation and differentiation of human mesenchymal stromal cells”, Stem Cell Research & Therapy, 7(1).
3B. Yang, Y. Qiu, N. Zhou, et al. (2017). “Application of stem cells in oral disease therapy: Progresses and Persectives”. Front Physiol, 8(197).
4E.N. Nembo, J.Hescheler, F. Nguemo (2020). “Stem cells in natural product and medicinal plant drug discovery - An overview of new screening approaches”. Biomedicine & Pharmacotherapy, 131, DOI: 10.1016/j.biopha.2020.110730.
5V.L.Udalamaththa, C.D. Jayasinghe, P.V. Udagama (2016). “Potential role of herbal remedies in stem cell therapy: proliferation and differentiation of human mesenchymal stromal cells”. Stem Cell Research & Therapy, 7, DOI: 10.1186/s13287-016-0366-4.
6P.V. Udagama, V. Udalamaththa (2017), “Application of Herbal Medicine as Proliferation and Differentiation Effectors of Human Stem Cells”, IntechOpen, DOI: 10.5772/intechopen.72711.
7A. López (2021), “The need for regulation in the practice of human assisted reproduction in Mexico. An overview of the regulations in the rest of the world”, Reproductive Health, 18, pp.1-14.
Nguyễn Hoàng Nam - Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước TP Hồ Chí Minh
(Đón đọc Bảo hộ tế bào gốc - Những khó khăn phải đối mặt)