Thứ tư, 17/05/2023 11:08

Mỹ và những kế hoạch mới nhằm chấm dứt ung thư

Trần Thị Thu Hương1,  Phạm Hương Sơn2

1Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

2Bộ Khoa học và Công nghệ

Ung thư là một trong những căn bệnh khó chữa trị nhất đối với con người hiện nay bởi sự đa dạng của loại bệnh này như: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư ruột... Từ năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã khởi động lại Chương trình Cancer Moonshot* với tham vọng: “Giảm tỷ lệ tử vong do ung thư ít nhất 50% trong 25 năm tới, tiến tới cải thiện tình trạng của người dân sau khi mắc bệnh ung thư và cuối cùng là chấm dứt bệnh ung thư”.

Cancer Moonshot: Sau 1 năm tái khởi động

Đến nay, Cancer Moonshot đã công bố hơn 25 chương trình, chính sách để giải quyết vấn đề ưu tiên trên với sự hợp tác của hơn 60 công ty tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức học thuật và nhóm bệnh nhân. Sau hơn 1 năm tái khởi động, Chương trình có các hoạt động sau:

Một là, ra mắt website WhiteHouse.gov/CancerMoonshot - nơi bệnh nhân ung thư có thể chia sẻ những câu chuyện về cảm hứng và hy vọng của họ để chống chọi lại căn bệnh. Tại đây, người dân có thể đưa ra ý tưởng kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, công ty nhằm đạt được mục tiêu mà Chương trình đề ra.

Hai là, Tổng thống Joe Biden đã thành lập tổ chức ARPA-H - một cơ quan chuyên cung cấp các phương pháp mới để ngăn ngừa, phát hiện, điều trị bệnh ung thư, cũng như các bệnh hiểm nghèo khác. Chính phủ Mỹ đảm bảo khoản đầu tư ban đầu trị giá 2,5 tỷ USD và của riêng năm tài chính 2023 là 1,5 tỷ USD.

Ba là, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố thành lập Trung tâm khoa học nông nghiệp về dinh dưỡng và chế độ ăn uống để đẩy nhanh nghiên cứu về các bệnh mãn tính (bao gồm cả bệnh ung thư) liên quan đến chế độ ăn uống, nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện sức khỏe cộng đồng dưới sự hỗ trợ của Chương trình Cancer Moonshot và Chiến lược quốc gia về đói, dinh dưỡng và sức khỏe.

Bốn là, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã tài trợ hơn 200 triệu USD (trong cam kết trị giá hơn 1 tỷ USD) nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa và kiểm soát ung thư thông qua các chương trình sàng lọc ung thư đến mọi tiểu bang, vùng lãnh thổ của Mỹ.

Năm là, Đạo luật Bảo vệ môi trường Mỹ đã cam kết đầu tư 7,4 tỷ USD trong việc trợ giúp các tiểu bang thay thế các đường ống dẫn và đường dây dịch vụ nhằm bảo vệ hàng triệu gia đình khỏi “hóa chất mãi mãi” và các chất gây ô nhiễm khác có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Sáu là, đến tháng 01/2023, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã tiến hành sàng lọc phơi nhiễm chất độc cho 1,5 triệu cựu chiến binh. Trong tháng 11/2022, Bộ Cựu chiến binh Mỹ cũng đã thông báo việc xúc tiến các yêu cầu trợ cấp để giúp các cựu chiến binh mắc ung thư được tiếp cận kịp thời với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các lợi ích tài chính khác.

Bảy là, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã đề xuất các quy tắc cấm thuốc lá bạc hà và xì gà có hương vị. Nếu những đề xuất này được thông qua, đây sẽ là tiền đề trong việc ngăn chặn tới 654.000 ca tử vong liên quan đến hút thuốc.

Tám là, ngày 16/08/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát giúp giảm chi phí mua thuốc cho hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư. Cụ thể, Đạo luật quy định mức trần chi phí thuốc theo toa tự trả ở mức 2.000 USD/năm cho những người thụ hưởng Chương trình Bảo hiểm y tế liên bang Medicare.

