Thứ năm, 14/09/2023 13:48

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa

Ngày 13/09/2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (13/09/1913-13/09/2023).

Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã ôn lại tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của G.VS Trần Đại Nghĩa. Theo đó, GS.VS Trần Đại Nghĩa có tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/09/1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo yêu nước. Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Năm 1935, ông sang Pháp du học và thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia cầu đường Paris. Năm 1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông và một số nhà trí thức yêu nước đã xung phong về nước tham gia kháng chiến. Ngày 05/12/1946, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cử ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (Cục trưởng đầu tiên của ngành quân giới) và đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa.

Đáp lại sự tin tưởng của Bác Hồ và Chính phủ, ông cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh quân đội, tiến tới giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng đầu năm 1948 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên năm 1952. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng…

 Với những cống hiến và thành tích xuất sắc về khoa học, đầu năm 1966 ông được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Viện sỹ hàn lâm đầu tiên của Việt Nam). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được Đảng và Nhà nước phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam…

Dù trong thời chiến hay ở thời bình, với cương vị nào, bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tài năng, ông đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trở thành một nhà kỹ thuật quân sự lỗi lạc, một đại trí thức tài trí tiêu biểu cho giới trí thức cách mạng Việt Nam.

Hoàng Minh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)