Một số kết quả đạt được
Tại hội thảo khoa học: “KH&CN Sóc Trăng: 30 năm hình thành và phát triển (1993-2023” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Sở KH&CN Sóc Trăng đã từng bước củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND tỉnh trong các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thống kê cho thấy, từ năm 1993 đến nay, tỉnh đã thực hiện 11 đề tài/dự án thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia, 228 đề tài/dự án cấp tỉnh (trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên). Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương như giống lúa ST, hành tím, bào xác Artemia Vĩnh Châu, trái cây Cù Lao Dung, nhãn tím Phong Nẫm, vú sữa tím Kế Sách...
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, đã triển khai thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2023, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Sở KH&CN Sóc Trăng đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học… triển khai thực hiện hiệu quả nhiều đề tài/dự án trên địa bàn tỉnh; phối hợp với một số tổ chức để ký kết các chương trình, biên bản hợp tác có liên quan đến việc phát triển KH&CN. Các đề tài/dự án này đã và đang được ứng dụng, nhân rộng vào thực tế sản xuất và đời sống.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà ngành KH&CN Sóc Trăng đã đạt được trong 30 năm qua. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN triển khai có hiệu quả các chương trình/dự án cấp quốc gia tại địa phương; đồng thời tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương khác để thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả mà Sở KH&CN Sóc Trăng đã đạt được. Bộ trưởng cũng đề nghị ngành KH&CN Sóc Trăng tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, tháo gỡ khó khăn để đưa ngành KH&CN Sóc Trăng ngày càng phát triển, đóng góp có hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển của địa phương, vùng và cả nước.
Định hướng cho thời gian tới
Với nhận thức, KH&CN là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, ngành KH&CN tỉnh đã đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu năng suất lao động tăng t6,2-6,5%/năm vào năm 2025 và 7,2-7,5%/năm vào năm 2030; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong cả giai đoạn đến 2025 khoảng 40% GRDP, giai đoạn 2026-2030 khoảng 45% GRDP. Phấn đấu đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 9-10 người/vạn dân, đến năm 2030 phấn đấu đạt 10-12 người/vạn dân; đến năm 2025 số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ tăng trung bình 8-10%/năm và đến năm 2030 là 10-12%/năm; huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN chiếm 46-50% vào năm 2025 và chiếm 50-55% đến năm 2030; hỗ trợ 100% các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, kết nối với đối tác trong và ngoài nước...
Về định hướng phát triển, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Sóc Trăng sẽ phát triển ở mức khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được việc đó, ngành KH&CN tỉnh Sóc Trăng sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN. Bên cạnh đó, ngành KH&CN tỉnh cũng tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu, tiến bộ KH&CN, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất và đời sống; xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ; chia sẻ cơ sở dữ liệu các kết quả nghiên cứu, cung cấp thông tin về các sáng chế; tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường vào sản xuất và đời sống…; từng bước đưa KH&CN phát triển lên tầm cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu Hiền