Nhà văn Jon Fosse (ảnh: Tove Breistein).
Dù còn khá xa lạ với độc giả châu Á, nhưng các tác phẩm của nhà văn Jon Fosse từ lâu đã được ca ngợi khắp châu Âu. Các tác phẩm đồ sộ viết bằng tiếng Na Uy của ông được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau và đa dạng ở nhiều thể loại, bao gồm kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch. Ngày nay, ông là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới, đồng thời, ông cũng đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực văn xuôi.
Jon Fosse là nhà văn Na Uy thứ 4 nhận được giải Nobel Văn học. Các tác phẩm của ông có ý nghĩa to lớn đối với nhiều người dân Na Uy vì nó được viết bằng ngôn ngữ Nynorsk, gắn liền với di sản của quốc gia này. Đối với người dân Na Uy, đọc một cuốn sách của Jon Fosse cũng giống như đọc một bản nhạc vậy, mọi thứ có cảm giác thật gần gũi và chân thực.
Kho tàng văn chương của ông gồm nhiều tiểu thuyết theo bộ, trong đó nổi bật nhất là Septology với 7 phần, được chia thành 3 cuốn khác nhau. Tác phẩm này đặc biệt ở chỗ Jon Fosse chỉ dùng một câu đi từ đầu đến cuối bộ sách, dài hơn 1000 trang. Ông tự gọi đây là “văn xuôi chậm” và chịu ảnh hưởng từ nhà văn Áo rất nổi tiếng Thomas Bernhard. Năm ngoái, phần cuối của bộ sách này được lọt vào danh sách sơ tuyển của giải thưởng văn học danh giá Booker quốc tế.
Mặc dù văn chương của Jon Fosse có nhiều thể loại khác nhau nhưng điểm thống nhất trong các tác phẩm của ông là cảm giác thanh thản, đó là lý do tại sao tác phẩm của ông thường được mô tả là có tính thôi miên hay gợi lên một kinh nghiệm tâm linh. Những vở kịch nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Someone is going to come, (2002), The Name (2002), Death variations (2004), Skuggar (2007), I svarte skogen inne (2023), A shining (2023)… Thể loại văn xuôi: Stengd gitar (1985), Morning and Evening (2015), Trilogy (2016), Andvake (2007)...
Bắc Lê