Thứ tư, 04/10/2023 11:09

Giải Nobel và những tranh cãi

Đằng sau sự vinh quang và uy tín lâu đời của Giải thưởng Nobel, còn có những vấn đề gây tranh cãi về việc ai sẽ được chọn trao giải và ai bị loại. Một trong những thách thức của Ủy ban Nobel là sự hợp tác ngày càng tăng của hầu hết các nghiên cứu khoa học. Hình ảnh một thiên tài đơn độc với khoảnh khắc “ơ-re-ca” dường như đã không còn nữa. Những khám phá lớn thường được thực hiện bởi nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, hội đồng tuyển chọn Nobel, theo quy định do Alfred Nobel đặt ra năm 1895, chỉ có thể vinh danh tối đa ba người cho mỗi giải. Điều này thực sự khiến Ủy ban Nobel phải “đau đầu”.

Quy tắc 3 người

Giải Nobel vật lý năm 2017 được trao cho các khám phá về sự ra đời của sóng hấp dẫn do va chạm của các hố đen cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng. Về khám phá này, Martin Rees -nhà vật lý thiên văn của Đài thiên văn Hoàng Gia (Anh) cho biết, có khoảng 10.000 tác giả trong các bài báo quan trọng liên quan tới khám phá này, tuy nhiên, chỉ có 3 người được trao giải là: Rainer Weiss, Barry C. Barish và Kip S. Thorne. Tương tự như vậy, Giải Nobel y học và hóa học như nhiệm vụ lập bản đồ gen người, được hoàn thành với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong thời gian dài.

David Pendlebury - người đứng đầu bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện Thông tin Khoa học của Clarivate cho biết: bộ phận phân tích tham gia việc xác định những cá nhân “xứng đáng nhận giải Nobel” bằng cách phân tích tần suất các nhà khoa học đồng nghiệp trích dẫn các bài báo khoa học quan trọng của những cá nhân này trong suốt nhiều năm. Pendlebury đồng ý rằng, “quy tắc 3 người” là một hạn chế vì “Đã có sự chuyển đổi lớn trong khoa học khi ngày càng có nhiều nhóm nhà khoa học, mạng lưới khoa học trên khắp thế giới hợp tác với nhau để cùng giải quyết các vấn đề khó khăn. Quy tắc 3 người sẽ là một trở ngại nếu muốn công nhận một đội”.

Theo thông tin trên website của Giải thưởng Nobel, quy định một giải thưởng chỉ được trao cho 3 người xuất phát từ quy chế của Quỹ Nobel, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các ý định theo di chúc của Nobel. Peter Brzezinski - Thư ký của Ủy ban giải Nobel hóa học cho biết, quá trình xét giải thưởng bắt đầu bằng việc đề nghị một số chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới viết báo cáo phác thảo những khám phá chính trong lĩnh vực; đồng thời đề cập đến những cá nhân đã có những đóng góp quan trọng nhất. Sau đó, những người trong Ủy ban sẽ đọc tất cả các tài liệu liên quan để xác định những nhà khoa học có các đóng góp nổi bật và quan trọng nhất để đề xuất lên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

“Hướng về quá khứ”

Các ủy ban Nobel thường chọn ra những nghiên cứu đã tiến hành nhiều thập kỷ trước để chắc chắn về tầm quan trọng và ảnh hưởng của những nghiên cứu này.

Giải Nobel cũng tập trung vào 3 ngành khoa học, như được chỉ định trong di chúc của Alfred Nobel. Các lĩnh vực toán học, khoa học máy tính, khoa học trái đất, khí hậu và hải dương học... không được xét tặng. Theo một nghiên cứu năm 2020, ngay cả trong các lĩnh vực hóa học, vật lý, y học và y sinh, chỉ có 5 lĩnh vực trong số 114 phân ngành khoa học khác nhau chiếm hơn một nửa số giải thưởng Nobel được trao từ năm 1995 đến năm 2017. Đó là vật lý hạt, vật lý nguyên tử, sinh học tế bào, khoa học thần kinh và hóa học phân tử.

Việc chú trọng đến thời gian để chứng minh ý nghĩa của nghiên cứu đôi khi có thể khiến các ủy ban Nobel sao lãng các ngành khoa học đang phát triển nhanh chóng. Một ví dụ là trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cuộc sống của con người với tốc độ chưa từng thấy. 2 tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực này là Demis Hassabis và John Jumper - “kiến trúc sư chính” của hệ thống AlphaFold giúp dự đoán chính xác cấu trúc 3D của hầu hết các loại protein đã biết đến trên hành tinh. Pendlebury cho biết, kể từ khi bài báo quan trọng của 2 nhà khoa học này được xuất bản cách đây hơn 2 năm, nó đã được trích dẫn hơn 8.500 lần. Đây thật sự là một điều đáng kinh ngạc, chứng minh tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của AlphaFold.

Các ủy ban Nobel đôi khi đã trao giải thưởng cho những đột phá gần đây - chẳng hạn như khi giải thưởng hóa học thuộc về Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna vào năm 2020, chưa đầy 10 năm sau bài báo quan trọng năm 2012 của họ về kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 - nhưng Pendlebury cho rằng một Giải Nobel về AI có lẽ vẫn còn là một chặng đường dài. Ông cho rằng, các thành viên của ủy ban giải thưởng Nobel “có tính bảo thủ bẩm sinh”.

Bất bình đẳng giới giữa những người đoạt giải

Những lời chỉ trích khác đối với Giải Nobel còn đề cập đến sự bất bình đẳng giữa những người đoạt giải. Nhiều nhà khoa học nữ đã nhận được cuộc gọi từ Stockholm trong những năm gần đây, nhưng đó chỉ là một “giọt nước” chứ không phải một dòng chảy.

Nam giới luôn chiếm phần lớn trong danh sách những người được trao giải, có những năm không có nhà khoa học nữ nào được nhận giải (ví dụ như năm 2021). Pendlebury cho rằng, các hội đồng thường xem xét các công trình được xuất bản cách đây 20 hoặc 30 năm, khi đó số lượng phụ nữ làm khoa học ở cấp độ ưu tú không nhiều như ngày nay. Trong tương lai, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ hơn được chọn trao giải.  Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, đây là bằng chứng về sự thiên vị mang tính hệ thống trong khoa học, phụ nữ thường ít được công nhận hoặc được đứng ở vị trí tác giả chính trên các bài báo khoa học.

Naomi Oreskes (GS về  khoa học lịch sử Đại học  Harvard, Mỹ) cho biết: “Có một số phụ nữ đã có những đóng góp ở cấp độ Nobel cho khoa học, những đóng góp mà các đồng nghiệp nam đã được trao tặng giải thưởng, nhưng họ thì không. Những ví dụ này cho thấy ngay cả khi có những phụ nữ đủ tiêu chuẩn, họ vẫn bị bỏ qua một cách có hệ thống”.

Vấn đề bất bình đẳng giới được cho là do thiếu sự minh bạch. Danh sách rút gọn của giải Nobel cũng như những người được đề cử đều được giữ bí mật và các tài liệu tiết lộ chi tiết về quá trình lựa chọn sẽ được giữ kín không cho công chúng biết trong 50 năm.

Xuân Quỳnh (theo cnn.com)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)