Thứ hai, 20/11/2023 15:15

Liên kết phát triển thương mại điện tử ở Đồng bằng sông Cửu Long

Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, những năm gần đây, hoạt động sản xuất - kinh doanh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự phát triển rất đa dạng về hình thức… Tuy nhiên, để phát triển thương mại điện tử vẫn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, đặc biệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đón đầu xu hướng

Tại diễn đàn: “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức mới đây, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ/ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong cả nước triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử, trong đó có khu vực ĐBSCL. Liên kết vùng trong thương mại điện tử là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước… để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng. Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ, các hoạt động sản xuất - kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 cho thấy, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 của toàn vùng ĐBSCL ước đạt 11,502 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2022 (12,718 triệu USD). Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,567 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước (6,626 triệu USD). Trong vùng ĐBSCL, 3 địa phương dẫn đầu ở cả mức kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc phát triển thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Để xúc tiến các hoạt động phát triển thương mại điện tử, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ nhằm tăng tính kết nối giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, góp phần đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Đặc biệt, chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng ĐBSCL gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực tế tại ĐBSCL cho thấy, đã có sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình thương mại điện tử. Cụ thể như mô hình tiêu thụ nông sản, đặc sản qua Sendo Farm/Postmart, mô hình xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ địa phương qua nền tảng Shopee International Platform (SIP), xuất khẩu theo mô hình B2B qua Alibaba, B2C qua Amazon hay giải pháp đến từ Fado - Ratraco Solutions vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới từ ĐBSCL tới các tỉnh phía Nam để phân phối ra thị trường khu vực và quốc tế.

Liên kết vùng để phát triển thương mại điện tử

Để tăng cường quản lý và định hướng thúc đẩy phát triển liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt và thị trường xuất khẩu, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng cần phải tăng cường phối hợp 2 chiều giữa cơ quan nhà nước và địa phương để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động kết nối để phát huy sức mạnh lẫn nhau. Bên cạnh đó, đẩy triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương tới địa phương để hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển. Đặc biệt, để phát triển thương mại điện tử rất cần sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về công nghệ và giải pháp phù hợp.

Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như nông sản, thủy hải sản, lúa gạo, thủ công mỹ nghệ…, thị trường thương mại điện tử tại các tỉnh khu vực ĐBSCL được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử khu vực.

Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng như các bộ/ngành khác cần tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp địa phương ở ĐBSCL có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, với vị thế là trung tâm của vùng, cần xây dựng mô hình 1 trung tâm liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử đặt tại Cần Thơ để thúc đẩy tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, để phát triển thương mại điện tử, các địa phương và doanh nghiệp trong vùng cũng cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển logistics trong thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực ngành thương mại điện tử và phát triển hạ tầng giao thông.

Nguyễn Thúy Hà

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)