Thứ tư, 18/10/2023 09:56

Những nhân vật và con số xoay quanh Giải Nobel

Giải Nobel được trao hằng năm vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của nhà sáng lập Alfred Nobel. Tuy nhiên, việc công bố danh sách những người chiến thắng thường bắt đầu từ tháng 10. Đằng sau hào quang được nhiều người khao khát, lịch sử của việc trao Giải Nobel cũng chứa đựng không ít bất ngờ.

Giải thưởng Nobel trị giá bao nhiêu?

Alfred Nobel là nhà khoa học sở hữu 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và sự giàu có. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc, trong đó ông quyết định dành gần như toàn bộ tài sản (khoảng 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó) để gửi ngân hàng. Tiền lãi hàng năm sẽ được trích ra để trao cho các nhà khoa học “có những đóng góp lớn lao cho nhân loại”. Số tiền thưởng của Giải Nobel năm nay trị giá 11 triệu krona Thụy Điển, tương đương gần 993.000 USD cho mỗi giải.

Có bao nhiêu giải Nobel?

Theo di chúc của Alfred Nobel, giải thưởng được trao cho 5 lĩnh vực: vật lý, hóa học, sinh học (hoặc y học), văn chương và hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã thành lập giải thưởng thứ 6 về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.

Có bao nhiêu người đoạt giải Nobel trên thế giới?

Các giải Nobel đã được trao 621 lần. Trong đó có 117 giải vật lý, 115 giải hóa học, 114 giải y học, 116 giải văn học, 104 giải hòa bình và 55 giải khoa học kinh tế. Đã có 965 cá nhân và 27 tổ chức đoạt giải trong lịch sử của Giải thưởng.

Có cá nhân/tổ chức nào được trao giải Nobel nhiều lần không?

Câu trả lời là “Có”. Linus Pauling, nhà hóa học người Mỹ và là người ủng hộ phi hạt nhân, đã đoạt Giải Nobel hóa học năm 1954 vì những nghiên cứu về bản chất của liên kết hóa học; và Giải thưởng Nobel hòa bình năm 1962 vì những đóng góp quan trọng chống lại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong Chiến tranh lạnh.

Nhà vật lý người Mỹ John Bardeen, người phát hiện ra “hiệu ứng bóng bán dẫn”, là người duy nhất 2 lần đoạt giải Nobel vật lý vào năm 1956 và 1972.

Marie Curie (người Pháp) - nhà khoa học đi tiên phong trong các nghiên cứu về phóng xạ, là nhà khoa học nữ duy nhất giành được 2 Giải Nobel ở 2 hạng mục khác nhau:  Giải Nobel vật lý năm 1903 và Giải Nobel hóa học năm 1911. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được trao Giải Nobel.

Frederick Sanger (người Anh) 2 lần đoạt giải Nobel hóa học vào các năm 1958 và 1980. Phương pháp của Sanger đã giúp xác định trình tự axit amin hoàn chỉnh của insulin và trình tự sắp xếp của các phân tử DNA. Công trình của ông “đặt nền móng cho khả năng đọc và hiểu mã di truyền của con người”.

K. Barry Sharpless (người Mỹ) đã 2 lần giành được Giải Nobel hóa học, một lần vào năm 2001 về "các phản ứng oxy hóa xúc tác chirally" và một lần vào năm 2022 về sự phát triển của hóa học nhấp chuột (click chemistry).

2 tổ chức đã giành được nhiều Giải thưởng Nobel, tất cả đều là Giải Nobel hòa bình. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế có 3 lần được trao giải: năm 1917 vì hoạt động chăm sóc thương binh trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; 1944 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, năm 1963 được trao Giải vì đã “thúc đẩy các nguyên tắc của Công ước Geneva và hợp tác với Liên hợp quốc”. Tổ chức thứ hai là Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn với 2 lần được trao Giải Nobel Hòa bình vào năm 1954 và 1981.

Có ai từ chối nhận Giải Nobel không?

Chỉ có 2 người từ chối Giải Nobel. Nhà viết kịch người Pháp Jean-Paul Sartre vốn nổi tiếng vì đã từ chối mọi danh hiệu và vẫn giữ truyền thống đó với giải Nobel văn học năm 1964.

Người còn lại là ông Lê Đức Thọ (khi đó là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1973, ông Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel trao Giải Nobel hòa bình cùng với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Tại thời điểm đó, đây là 2 thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định Paris được ký vào tháng 01/1973, nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong khi Kissinger tuyên bố đồng ý nhận giải thưởng trị giá 510.000 USD thì ông Lê Đức Thọ đã từ chối với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam, đồng thời tuyên bố: “người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel hòa bình chính là nhân dân Việt Nam". Đến nay, đây vẫn là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử của Giải Nobel hòa bình.

Trước đó, có 3 người Đức và 1 người Liên Xô (cũ) từng bị buộc phải từ chối nhận giải Nobel do yêu cầu từ chính quyền của quốc gia họ.

Nhật Nam (tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Clare Mulroy (2023), “How many Nobel Prizes are there? Categories, most decorated winners and other fast facts”, USA Today, https://www.usatoday.com/story/news/2023/10/16/how-many-nobel-prizes-are-there/71131706007/, accessed 16 October 2023.

2. www.nobelprize.org, accessed 16 October 2023.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)