Định hướng xây dựng định mức
Để đảm bảo khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hệ sinh thái KNĐMST và doanh nghiệp KH&CN có chất lượng, cần phải có các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội được phân bổ một cách thỏa đáng, kịp thời, dựa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ cung cấp chuyên gia, ươm tạo, đào tạo tập trung, hỗ trợ thẩm định cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với dịch vụ hỗ trợ KNĐMST và doanh nghiệp KH&CN sẽ là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật; đồng thời là yếu tố có tính quyết định để đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. Qua đó, nâng cao chất lượng và tính tự chủ của các tổ chức cung ứng dịch vụ nêu trên, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất trong quản lý ngân sách nhà nước đầu tư cho các dịch vụ này.
Định mức phải đáp ứng yêu cầu là cơ sở, công cụ phục vụ cho quản lý chi phí, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động cung cấp chuyên gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ: ươm tạo, đào tạo tập trung, hỗ trợ thẩm định hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp KH&CN góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các hoạt động dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ phát triển hệ sinh thái KNĐMST.
Đơn giá trong định mức kinh tế kỹ thuật là căn cứ thuyết minh xây dựng kế hoạch, dự toán tài chính, quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện, kết quả cần đạt được của các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động cung cấp chuyên gia tư vấn cũng như cung cấp các dịch vụ về ươm tạo, đào tạo tập trung cho doanh nghiệp KNĐMST.
Dịch vụ hỗ trợ thẩm định hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp KH&CN phải đảm bảo các yêu cầu sau: i) Có sự thống nhất giữa các loại định mức và phương pháp xây dựng định mức; ii) Xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình, quy định của Bộ KH&CN và các tiêu chuẩn, quy định, quy trình chuyên ngành liên quan; iii) Có cơ sở khoa học, tính đúng, tính đủ, đồng thời phải đảm bảo tính tiên tiến, đáp ứng thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; iv) Bám sát tình hình thực tế.
Đối với bảng định mức hao phí tổng hợp đối với hoạt động dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau: i) Xây dựng trên cơ sở bảng định mức hao phí chi tiết gồm các thành phần nhân công lao động, thiết bị, máy, nguyên vật liệu, năng lượng; ii) Kết quả định mức có luận cứ khoa học về kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với các quy định của Nhà nước, Bộ KH&CN và các đơn vị đã ban hành, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam; iii) Là cơ sở xây dựng dự toán và đơn giá cho dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước theo phương thức Nhà nước đặt hàng, hoặc giao kế hoạch theo nhiệm vụ định kỳ hàng năm, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ.
Những định mức kinh tế kỹ thuật cần quan tâm
Dịch vụ cung cấp chuyên gia (trong và ngoài nước)
Tại Điều 13, Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định tổ chức quản lý Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) có quy định về các tiêu chí và căn cứ quy định về tài chính về định mức hỗ trợ kinh phí từ Đề án 844 cho chuyên gia KNĐMST; Quyết định số 2042/QĐ-BKHCN ngày 17/10/2022 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về “Ban hành lĩnh vực tư vấn và tiêu chí công nhận cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới tư vấn viên, tiêu chí đưa ra khỏi mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST” đã đưa ra quy định về lĩnh vực và tiêu chí để xác định chuyên gia trong các lĩnh vực tư vấn. Đây là những căn cứ quan trọng để tham khảo trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ cung cấp chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn cho hệ sinh thái KNĐMST.
Trước tiên, cần xác định được quy trình các bước cung cấp dịch vụ tìm kiếm chuyên gia (trong và ngoài nước), sàng lọc, phân tích thông tin khảo sát, điều tra, tìm kiếm các chuyên gia tiềm năng theo nhu cầu của khách hàng (doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức) có hoạt động KNĐMST và thực hiện xây dựng hồ sơ năng lực của các chuyên gia, kèm theo quy trình cung cấp chuyên gia theo nhu cầu của khách hàng. Trong đó, các định mức có độ khó khác nhau sẽ được quy định theo phạm vi tìm kiếm, lĩnh vực tìm kiếm, điều kiện cung cấp chuyên gia theo các cấp độ và quy mô khác nhau. Tiếp theo, cần xác định định mức lao động, định mức thiết bị, định mức vật tư với từng bước thuộc quy trình cung cấp dịch vụ tìm kiếm chuyên gia trong và ngoài nước cho hệ sinh thái KNĐMST.
