Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính
TS Bùi Hữu Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với các thách thức đa dạng từ rủi ro địa chính trị, lạm phát, cạnh tranh thương mại đến các vấn đề về biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững; đồng thời, các quốc gia cũng đứng trước những cơ hội đổi mới công nghệ và thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, tình trạng lạm phát tăng cao vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khi các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt do tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới, khu vực tài chính ở nhiều quốc gia vẫn dễ bị tổn thương trước sự gia tăng mạnh của lãi suất chính sách.
Trước bối cảnh nêu trên, cơ quan quản lý tại các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ổn định hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, ngành tài chính - ngân hàng cũng tiếp tục phát triển với sự chuyển đổi số nhanh chóng và sự ra đời của các dịch vụ tài chính mới. Khoa học và công nghệ ngày càng trở thành trọng tâm của ngành tài chính - ngân hàng, với sự gia tăng của các dịch vụ tài chính số, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… Sự phát triển này được kỳ vọng đã mang đến những thay đổi tích cực cho hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng truyền thống trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đối với ngành ngân hàng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810) của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái số cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, thân thiện được cung ứng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, năm 2022, thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; hơn 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa....; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số…
Đặc biệt, trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động năm 2023, ngành nâng hàng đã đề ra mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Điểm nhấn “Meet the Editors Session- Gặp gỡ tổng biên tập”
TS Bùi Hữu Toàn cho biết, để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, tiếp cận nhanh với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, VSBF 2023 được tổ chức nhằm mục đích để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về những vấn đề thời sự của nền kinh tế, bao gồm những vấn đề gắn với lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
GS.TS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển ổn định nhất của khu vực và thế giới, là một trong số ít các quốc gia tạo được lòng tin chiến lược với nhiều đối tác quốc tế lớn và coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng cao và đều đặn diễn ra trong nhiều năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động trên thế giới. Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức chung về vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính… thì việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tư duy đổi mới sáng tạo cần được quan tâm, đặc biệt là việc kiến tạo tương lại cho thế hệ trẻ của Việt Nam để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và vươn tầm thế giới.
Điểm “độc đáo” của Diễn đàn lần này chính là đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt với sự tham gia của các nhà khoa học là các biên tập viên cao cấp đến từ các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đây là một điểm nhấn nổi bật của VSBF 2023. Tiêu biểu như TS Jean-François Boulier - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Aviva Investor France (Pháp), Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng, Thị trường và Nhà đầu tư; GS Arman Eshraghi - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, Tác động và Đổi mới, Trường Kinh doanh Cardiff (Vương quốc Anh); GS Marc Goergen - Trường Kinh doanh IE, Đại học IE (Tây Ban Nha), Phó Tổng biên tập Tạp chí Quản lý Anh, Tạp chí Kế toán Anh và Tạp chí Tài chính châu Âu; GS John Goodell - Đại học Akron (Hoa Kỳ), Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế và Tài chính… Đây là một hoạt động chỉ được tổ chức bởi các hội thảo lớn và có uy tín trên thế giới và lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô lớn, rộng rãi tại Việt Nam.
Tại: “Meet the Editors - Gặp gỡ tổng biên tập”, lãnh đạo các tạp chí khoa học đã chia sẻ những lời khuyên, kinh nghiệm thực tế từ cách chuẩn bị, tìm kiếm tạp chí, sử dụng và trình bày dữ liệu, đến hướng dẫn cách viết một bài báo khoa học cũng như một số thủ tục cần thiết cho nhà nghiên cứu trong quy trình công bố bài báo khoa học, từ lên ý tưởng bài viết, tham khảo quy trình gửi bài, xây dựng đề cương chi tiết, quá trình biên tập và gửi bản thảo, cách liên hệ với biên tập viên tạp chí, việc chỉnh sửa theo ý kiến các phản biện…
Bên cạnh đó, lãnh đạo các tạp chí còn chỉ ra những lưu ý hữu ích giúp tác giả sửa bài sau khi có kết quả phản biện; việc nâng cao trình độ cho đội ngũ viên tập viên, cách khai thác và phát triển mạng lưới cộng tác viên, việc tổ chức các hội thảo/hội nghị và tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu… Điều quan trọng mà các lãnh đạo tạp chí muốn nhắn nhủ tới các nhà quản lý, nhà khoa học nếu muốn tăng cường và đẩy mạnh các công bố quốc tế chính là việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực thông qua giáo dục, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
GS Marc Goergen cho rằng, đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, đổi mới là một phần của mọi thứ chúng ta cần làm và nó là điều cần thiết để phát triển tư duy sáng tạo. Đổi mới cũng cho phép chúng ta nắm lấy công nghệ như một giá trị cốt lõi để phát triển và hội nhập.
VSBF 2023 được tổ chức đã tạo ra một sự kiện mang tính học thuật cao, giúp các chuyên gia, học giả, nhà làm thực tiễn có thể trình bày kết quả nghiên cứu, và thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, VSBF 2023 còn có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Học viện Ngân hàng. Đây là cơ hội để các học giả của Việt Nam nói chung và Học viện Ngân hàng nói riêng góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu trong nước thông qua trao đổi ý tưởng và hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế. Từ các kinh nghiệm và ý tưởng tiếp nhận được, các cán bộ, giảng viên Học viện Ngân hàng có thể nâng cao số lượng và chất lượng của các công bố quốc tế. Đây là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện Ngân hàng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kinh nghiệm học hỏi được từ việc tổ chức Diễn đàn sẽ giúp Học viện Ngân hàng đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nội dung hội thảo khoa học, tọa đàm, sự kiện khoa học các cấp; là tiền đề quan trọng để Học viện Ngân hàng tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, công bố khoa học với các tổ chức, đối tác trong nước và nước ngoài, qua đó gia tăng tầm ảnh hưởng và sự quan tâm đối với Học viện Ngân hàng trong cộng đồng khoa học.
Phong Vũ