Thứ sáu, 27/10/2023 15:23

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Nhằm chia sẻ những kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngày 26/10/2023, Viện Ứng dụng Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Ứng dụng công nghệ cao, CNSH trong sản xuất nông nghiệp bền vững”.

CNSH - ngành công nghệ mũi nhọn

Bà Lê Thị Việt Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) cho biết, trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng nội dung nghiên cứu và nâng cao năng lực hội nhập là rất cần thiết. Triển khai nội dung Biên bản Cuộc họp lần thứ 7 Tổ công tác hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) và nhằm kết nối hợp tác, đẩy mạnh việc trao đổi nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Hội đồng KH&CN Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) và Bộ KH&CN Việt Nam năm 2023 tập trung trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm như ứng dụng CNSH trong nông nghiệp và y tế, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ năng lượng xanh…

Bà Lê Thị Việt Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo.

Bà Lê Thị Việt Lâm mong rằng, với việc tổ chức hội thảo này, các trường đại học, viện nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc ) và Việt Nam sẽ có được các kết nối, trao đổi và hợp tác để xây dựng các hoạt động nghiên cứu - triển khai nhằm giải quyết các vấn đề đang là thách thức chung về an ninh lương thực trong khu vực và quốc tế.

Là quốc gia có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học…, có thể sử dụng CNSH làm đòn bẩy thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, ngày 30/01/2023, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Phát triển và ứng dụng CNSN phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á.

TS Trần Hùng Thuận - Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết Việt Nam có nhiều thành tựu trong lĩnh vực CNSH.

Bổ sung những thành tựu trong lĩnh vực CNSH tại Việt Nam, TS Trần Hùng Thuận - Phó Viện trưởng  Viện Ứng dụng Công nghệ cho rằng, CNSH của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường… Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH đã không ngừng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, nhiều nội dung phát triển công nghệ và sản phẩm liên quan đến CNSH đã được đưa vào Nghị quyết số 36-NQ/TW, điển hình như: chú trọng nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vắcxin và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm.  Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá CNSH trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước. Chú trọng phát triển và ứng dụng CNSH trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển…

Tăng cường hợp tác để phát triển

GS.TS Deng Wen Ling - Tham tán Khoa học, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam thông tin, với chức năng, nhiệm vụ là cầu nối thúc đẩy hợp tác, giao lưu nghiên cứu học thuật trên tất cả các lĩnh vực KH&CN, kinh tế - văn hóa giữa các cơ quan, bộ/ngành, các viện nghiên cứu và trường đại học Đài Loan và Việt Nam.

GS.TS Deng Wen Ling cho biết, Đài Loan có nhiều thế mạnh có thể hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực CNSH như: Đại học Quốc gia Chung Hsing tọa lạc ở Đài Trung, là đại học được xếp hạng cao về đào tạo nông nghiệp ở Đài Loan và xếp hạng 101-150 trên thế giới về nông nghiệp và lâm nghiệp. Hay Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan được thành lập vào năm 1953. Đây là trường đại học công lập phi lợi nhuận hàng đầu ở Đài Loan. Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan là thành viên của Hệ thống Đại học Đài Bắc. Với chương trình của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan là một môi trường nghiên cứu độc đáo và trung tâm giáo dục hiện đại của Đài Loan… Với sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Đài Loan, GS.TS Deng Wen Ling mong muốn phía Việt Nam chia sẻ các thành tựu trong nghiên cứu của mình với Đài Loan (Trung Quốc) nhằm tăng cường hợp tác, nghiên cứu để cùng phát triển.

Toàn cảnh hội thảo.

Chia sẻ về khả năng hợp tác với các đối tác Đài Loan (Trung Quốc), TS Trần Hùng Thuận cho biết, Viện Ứng dụng Công nghệ là đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới, trong đó có các công nghệ liên quan đến lĩnh vực CNSH như: công nghệ gen, công nghệ tế bào, enzyme, trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và các sản phẩm chiết xuất tự nhiên ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ nhân giống để đáp ứng nhu cầu cây giống dược liệu có chất lượng cao, sạch bệnh; ứng dụng rộng rãi công nghệ cao nhằm tối ưu hoá năng suất, chất lượng cây trồng dược liệu công nghiệp; công nghệ vi sinh vật trong việc xây dựng bộ chủng giống vi sinh vật có chất lượng cao sản xuất các chế phẩm vi sinh vật phục vụ phòng, trị một số loại dịch bệnh thuỷ sản, làm thức ăn thuỷ sản chất lượng cao thay thế thức ăn ngoại nhập, xử lý môi trường, xử lý nước nuôi thủy sản, cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng/phòng trừ bệnh cho cây; phát triển các loại vật liệu môi sinh, vật liệu có khả năng phân hủy sinh học ứng dụng trong sản phẩm dân dụng, trong ngành nông nghiệp bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ chất lượng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển các loại vật liệu nền polyme trên cơ sở công nghệ nano ứng dụng trong nông nghiệp, bảo quản thực phẩm… Đây cũng chính là thế mạnh về công nghệ của Viện trong suốt quá trình 40 năm xây dựng và phát triển.

TS Trần Hùng Thuận khẳng định, hội thảo sẽ là cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trình bày kết quả nghiên cứu khoa học, các định hướng phát triển công nghệ về lĩnh vực CNSH và thảo luận, chia sẻ các vấn đề về phát triển sản phẩm hay các ứng dụng của công nghệ này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phong Vũ

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)