Thứ tư, 22/11/2023 14:23

Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 dựa trên cộng đồng

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Tại Việt Nam, tính đến tháng 06/2020 có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, có trên 100.000 người nhiễm HIV đã tử vong, 100% tỉnh, thành phố và 98% số quận, huyện đã phát hiện người nhiễm HIV. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp,  HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại… cần có giải pháp đẩy lùi, chấm dứt. “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Đây cũng là giải pháp quan trọng đối với phòng, chống HIV/AIDS.

Tình hình dịch HIV tại Việt Nam

Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS như phân tích ở trên, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có những văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Ngành y tế các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện.

Đối với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các hoạt động truyền thông tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các sự kiện truyền thông lớn và các buổi offline với quy mô vừa và nhỏ cần được triển khai thường xuyên hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV/AIDS cao như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương…

Đối với ngành y tế và Liên đoàn lao động các tỉnh/ thành phố, đặc biệt ở các tỉnh/thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, cần có kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV cho công nhân, lao động nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho lực lượng lao động trước tác động của HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn.

Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PREP. Các tổ chức cộng đồng đã đóng góp phát hiện mới hơn 50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng PREP, hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị sớm ARV và đặc biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.

Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.

VMH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)