Thứ sáu, 06/10/2023 19:39

Narges Mohammadi được trao Giải Nobel Hòa bình 2023

Ngày 06/10/2023, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hòa bình năm 2023 cho bà Narges Mohammadi vì cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran, nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người. Bà bị bắt giữ 13 lần, kết án 5 lần với tổng cộng 31 năm tù và 154 roi. Hiện bà vẫn đang bị giam giữ.

Narges Mohammadi (ảnh: Reihane Taravati)

Vào tháng 9/2022, Mahsa Jina Amini - một phụ nữ trẻ người Kurd (một dân tộc tại vùng Trung Đông), đã bị giết khi đang bị cảnh sát Iran giam giữ. Vụ án này đã gây ra các cuộc biểu tình chính trị lớn nhất chống lại chế độ thần quyền của Iran kể từ khi chế độ này lên nắm quyền vào năm 1979. Với khẩu hiệu “Phụ nữ - Cuộc sống - Tự do”, hàng trăm nghìn người Iran đã tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo và đàn áp phụ nữ của chính quyền. Các cuộc biểu tình đã bị đàn áp quyết liệt với hơn 500 người biểu tình bị thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, trong đó có nhiều người bị mù do đạn cao su mà cảnh sát sử dụng, ít nhất 20.000 người đã bị bắt và giam giữ.

Phương châm được những người biểu tình áp dụng - “Phụ nữ - Cuộc sống - Tự do” - thể hiện chân thực cho sự cống hiến và công việc của Narges Mohammadi.

Phụ nữ: Bà đấu tranh cho phụ nữ chống lại sự phân biệt đối xử và áp bức có hệ thống.

Cuộc sống: Bà ủng hộ cuộc đấu tranh vì quyền được sống một cuộc sống đầy đủ và xứng đáng của phụ nữ. Cuộc đấu tranh này diễn ra trên khắp Iran và đã phải đối mặt với sự đàn áp, bỏ tù, tra tấn và thương vong.

Tự do: Cô đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và quyền độc lập, đồng thời chống lại các quy định yêu cầu phụ nữ phải hạn chế ra ngoài và phải che toàn bộ cơ thể chỉ chừa đôi mắt. Những yêu cầu tự do mà những người biểu tình đưa ra không chỉ áp dụng cho phụ nữ mà còn cho toàn bộ người dân Iran.

Vào những năm 1990, khi còn là một sinh viên vật lý trẻ tuổi, Narges Mohammadi đã thể hiện mình là người ủng hộ quyền phụ nữ và sự bình đẳng. Sau khi kết thúc thời gian học tập, bà trở thành kỹ sư và làm việc tại nhiều tờ báo có tư tưởng cải cách. Năm 2003, bà tham gia vào Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở Tehran - một tổ chức được thành lập bởi bà Shirin Ebadi - chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2003. Năm 2011, Narges Mohammadi bị bắt lần đầu tiên và bị kết án tù vì nỗ lực hỗ trợ các nhà hoạt động và gia đình họ chống lại chính quyền.

Hai năm sau, sau khi được tại ngoại, Narges Mohammadi dấn thân vào chiến dịch chống lại việc sử dụng hình phạt tử hình. Iran từ lâu đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ xử tử dân số hàng năm cao nhất. Năm 2015, Narges Mohammadi đã bị bắt lại vì tích cực tham gia hoạt đống chống lại án tử hình của chính quyền. Khi trở lại nhà tù, bà bắt đầu phản đối việc chế độ sử dụng một cách có hệ thống các hình thức tra tấn và bạo lực tình dục đối với các tù nhân chính trị, đặc biệt là phụ nữ.

Năm 2022, Narges Mohammadi một lần nữa đảm nhận vai trò lãnh đạo của làn sóng phản đối chống lại chính quyền nhà tù của các tù nhân chính trị bị giam giữ bên trong nhà tù khét tiếng Evin ở Tehran. Mặc dù đang bị giam giữ, bà vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình và liên kết với các bạn tù của mình. Chính quyền nhà tù phản ứng bằng cách áp đặt các điều kiện tù đày nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cô ấy đã tìm cách lén đưa ra một bài báo mà tờ New York Times đăng nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Mahsa Jina Amini bị sát hại với thông điệp: “Họ càng nhốt nhiều người, chúng tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn”.

Narges Mohammadi là một phụ nữ, một người ủng hộ nhân quyền và một nhà đấu tranh cho tự do. Khi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho bà, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn tôn vinh cuộc đấu tranh dũng cảm của bà vì nhân quyền, tự do và dân chủ ở Iran. Giải Nobel Hòa bình năm nay cũng ghi nhận công sức của hàng trăm nghìn người, trong năm 2022 đã biểu tình chống lại các chính sách phân biệt đối xử và áp bức nhằm vào phụ nữ của chế độ thần quyền ở Iran. Chỉ bằng cách đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, thế giới mới có thể đạt được tình hữu nghị giữa các quốc gia như thông điệp của Alfred Nobel.

Bắc Lê (theo The Nobel Prize)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)