Thứ năm, 27/04/2023 16:22

Pháp luật quốc tế về sáng chế, giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới - Kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngân Trần

CEO, Công ty Bảo hộ nhãn hiệu Maygust Trademark Attorneys, Úc

Nếu bạn quan tâm đến sáng chế, giấy phép bắt buộc, hay đơn giản là muốn hiểu hơn về lịch sử hình thành pháp luật sáng chế, quyển sách “Pháp luật quốc tế về sáng chế, giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới - Kinh nghiệm cho Việt Nam” có thể là điều mà bạn đang cần.

Nội dung sách như một hành trình dài khám phá về sáng chế, giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc. Nhưng hành trình ấy, độc giả không hề đơn độc bởi luôn có sự đồng hành của tác giả bên cạnh.

Đầu tiên, là về lịch sử ra đời của pháp luật sáng chế, về giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc. Ngay ở chương 1, sự tổng hợp thông tin khá chi tiết, hấp dẫn và có tính hệ thống cao. Chương 2 đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa pháp luật sáng chế và ngành công nghiệp dược phẩm, từ đó chi tiết hơn về vị trí quy định giấy phép bắt buộc trong hệ thống pháp luật quốc tế (chương 3). Đặc biệt, thực tiễn áp dụng các chế định về giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc tại Ấn Độ, Brazil, Thái Lan đã được tác giả trình bày và phân tích chi tiết ở các chương tiếp theo (chương 4, 5 và 6) càng làm thỏa mãn những ai mong muốn hiểu hơn ở khía cạnh thực tiễn được triển khai. Quan điểm của các tổ chức đa phương quốc tế như Liên minh châu Âu, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và cả các tổ chức phi chính phủ cũng được tác giả làm rõ và phân tích (chương 7). Kết thúc, tác giả không quên đưa ra những nhận định của riêng mình về tương lai của giấy phép bắt buộc, cũng như những gợi mở để Việt Nam có thể tham khảo trong sân chơi về sáng chế nói chung và về giấy phép bắt buộc nói riêng (chương 8).

Tất cả những thông tin, sự kiện được tác giả dẫn dắt như một người kể chuyện tài ba. Độc giả sẽ bị cuốn hút bởi sự rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt, cùng những lời bình luận thuyết phục bởi cách tiếp cận đa chiều về chủ đề này cả ở góc độ pháp lý, kinh tế, chính trị, lịch sử… của tác giả sau mỗi thông tin được chia sẻ. Tưởng chừng thông tin lịch sử khô khan, hàn lâm về sáng chế nhưng qua cách tiếp cận của tác giả, những thông tin ấy như có một linh hồn riêng, như những dấu chấm của lịch sử được kết nối và kể lại một cách sống động.

Đi vào chi tiết (chương 1 và 2) sẽ giúp bạn đọc trả lời cho câu hỏi học thuyết nào đặt nền tảng cho sự ra đời của pháp luật sáng chế? Là học thuyết quyền tự nhiên, hợp đồng, phần thưởng hay khuyến khích? Học thuyết nào sẽ đưa ra lập luận phù hợp nhất? Lịch sử hình thành và ra đời của thuật ngữ sáng chế và quyền tiếp cận thuốc cũng được làm rõ cho người đọc.

Thực tế, sự ra đời của khái niệm sáng chế nói chung, sáng chế về dược phẩm và quyền tiếp cận thuốc nói riêng, không êm đềm và nhẹ nhàng như tôi tưởng. Nó là kết quả của sự đấu tranh mạnh mẽ ngay trong nội bộ của các nước là “phong trào phản đối sáng chế ở Đức, Thụy Sỹ và Hà Lan; việc công nhận sáng chế là tài sản riêng như Hoa Kỳ; hay sử dụng sáng chế như một công cụ của chính sách công ở Anh”.

Sau đó, sự ủng hộ hay không ủng hộ việc bảo hộ sáng chế đã hình thành hai phe rõ rệt trên phạm vi quốc tế giữa các nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… và các nước đang phát triển. Từ đó, là nền tảng cho việc hình thành pháp luật sáng chế hiện đại hôm nay.

Với những ai quan tâm đến lĩnh vực sáng chế, dược phẩm, quyển sách này như một tài liệu tham khảo hữu ích và cần thiết.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)