Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và tiếp cận nền kinh tế tri thức, với mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, yêu cầu trong tình hình mới là cần phải tăng cường tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển đất nước. Tại Đắk Lắk, hoạt động KH&CN ngày càng gắn với sản xuất và đời sống, kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới. Tỉnh Đắk Lắk đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khâu thu hoạch, chế biến một số loại nông sản, đảm bảo chất lượng xuất khẩu; đồng thời đi sâu nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên.
Ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN phát biểu đề dẫn hội thảo và đã đưa ra các giải pháp chung cho toàn ngành, cũng như các giải pháp riêng, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương trong triển khai các Nghị quyết phát triển vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc Bộ KH&CN tổ chức hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận và định hướng các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là chìa khóa giúp cho các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có cái nhìn tổng quát hơn, tổng hợp tiếp thu được ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đúc kết kinh nghiệm, vận dụng, triển khai thực hiện một cách hiệu quả hơn các kế hoạch, chương trình mà các địa phương đã ban hành.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực phát triển KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trên các lĩnh vực: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế biển, lâm nghiệp, dược liệu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, du lịch bền vững, phòng tránh biến đổi khí hậu, sạt lở đất và những hiện tượng thiên tai ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội gần đây đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong vùng... Các tham luận, ý kiến trao đổi cũng thẳng thắn nhìn nhận về những rào cản, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực của KH&CN trong công tác nghiên cứu, dự báo và đề xuất các giải pháp để khắc phục.
Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp và công nghệ tại hội thảo.
Mai Văn Thủy