Năm 2022, có 128 công trình tham dự giải thưởng từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia ở 6 nhóm lĩnh vực trọng điểm: cơ khí - tự động hóa, vật liệu, thông tin - điện tử - viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 43 công trình tiêu biểu, bao gồm: 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Ngoài phần thưởng từ Ban tổ chức, các tác giả công trình đoạt giải Nhất, Nhì còn được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện các nhóm tác giả lên nhận giải Nhất.
Trong đó, 4 công trình đoạt giải nhất bao gồm: công trình “Nghiên cứu chế tạo hệ thống chiên chân không liên tục, ứng dụng trong chế biến sản phẩm snack chiên từ nguồn nông thủy sản Việt Nam” của nhóm tác giả Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Khương, Tạ Phương Thảo và các cộng sự của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hoá; công trình “Nghiên cứu chương trình bảo trì tiên đoán và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch - Mộc Tinh lô 05-2 và 05-3 trên Biển Đông Việt Nam” của nhóm tác giả Ngô Hữu Hải, Trần Vũ Tùng, Trần Ngọc Trung và các cộng sự của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới; công trình “Cải tiến kết cấu giá thể sinh học bằng nhựa PET phế liệu để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải trong sản xuất ngành đồ uống” của nhóm tác giả Văn Trà, Phạm Duy Nhật, Hà Văn Kiên và các cộng sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu; công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho trầm tích lục nguyên của mỏ dầu tại Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Quý, Phạm Trường Giang, Hoàng Long và các cộng sự của Viện Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí) thuộc lĩnh vực công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã trao giải WIPO 2022 cho 2 công trình đoạt giải Nhất Vifotec thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu và cơ khí tự động hóa.
Tại buổi Lễ, Ban tổ chức đã phát động Giải thưởng Vifotec 2023 với các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như: cơ khí tự động hóa; vật liệu; thông tin, điện tử và viễn thông; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Giải thưởng Vifotec 2023 được bổ sung các nội dung của lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm thiết thực hướng tới thực hiện Nghị quyết 36 NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Giải thưởng Vifotec được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế, thu hút sự tham gia tích cực của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong 28 năm (1995-2021), đã có khoảng 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải, trong đó có nhiều công trình đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong giai đoạn 2001-2021, có 29 công trình xuất sắc nhất được tặng huy chương Vàng WIPO.
Chiêu Dương