Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) bày tỏ sự vui mừng vì Kaspersky đã hợp tác lâu dài với chính phủ Việt Nam và đưa ra các giải pháp khả thi để giải quyết những thách thức thực sự do sự phổ biến của các thiết bị IoT mang lại. Cụ thể, khi số lượng thiết bị IoT tăng theo cấp số nhân, việc cài đặt các công cụ bảo vệ cần cập nhật thường xuyên trên mỗi thiết bị sẽ tốn nhiều thời gian và tài nguyên. Vấn đề còn phức tạp hơn do nhiều thiết bị trong số này không có khả năng xử lý cho các công cụ bổ sung về an ninh mạng như phần mềm chống virus. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến Việt Nam, với bối cảnh siêu kết nối đang phát triển nhanh chóng.
Bà Genie Gan - Giám đốc khối Chính phủ và Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi tại Kaspersky cho biết, các thiết bị IoT mang đến môi trường mạng gồm một số lượng lớn các yếu tố kỹ thuật số khác nhau, tồn tại nhiều điểm dễ bị tổn thương mà tội phạm mạng có thể tấn công. Miễn dịch không gian mạng cung cấp một mô hình mới về cách thiết kế hệ thống công nghệ thông tin.
Miễn dịch không gian mạng hoạt động bằng cách tách hệ thống công nghệ thông tin thành các phần riêng biệt và quản lý cách chúng tương tác với nhau. Lợi ích mà miễn dịch không gian mạng mang lại là củng cố các hệ thống kỹ thuật số, giúp dự đoán được hoạt động của hệ thống và ít gặp sự cố hoặc tai nạn liên quan hơn; cắt giảm chi phí liên quan đến việc phát triển và hỗ trợ các giải pháp công nghệ thông tin an toàn. Bên cạnh đó, các giải pháp miễn dịch không gian mạng tuân thủ các tiêu chuẩn quy định: Tiêu chí chung, ASPICE, ISO 26262 và các tiêu chuẩn khác.
Mai Văn Thủy