Kế hoạch triển khai các hoạt động chính của Nội các Ung thư Mỹ

Ngay trong năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã thành lập Nội các Ung thư đầu tiên để huy động nguồn lực từ Chính phủ liên bang, cũng như kêu gọi các cá nhân, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhà lãnh đạo trong liên bang thực hiện 5 vấn đề ưu tiên chính: (1) Thu hẹp khoảng cách sàng lọc; (2) Giải quyết vấn đề môi trường; (3) Giảm tác động của các bệnh ung thư có thể phòng ngừa được; (4) Đưa nghiên cứu tiên tiến thông qua hệ thống đến bệnh nhân và cộng đồng; (5) Hỗ trợ bệnh nhân và người chăm sóc.

Viện Ung thư quốc gia Mỹ đang triển khai Chương trình “Ung thư ở trẻ em - Tích hợp dữ liệu cho nghiên cứu, giáo dục, chăm sóc và thử nghiệm lâm sàng” để hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên trong suốt quá trình điều trị ung thư. Chương trình sẽ hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân và gia đình bệnh nhân tìm kiếm thông tin, sự chăm sóc tối ưu và thiết lập một hồ sơ sức khỏe ung thư di động được tiêu chuẩn hóa để có thể chia sẻ rộng rãi, cũng như có cơ hội tham gia các thử nghiệm lâm sàng.

Cơ quan Quản lý dịch vụ và tài nguyên y tế, trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ sẽ trao 10 triệu USD cho các trung tâm y tế (bao gồm cả trung tâm ung thư do Viện Ung thư quốc gia chỉ định) nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng ung thư được tiếp cận các dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư và sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị ung thư chất lượng cao (nếu cần). Năm 2023, cơ quan này sẽ tăng gấp đôi các khoản đầu tư (10 triệu USD sẽ trao cho 22 trung tâm y tế) so với năm 2022 (5 triệu USD đã trao cho 11 trung tâm y tế).

Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ sẽ triển khai “Sáng kiến tăng tốc đổi mới quốc gia - CancerX”, thúc đẩy sự đổi mới trong cuộc chiến chống ung thư. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm phát triển các công cụ đối tác công - tư như giải pháp kỹ thuật số cải thiện quy trình phối hợp và liên lạc trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư; công nghệ phần mềm mới hỗ trợ các tổ chức cộng đồng gặp gỡ bệnh nhân ung thư; các nền tảng mới hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân sau điều trị. Quan hệ đối tác công - tư mới này hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ sinh học và y tế, tập trung chữa trị bệnh ung thư một cách có hệ thống, bao gồm phòng ngừa, phát hiện, điều trị và chăm sóc. Sáng kiến này sẽ được xây dựng dựa trên các mô hình đã được triển khai thành công trước đây từ Chương trình Đổi mới X (HHS Innovation X program) của Bộ Y tế Mỹ và Dịch vụ nhân sinh Mỹ như Thận X (Kidney X) và Đại dịch X (Pandemic X).

Đẩy mạnh các hoạt động mới

Thúc đẩy phòng chống ung thư, mang tầm soát ung thư đến cộng đồng nhiều hơn

Tổ chức Ngăn ngừa ung thư đã khởi động Chiến dịch “Phát hiện sớm = Kết quả tốt hơn” (Early Detection = Better Outcomes) nhằm giáo dục, nâng cao kiến thức và giúp người Mỹ thực hiện khám sàng lọc ung thư, tiêm vắc xin phòng ung thư theo khuyến nghị. Mục tiêu của Chiến dịch là chia sẻ các nguồn tài nguyên dữ liệu dựa trên bằng chứng, bao gồm các lựa chọn sàng lọc ung thư theo độ tuổi; thông tin về tiêm chủng ngăn ngừa ung thư; các công cụ tìm kiếm sàng lọc ung thư miễn phí hoặc chi phí thấp và thông tin về tiền sử gia đình ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Chiến dịch này sẽ giải quyết hai rào cản mà người Mỹ đang gặp phải, là việc sợ kiểm tra sàng lọc ung thư và thiếu quyền truy cập vào nguồn dữ liệu thông tin mở về ung thư. Đồng thời, Chiến dịch cũng sẽ giới thiệu một công cụ tương tác mới để chia sẻ kế hoạch sàng lọc cá nhân hóa với nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Hỗ trợ bệnh nhân và người chăm sóc trong cuộc chiến chống ung thư

Hiệp hội Ung thư Mỹ và Quỹ Gia đình Richard M. Schulze đã khởi động khoản tài trợ trị giá 10 triệu USD để mang lại lợi ích cho 5 Nhà nghỉ Hy vọng của Hiệp hội Ung thư Mỹ ở Omaha (tiểu bang Nebraska), Charleston (tiểu bang South Carolina), Lexington (tiểu bang Kentucky), Lubbock (tiểu bang Texas) và TP Kansas (tiểu bang Missouri). Mỗi Nhà nghỉ Hi vọng sẽ được tài trợ 2 triệu USD phục vụ việc bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất và các hoạt động khác.

