Thứ ba, 28/11/2023 17:48

Để HIV/AIDS không còn là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam

HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Với Việt Nam, sau một thời gian dài đã từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS thì những năm gần đây, đại dịch này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội thảo triển khai Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/07/2021 của Ban Bí thư. Đây là dịp để Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương lắng nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận, từ đó tham mưu cho Ðảng và Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian trước năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việt Nam đã trải qua 33 năm đương đầu và đáp ứng với dịch HIV/AIDS. Trong suốt thời gian đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, Ban Bí thư đã 3 lần ban hành chỉ thị liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/07/2021 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Với sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Các địa phương tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này thông qua các đề án hoặc kế hoạch, đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục huy động và nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể từ các tổ chức quốc tế.

Thời gian qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm và khoảng hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới, không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có các cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời.

Tuy nhiên, sau một thời gian từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS thì những năm gần đây, đại dịch này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Mỗi năm đều có hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới: năm 2020 là 13.955, năm 2021 là 13.223, năm 2022 là 11.037 và 9 tháng đầu năm 2023 là 10.219 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. Trong số trường hợp nhiễm mới được phát hiện năm 2023, hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Nam giới chiếm hơn 80% tổng số nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm, đặc biệt từ năm 2020 trở lại đây. Năm 2022, có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm từ 15-29 tuổi. Quan hệ tình dục đồng giới ở nam và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở hiện nay (xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện). Độ bao phủ của các dịch vụ hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm vào cuộc để đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Gia Cường đã trình bày các nội dung cốt lõi và điểm mới của Chỉ thị số 07-CT/TW. Phó Vụ trưởng đề nghị Ban Tuyên giáo các địa phương tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, cách ứng xử với người nhiễm HIV/AIDS; đẩy mạnh kết nối các dịch vụ dự phòng, điều trị và hỗ trợ xã hội đối với cá nhân và gia đình người nhiễm HIV/AIDS.

BS Eric Dziuban - Giám đốc Trung tâm Phòng, ngừa và kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cũng đồng ý rằng, vai trò lãnh đạo của cấp ủy các địa phương là yếu tố then chốt để duy trì kiểm soát dịch bệnh lâu dài. 

Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra tọa đàm “Tâm sự của người trong cuộc: Góc nhìn của cộng đồng về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV”. Đại diện nhóm chuyển giới nữ và nam quan hệ tình dục đồng giới đã chia sẻ về những khó khăn, áp lực, rào cản trước sự kỳ thị của gia đình và xã hội… Qua đó, họ mong muốn nhận được sự thấu hiểu, chấp nhận, giúp đỡ, bảo vệ từ bạn bè, người thân và gia đình, để họ tự tin hòa nhập với cộng đồng.

BL

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)