Thứ ba, 21/11/2023 15:49

Tìm kiếm giải pháp xây dựng hệ thống năng lượng và môi trường bền vững

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc đổi mới và phát triển các công nghệ năng lượng tiên tiến chính là chìa khóa để giải quyết những thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính... Nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng hệ thống năng lượng và môi trường bền vững, Trường Đại học Điện lực (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers - IEEE) tại Việt Nam và Hiệp hội Ứng dụng Công nghiệp IEEE (IEEE Industry Applications Society - IEEE IAS) đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về: Môi trường và kỹ thuật điện - châu Á 2023 (EEE-AM 2023).

Phát triển năng lượng bền vững

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, bên cạnh đó quy mô nền kinh tế cũng sẽ tăng, do đó nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay (khoảng 550-600 tỷ kWh điện). Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đã được triển khai, trong đó có việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh và được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á, việc đổi mới và phát triển các công nghệ năng lượng tiên tiến trong tương lai chính là chìa khóa, giải pháp cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nóng lên toàn cầu... Phát triển công nghệ năng lượng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược không chỉ đối với Việt Nam mà thu hút sự quan tâm của toàn thể các quốc gia trên thế giới. Xác định vai trò của Trường Đại học Điện lực là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế… thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã khẳng định vai trò của mình thể hiện qua các kết quả nghiên cứu khoa học với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực năng lượng đã được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, đổi mới chương trình đào tạo cũng như các chương trình, hoạt động xúc tiến hợp tác quốc tế.

Từ thành công của hội nghị quốc tế về Chuyển dịch năng lượng năm 2022, năm 2023, Trường Đại học Điện lực đã phối hợp với IEEE và IEEE IAS đồng tổ chức EEE-AM 2023 nhằm mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất, những người làm trong ngành năng lượng và các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu… cùng thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến hệ thống năng lượng và các vấn đề môi trường để đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là đa dạng hóa năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, EEE-AM 2023 còn cung cấp một cái nhìn tổng quan về các vấn đề khoa học và công nghệ, kinh tế và xã hội về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật điện trong bối cảnh các tác động môi trường nhằm kìm kiếm giải pháp, công nghệ cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững.

Tìm kiếm giải pháp để phát triển bền vững

Việt Nam hiện nay đang đối mặt với thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, do đó cần có những giải pháp kịp thời để bảo đảm an ninh năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó việc nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học. Nhiều nghiên cứu đã xác định các rào cản chính đối với quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam như thể chế và chính sách; kinh tế và tài chính; kỹ thuật và cơ sở vật chất; đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, để đẩy nhanh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn nguyên/nhiên liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, điều quan trọng là phải đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực có năng lực và trình độ để đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

GS.TSKH Trần Quốc Tuấn chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tại Pháp.

GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten - INES (Cộng hòa Pháp) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết, trong đó cần đặc biệt lưu ý tới nguồn năng lượng điện hạt nhân. Theo GS Tuấn, Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng điện hạt nhân khi loại năng lượng này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng điện quốc gia. Nước này cũng đang có kế hoạch phát triển các lò phản ứng thế hệ mới để bảo đảm sự an toàn ở mức cao nhất. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Pháp đã đạt được rất nhiều thành công và đưa Pháp trở thành cường quốc về điện hạt nhân trên thế giới với số lò phản ứng hạt nhân đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ). Với kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển, Pháp đã bắt đầu chương trình điện hạt nhân từ rất sớm, phát triển điện hạt nhân đi đôi với đảm bảo an toàn, an ninh điện hạt nhân. Có thể khẳng định, điều quan trọng trong việc sử dụng điện hạt nhân thành công tại Pháp chính là họ có một đội ngũ cán bộ công nghệ về điện hạt nhân trình độ cao, đồng thời các nhà chức trách Pháp đã làm việc rất chăm chỉ để công dân của họ thấy rõ những lợi ích của năng lượng hạt nhân cũng như rủi ro mà nó có thể mang lại… Các cuộc thăm dò được thực hiện trong nhiều năm đã cho thấy, phần đông công chúng Pháp ủng hộ điện hạt nhân. Vì thế, mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân trải đều khắp vùng miền của quốc gia này.

Dịch chuyển năng lượng vẫn đang định hình nhưng sẽ là một chủ đề lớn. Để chuyển dịch thành công, các chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề: chính sách năng lượng, thị trường điện và các quy định, tiêu chuẩn; năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ; hệ thống điện và lưới điện thông minh; hệ thống tích hợp các nguồn năng lượng; vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; vật liệu và công nghệ trong hệ thống năng lượng; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng…

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)