Liên minh Ung thư đại trực tràng Mỹ đã ra mắt BlueHQ - Trung tâm hỗ trợ toàn diện đầu tiên dành cho bệnh nhân đang điều trị, bệnh nhân sau điều trị và người chăm sóc bệnh nhân ung thư đại trực tràng. BlueHQ là một dịch vụ hỗ trợ miễn phí, đề xuất cho bệnh nhân các thông tin, dữ liệu hữu ích phù hợp với hồ sơ bệnh án của họ; kết nối bệnh nhân với những bệnh nhân khác có trải nghiệm tương tự; hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân; đồng thời lưu trữ các cuộc hẹn và ghi nhật ký một cách an toàn và bảo mật. Các thông tin, dữ liệu này có thể được chia sẻ với người chăm sóc bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thúc đẩy nghiên cứu nâng cao thông qua chia sẻ dữ liệu và mở rộng thử nghiệm lâm sàng

Hai Công ty: CancerLinQ® - công ty nền tảng công nghệ y tế của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ và Owkin - công ty công nghệ sinh học trí tuệ nhân tạo của Pháp đang hợp tác nhằm khởi động sáng kiến nghiên cứu mới trong việc cải thiện phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn (dạng ung thư phổi phổ biến nhất hiện nay). Các công ty này sẽ sử dụng nguồn dữ liệu từ CancerLinQ Discovery®1 để dự đoán các yếu tố khiến một số bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Việc sử dụng dữ liệu được thu thập thường xuyên tại điểm chăm sóc bệnh nhân sẽ đưa ra phương pháp điều trị mới phù hợp hơn cho bệnh nhân mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn.

Hyundai Hope On Wheels là một tổ chức phi lợi nhuận của Công ty xe hơi Hyundai (Hàn Quốc) và các đại lý tại Mỹ đã quyên góp 15 triệu USD tài trợ nghiên cứu chữa trị ung thư ở trẻ em cho hơn 60 bệnh viện và tổ chức nghiên cứu trên toàn liên bang vào năm 2022. Với khoản đóng góp này, Hyundai Hope On Wheels sẽ vượt qua con số 200 triệu USD tài trợ trọn đời cho nghiên cứu và phương pháp điều trị sáng tạo nhằm theo đuổi phương pháp chữa trị ung thư cho đối tượng trẻ em.

Tổ chức Susan G. Komen - một tổ chức ung thư vú ở Mỹ cam kết hỗ trợ nguồn lực nhằm cải thiện kết quả điều trị và mở rộng dịch vụ cho cộng đồng ung thư vú. Tổ chức Susan G. Komen đã trao 21,7 triệu USD tài trợ 48 dự án nghiên cứu mới tại 26 tổ chức y tế hàn lâm nổi tiếng ở Mỹ, tập trung vào nghiên cứu cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân, đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư vú ác tính, bệnh nhân bị tái phát và di căn ung thư vú. Với khoản đầu tư này, Tổ chức hiện đang hỗ trợ cho hơn 152 dự án nghiên cứu với tổng số tiền tài trợ hơn 115 triệu USD. Ngoài ra, Tổ chức cũng đã mở rộng phạm vi tiếp cận và khả năng chi trả trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú thông qua phát triển chương trình sàng lọc và chẩn đoán tại 12 thành phố; cung cấp các dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán, chụp quang tuyến vú, sàng lọc ung thư vú miễn phí cho những cá nhân đáp ứng các tiêu chuẩn về thu nhập.

*

*           *

Ung thư vẫn luôn là mối bận tâm của toàn cầu. Các kế hoạch và hoạt động mới của Chính phủ Mỹ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược của nhiều tổ chức, quốc gia trong công cuộc phòng chống và điều trị bệnh ung thư trên toàn thế giới. Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, hỗ trợ cho các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trong việc nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các cơ chế, hoạt động phù hợp với điều kiện nước ta nhằm đẩy lùi căn bệnh này. Cuộc chiến với ung thư được xác định là một cuộc chiến dai dẳng cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng hành của các tổ chức, nhà khoa học và sự chia sẻ của chính các bệnh nhân ung thư.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)