Thứ hai, 09/10/2023 15:53

Ăn chay được hay không còn phụ thuộc vào gen di truyền?

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên PLOS One, việc bạn có thể duy trì chế độ ăn chay được hay không còn liên quan tới gen di truyền. Tác giả chính của nghiên cứu - GS.TS Nabeel Yaseen (Đại học Northwestern, Mỹ) cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi có thể nói rằng, di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc ăn chay và một số người có thể phù hợp về mặt di truyền với chế độ ăn chay hơn những người khác”.

Ăn chay không chỉ dựa vào ý chí

Mặc dù việc ăn chay đã được thực hành hàng thiên niên kỷ ở nhiều xã hội khác nhau, nhưng những người thực hành nó vẫn chỉ là một thiểu số trên toàn thế giới và vai trò của di truyền trong việc lựa chọn chế độ ăn chay vẫn chưa được hiểu rõ.

Mới đây, một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh và Mỹ thực hiện đã cho thấy, việc lựa chọn chế độ ăn uống còn liên quan đến sự tương tác giữa các thực phẩm ăn kiêng, quá trình trao đổi chất và nhận thức về vị giác... và đặc biệt, tất cả đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi di truyền. GS.TS Nabeel Yaseen (Đại học Northwestern, Mỹ, thành viên chính của nhóm nghiên cứu) cho biết, ngoài các thực hành tôn giáo và văn hóa, các lý do về sức khỏe, đạo đức và môi trường đều được xếp vào những yếu tố thúc đẩy mọi người giảm hoặc loại bỏ việc tiêu thụ thịt, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. “Một tỷ lệ lớn những người tự nhận là người ăn chay cho biết họ đã tiêu thụ một số sản phẩm thịt khi trả lời bảng câu hỏi chi tiết. Điều này cho thấy, nhiều người muốn ăn chay đã không thể thực hiện được mong muốn và dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng di truyền là một phần lý do” - Yaseen nói.

Ăn chay không chỉ phụ thuộc vào lý trí mà còn liên quan tới di truyền.

GS.TS José Ordovás (Đại học Tufts ở Massachusetts, Mỹ) khẳng định: “Nghiên cứu nhấn mạnh đến mối liên hệ phức tạp giữa gen và cách lựa chọn chế độ ăn uống của chúng ta, cho thấy rằng, trong tương lai chúng ta có thể đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống cá nhân hóa hơn dựa trên khuynh hướng di truyền”.

Mối liên hệ giữa sự trao đổi chất và chức năng của não

Trong nghiên cứu nêu trên, các nhà khoa học đã sử dụng nghiên cứu kết hợp trên toàn bộ hệ gen để xác định các locus (vị trí gen trên phân tử ADN) liên quan đến việc ăn chay nghiêm ngặt ở những người tham gia. So sánh 5.324 người ăn chay nghiêm ngặt với 329.455 người đối chứng, các nhà nghiên cứu đã xác định được 34 gen có vai trò trong chế độ ăn chay.  3 trong số đó có ý nghĩa tương quan trên toàn bộ hệ gen dựa trên phân tích cấp độ gen là RIOK3 , RMC1 và NPC1; một số gen liên quan đến việc ăn chay, bao gồm TMEM241, NPC1 và RMC1, có chức năng quan trọng trong chuyển hóa lipid và chức năng não, cho thấy những khác biệt trong chuyển hóa lipid và tác động của chúng lên não có thể là nền tảng cho khả năng duy trì chế độ ăn chay. Những kết quả này ủng hộ vai trò của di truyền trong việc lựa chọn chế độ ăn chay và mở ra cánh cửa cho các nghiên cứu trong tương lai.

Việc biết được mối liên hệ di truyền có thể giúp cải thiện sức khỏe cá nhân (nguồn: cnn.com).

Lý do có thể nằm ở cách mỗi người xử lý lipid hoặc chất béo theo cách khác nhau. Theo GS.TS Yaseen, thực vật và thịt động vật khác nhau về độ phức tạp của lipid, vì vậy có thể một số người về mặt di truyền cần một số lipid do thịt cung cấp - “Chúng tôi đoán rằng, điều này có thể liên quan đến sự khác biệt di truyền trong quá trình chuyển hóa lipid và nó ảnh hưởng đến chức năng não như thế nào, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để kiểm tra giả thuyết này”.

GS.TS Yaseen cho biết, cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định gen nào mà chúng tôi đã xác định được đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chế độ ăn chay; những biến thể cụ thể nào của các gen đó làm cơ sở cho kiểu hình ăn chay và cơ chế mà chúng đóng góp vào kiểu hình này. Thật thú vị khi suy đoán rằng, một số người ăn chay có thể tổng hợp nội sinh đầy đủ các thành phần lipid đặc biệt, trong khi những người khác cần lấy chúng từ chế độ ăn có thịt. Cần hiểu rõ hơn về các con đường sinh lý liên quan đến việc lựa chọn chế độ ăn chay để đưa ra các khuyến nghị và biện pháp can thiệp để có chế độ ăn uống hiệu quả hơn.

Xuân Quỳnh (tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nabeel R. Yaseen, Catriona L. K. Barnes, Lingwei Sun, et al. (2023), “Genetics of vegetarianism: A genome-wide association study”, PLOS One, DOI: 10.1371/journal.pone.0291305.

2. Madeline Holcombe (2023), “Being a vegetarian might be in your DNA”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/10/04/health/vegetarian-genetics-wellness/index.html, assced 7 October 2023.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)