Thứ năm, 26/10/2023 10:14

Hải Phòng: Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Sở KH&CN Hải Phòng

Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và TP Hải Phòng nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh TP Hải Phòng đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, quyền SHTT trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Với xu hướng hội nhập hiện nay, việc cam kết về SHTT không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân.

Hoạt động SHTT tại Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế của thành phố. Theo thống kê của Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP Hải Phòng tính từ năm 1992-nay khoảng trên 8,3 nghìn đơn, riêng từ năm 2019-2022 là 2.397 đơn. Nếu so với số lượng doanh nghiệp hiện có của thành phố, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT này khá khiêm tốn, một phần do các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình; phần khác do công tác quản lý nhà nước, các thiết chế về bảo vệ quyền SHTT cho các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT, hằng năm, thực hiện chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, UBND, các bộ/ngành quản lý chuyên môn, các cơ quan thực thi quyền SHTT của thành phố (Sở KH&CN, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Hải quan, Cục Quản lý Thị trường…) đã tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thi hành và tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về SHTT.

Đối với Sở KH&CN Hải Phòng, mới đây, Sở đã tham mưu cho UBND ban hành Quy chế phối hợp phòng, chống xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn TP Hải Phòng. Cùng với hệ thống các văn bản pháp luật của nhà nước về SHTT, đây là những căn cứ pháp lý quan trọng của thành phố để chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác SHTT trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào các nội dung chính: i) Đưa SHTT thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo; ii) Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; iii) Xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, tiến tới hình thành văn hóa SHTT trong xã hội; iv) Tăng cường năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT; v) Thúc đẩy công tác bảo vệ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số nhằm đảm bảo thích ứng với các điều kiện, yêu cầu khách quan của cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Chương trình gồm nhiều nội dung như: tuyên truyền, đào tạo về SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội; hỗ trợ quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng.

Ngoài ra, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN Hải Phòng với Viện Khoa học SHTT, từ năm 2021, Sở đã xây dựng và vận hành điểm tư vấn, tra cứu về SHTT (IPPlatform). Thời gian qua, trạm IPPlatform này đã tiếp nhận và tư vấn cho 118 khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu liên quan đến SHTT; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tra cứu, thiết kế nhãn hiệu; đăng ký xác lập, tư vấn thương mại hóa, khai thác cho 10 sáng chế, 01 giải pháp hữu ích, 39 đăng ký quyền tác giả, 01 bảo hộ hợp đồng li-xăng và chuyển giao công nghệ, 02 bảo hộ bo mạch điện tử, 05 bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 60 đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Từ năm 2019 đến nay, Sở KH&CN Hải Phòng đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho 150 tổ chức, cá nhân có yêu cầu xác lập, bảo vệ quyền SHTT, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Cùng với Sở KH&CN, các cơ quan thực thi quyền SHTT khác của thành phố như Cục Hải quan, Cục Quản lý Thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, hàng năm đã ban hành nhiều quy định, kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố về việc không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT...

Kết quả trong giai đoạn 2019-2022, các cơ quan thực thi quyền SHTT của thành phố đã phát hiện và xử lý 142 vụ việc xâm phạm quyền SHTT (trong đó có 134 vụ việc xử lý vi phạm hành chính và 8 vụ xử lý hình sự).

Những vấn đề đặt ra

Có thể khẳng định trong những năm qua, công tác bảo vệ, phòng chống xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn TP Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên hoạt động này còn không ít khó khăn, vướng mắc, nổi bật là những vấn đề sau:

Thứ nhất, kinh phí chi cho công tác giám định, xử lý hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

Thứ hai, một số lĩnh vực mới như thương mại điện tử, tên miền, các sản phẩm số hóa (phần mềm, ứng dụng lập trình), sáng chế, tên doanh nghiệp… còn gặp nhiều vướng mắc trong xử lý vi phạm do thiếu văn bản quy định cụ thể.

Thứ ba, mạng lưới dịch vụ về SHTT còn ít, việc tra cứu các dữ liệu về bảo hộ quyền SHTT còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, việc xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT, đặc biệt trong môi trường internet rất khó khăn, đòi hỏi chuyên môn cao về công nghệ thông tin. Muốn kết luận hành vi đó có vi phạm quyền SHTT hay không phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: ý kiến chuyên môn của Cục SHTT, kết quả giám định của Viện Khoa học SHTT… trong khi những năm gần đây, các đối tượng vi phạm đang chuyển dịch mạnh mẽ từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo…) nên việc phát hiện và xử lý các vi phạm càng trở nên khó khăn.

Thứ năm, các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức.

Thứ sáu, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, nhiều người biết là hàng hóa giả mạo, sao chép nhưng vì những lý do khác nhau vẫn đồng ý mua/bán hàng hóa này.

Các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký với Cục SHTT nhằm tránh bị xâm phạm thương hiệu của mình. Ảnh Nhà máy Dệt may 2 Hải Phòng

Do đó, để nâng cao thực thi quyền SHTT của các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp tại TP Hải Phòng nói riêng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm SHTT trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn về việc bảo vệ quyền SHTT thông qua các buổi tư vấn, hội thảo, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên chủ động đăng ký bảo hộ cho các sáng chế, nhãn hiệu… đồng thời quan tâm, theo dõi các hoạt động có liên quan đến quyền SHTT của mình, khi phát hiện các hành vi vi phạm, cần thông báo sớm đến các cơ quan chức năng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)