Hình 1. Khóa đào tạo tập trung dành cho cán bộ quản lý vườn ươm (BI) và tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES).
Dịch vụ ươm tạo, đào tạo tập trung cho doanh nghiệp KNĐMST
Tại Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2019 quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án 844 có quy định một số nội dung và mức chi cho việc tổ chức các sự kiện ngày hội KNĐMST, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho KNĐMST; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có quy định nội dung hỗ trợ về sử dụng cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung. Đây là căn cứ tham khảo quan trọng trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ ươm tạo và đào tạo tập trung cho hệ sinh thái KNĐMST.
Về dịch vụ ươm tạo
Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các cơ sở ươm tạo cho doanh nghiệp KNĐMST là một trong những định hướng quan trọng trong việc triển khai Luật hỗ trợ DNNVV, thu hút sự quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức ươm tạo, mà cũng là vấn đề được doanh nghiệp KNĐMST, các hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ đầu tư cho KNĐMST trong nước hết sức quan tâm.
Thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) tổ chức, nhiều đại diện từ các Sở KH&CN đã nêu lên các ý kiến về khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ đối với các cơ sở ươm tạo, do pháp luật hiện hành chưa có quy định về chứng nhận, quản lý các đối tượng này; chưa rõ tiêu chí, điều kiện, định mức để được hỗ trợ, cách thức thủ tục triển khai hỗ trợ như thế nào dẫn đến không triển khai được hoặc rủi ro pháp lý khi triển khai. Một số đơn vị kiến nghị Trung ương cần xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ ươm tạo, định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn chung cho các địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và liên thông giữa các ngành: KH&CN, kế hoạch đầu tư, tài chính đối với việc khuyến khích hoạt động của các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST; tăng cường kết nối, hỗ trợ giữa các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm triển khai việc hỗ trợ hoạt động dành cho các cơ sở ươm tạo và các tổ chức khác có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST.
Trong quá trình cung cấp dịch vụ ươm tạo cho doanh nghiệp KNĐMST (hình 2), có rất nhiều dịch vụ nhỏ khác nhau như: dịch vụ hành chính, dịch vụ đào tạo chuyên sâu, đào tạo trực tiếp, hội nghị, hội thảo kết nối, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tư vấn về công nghệ, hỗ trợ về giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, hỗ trợ mặt bằng sản xuất và ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận tài chính… Do đó với từng hoạt động cụ thể cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ, mức độ khó khăn khi triển khai dịch vụ tại các địa điểm khác nhau; xác định định mức lao động, định mức thiết bị, định mức vật tư với từng bước thuộc quy trình cung cấp dịch vụ ươm tạo.
Hình 2. Quy trình cung cấp dịch vụ ươm tạo cho doanh nghiệp KNĐMST.
Về dịch vụ đào tạo tập trung
Mô hình dịch vụ đào tạo tập trung (Accelerator Boot Camp) được hiểu là nơi dành cho doanh nhân KNĐMST trong một thời gian xác định để đào tạo, hỗ trợ kinh nghiệm, đánh giá phương hướng và hiệu quả kinh doanh nhằm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trước khi khởi nghiệp (hình 3). Những người tham gia hỗ trợ, giảng dạy phần lớn là các cựu CEO, các chuyên gia về công nghệ và marketing, các nhà đầu tư và những cố vấn về pháp lý sẽ làm việc với những doanh nghiệp KNĐMST trong từng bước của tiến trình. Mô hình dịch vụ đào tạo tập trung sẽ khác với các khóa đào tạo thông thường ở các điểm: (1) Thời gian đào tạo dài hơn thường 1- 4 tháng; (2) Dịch vụ đào tạo tập trung bên cạnh giảng dạy, trang bị kiến thức cho doanh nghiệp KNĐMST là cùng đồng hành cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo tập trung; (3) Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp đang tham gia đào tạo tập trung có cơ hội kết nối với đối tác của các chuyên gia giảng dạy như quỹ đầu tư, các nhà đầu tư,…
Bảng 1. Các bước triển khai thực hiện khóa đào tạo tập trung cho doanh nghiệp KNĐMST.
Bước 1: Nộp hồ sơ (Apply)
|
- 2-3 tháng trước khóa đào tạo tập trung (bootcamp), các doanh nghiệp KNĐMST có thể nộp hồ sơ để xin vào chương trình đào tạo tập trung.
- Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA) nhận hồ sơ 2 đợt một năm, kỳ mùa đông bắt đầu vào tháng 3, mùa hè vào tháng 9.
|
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
|
- 1 tháng trước ngày bootcamp, ban thẩm định xét duyệt hồ sơ sẽ lọc ra các doanh nghiệp KNĐMST có tiềm năng cho vòng phỏng vấn.
- Tỷ lệ qua vòng xét duyệt này của startup là 10%.
|
Bước 3: Ngày phỏng vấn (Interview Day)
|
- 2 tuần trước ngày bootcamp, BA tổ chức ngày phỏng vấn (từ 1 đến 2 ngày).
- Các startup trình bày và trả lời câu hỏi của các thành viên hội đồng, tỷ lệ thành công của startup là 15%.
- Các tiêu chí cho doanh nghiệp KNĐMST được xét duyệt: Tạo ra được sản phẩm có tiềm năng lớn; Hình thành được mô hình kinh doanh có hiệu quả; Có chiến lược thích hợp với mô hình kinh doanh đề xuất.
|
Bước 4: Boot-camp
|
- Trung bình 8-10 doanh nghiệp KNĐMST sẽ được nhận vào bootcamp trong 4 tháng.
- Ngày chào đón - Orientation day (ngày đầu tiên các doanh nghiệp KNĐMST chuyển đến).
- Với các hoạt động bữa tối và họp hàng tuần.
- Các buổi nói chuyện giao lưu với các nhà đầu tư, các cựu CEO...
- Ngày chạy thử - Prototype day - 3 tuần sau ngày doanh nghiệp KNĐMST chuyển đến.
- Ngày diễn tập - Rehearsal day - 1 tuần trước ngày Demo.
|
Bước 5: Ngày đầu tư (Demo Day)
|
- Vào ngày cuối cùng của tháng thứ 4, BA tổ chức ngày đầu tư với sự tham dự của các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
- Các doanh nghiệp trình bày sản phẩm và kế hoạch kinh doanh, nguồn doanh thu với các nhà đầu tư cũng như trả lời các câu hỏi.
|
Sau khi xây dựng được quy trình cung cấp dịch vụ triển khai các khóa đào tạo tập trung, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật sẽ bám sát theo khung của quy trình và khi tính toán định mức lao động, định mức thiết bị, định mức vật tư sẽ căn cứ theo từng dịch vụ cụ thể và thời gian mà doanh nghiệp KNĐMST tham gia khóa đào tạo tập trung dựa trên: quy mô đào tạo, thời gian đào tạo, số lượng doanh nghiệp KNĐMST tham gia.
Hình 4. Hội thảo trong khuôn khổ Ngày hội KNĐMST quốc gia năm 2022 (Techfest Vietnam 2022).
Dịch vụ hỗ trợ thẩm định hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
Về dịch vụ hỗ trợ thẩm định cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, các định mức hiện nay đảm bảo phục vụ công tác của cơ quan quản lý nhà nước, đối với hội đồng thẩm định cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo quy định tại Điều 11 Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN:
“Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp CN.
1. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Nội dung chi và mức chi được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp bộ hoặc cấp tỉnh”.
Tuy nhiên, hiện nay công tác hỗ trợ chuyên sâu cho hội đồng thẩm định cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đối với những sản phẩm công nghệ mang yếu tố kỹ thuật cao, đa dạng ngành nghề lĩnh vực, cần thiết phải có những chuyên gia trong lĩnh vực đó hỗ trợ tư vấn, đánh giá giúp cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quyết định đáp ứng được quy định một cách chặt chẽ hơn. Do đó, đối với việc xây dựng quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật của những dịch vụ hỗ trợ thẩm định cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cần thiết bám sát những nội dung: (1) Đặc điểm của doanh nghiệp KH&CN; (2) Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; (3) Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp KH&CN để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương.
*
* *
Ngoài các vấn đề nêu trên, cần xác định, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hệ sinh thái KNĐMST cần phải được xác định là hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài do tính đặc thù của các loại hình dịch vụ và các tác động từ thực tiễn để bảo đảm các định mức kinh tế kỹ thuật luôn theo sát các đòi hỏi của xã hội, doanh nghiệp và người dân khi tham gia vào các quá trình thực hiện dịch vụ công phục vụ sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST. Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cần được tiếp cận theo chủ trương số hóa, chuyển đổi số để có được môi trường làm việc toàn thời gian (online), xây dựng được dữ liệu lớn (big data), tạo nền tảng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.