Thứ tư, 20/12/2023 11:05

Liêm chính luôn là vấn đề được quan tâm trong khoa học

Đối với công bố các bài báo quốc tế, vấn đề luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, cũng như các nhà quản lý đó là đạo đức nghiên cứu (hay liêm chính) trong nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN). Đây là nội dung của Hội thảo khoa học “Liêm chính trong nghiên cứu khoa học”do Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp tổ chức ngày 19/12/2023.

Toàn cảnh hội thảo.

Tầm quan trọng của liêm chính trong nghiên cứu khoa học

Đảng và Nhà nước ta luôn quan điểm rằng, giáo dục - đào tạo cùng với KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quan trọng quyết định tǎng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong 10 năm trở lại đây, hoạt động KH&CN đã có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là các công bố khoa học, các bài báo (trong nước và quốc tế) và các bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và tiềm lực KH&CN của quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm 2021, các cơ sở giáo dục đại học chiếm tới 95,78% số lượng công bố quốc tế của nước ta trên Scopus, tương ứng với 17.625 công bố, góp phần đưa xếp hạng của Việt Nam đứng thứ 5 (sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan) trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới. Trong giai đoạn 2017-2022, số lượng công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI trước đây và là WoS hiện nay) của các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã tăng lên mạnh mẽ với tổng số 18.524 bài. Số lượng các đơn vị có nhiều công bố cũng tăng ấn tượng (năm 2019 có 8 trường đại học, đại học công bố trên 100 bài, và đến năm 2022 đã tăng lên 16 trường đại học, đại học). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công bố quốc tế trong những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, tranh luận, thảo luận và giải quyết đối với các nhà quản lý, các tổ chức KH&CN cũng như cộng đồng và cá nhân các nhà khoa học. Một trong các vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay trong giới khoa học cũng như trên các diễn đàn là đạo đức (hay liêm chính) trong nghiên cứu KH&CN.

Để thống nhất, đề xuất một số giải pháp có tính khả thi, hiệu quả tăng cường tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói chung và công bố khoa học nói riêng, đồng thời nâng cao chất lượng, uy tín, giá trị của hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, đáp ứng mục tiêu và kỳ vọng của yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học “Liêm chính trong nghiên cứu khoa học”.

Cần sự “chung tay” từ các cơ quan quản lý

Đại diện Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN), Văn phòng Chức danh Giáo sư Nhà nước và Đại học Bách khoa Hà Nội đã trình bày các tham luận xoay quanh chủ đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Tại phiên thảo luận, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo của các trường đại học/viện nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, đồng thời đề xuất một số phương pháp nhằm đảm bảo liêm chính trong nghiên cứu khoa học như: xây dựng bộ quy quy tắc chung của quốc gia, phát triển các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái điều hành phiên thảo luận.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, những chia sẻ thực tế tại hội thảo chính là tiền đề để tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý cũng như tổ chức thực hiện liêm chính nghiên cứu tại Việt Nam - một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên môi trường học thuật chuẩn mực, thúc đẩy chất lượng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao. Theo Thứ trưởng, để đảm bảo liêm chính trong nghiên cứu khoa học, ngoài yếu tố chủ quan ở chính các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hành động cụ thể để hỗ trợ các nhà khoa học như sau:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức KH&CN và cá nhân các nhà khoa học cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đảm bảo liêm chính nghiên cứu. Đây là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng và không thể thiếu để có thể thúc đẩy, gia tăng chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, cũng như kết quả nghiên cứu KH&CN theo hướng hội nhập quốc tế.

Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH&CN, GD&ĐT cần hết sức chú trọng và tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo liêm chính nghiên cứu, tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực.

Ba là, cần rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy liêm chính nghiên cứu trong toàn bộ các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như trong công tác giảng dạy.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)