Cảm xúc
Cảm xúc là một giá trị không thể thiếu trong đời sống con người. Đó là những phản ứng tâm lý của con người trước ngoại cảnh. Cảm xúc chi phối suy nghĩ của con người, làm thăng hoa hành động nếu đó là cảm xúc tích cực, và ngược lại sẽ là “ác quỷ” trong hành động nếu bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực. Vạn vật, có lẽ ít nhiều đều có cảm xúc. Nhưng cảm xúc bậc cao thì chỉ có ở người. Con người cảm xúc trước vạn vật, trước xã hội và trước chính bản thân mình. Cảm xúc có thể xem là gốc rễ của đời sống tâm hồn. Ngày nay, ta gặp không ít các khái niệm vô cảm, ác cảm, hận thù… Những khái niệm này vốn là một phần nào đó của cảm xúc, nhưng lại thuộc phạm vi của những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tôi muốn đề cập ở đây là cảm xúc tích cực.
Là một phạm trù tâm lý khá phức tạp, cảm xúc vừa thuộc tư duy lý tính vừa thuộc bản năng vô thức. Có nghĩa một phản ứng tâm lý nhất định trước một tình huống nào đó sẽ mang lại một loại cảm xúc. Theo đó, vô cảm cũng là một loại cảm xúc. Vui sướng, đau khổ, lo âu… đương nhiên cũng là cảm xúc. Việc phân loại này chỉ có tính tương đối vì từ những góc nhìn khác nhau, con người sẽ có được những quan niệm khác nhau về cảm xúc.
Thời hội nhập quốc tế sâu rộng, con người Việt Nam cần xác định cho mình một cảm xúc tích cực. Chúng ta có thể choáng ngợp trước nhiều thành tựu khoa học và công nghệ của các quốc gia tiên tiến, nhưng chúng ta không nên tự ti vì sự đến muộn của mình. Trong trường hợp này, tự ti hay xem thường các giá trị văn hóa ngoại quốc cũng đều không thỏa đáng. Từng biết triều đình Mãn Thanh Trung Quốc bị mất nước vào tay cường quốc phương Tây cũng vì thái độ này. Đây là cái mà Lỗ Tấn đã khái quát lên thành “phép thắng lợi tinh thần”. Một khi cứ sống trong ảo tưởng về một sức mạnh văn hóa mà mình không có và xem thường điểm mạnh của các nền văn hóa khác, con người ta sẽ dễ bị các nền văn hóa bên ngoài nô lệ hoặc đồng hóa.
Vậy nên, cảm xúc cần phải chân thực và mang tính lý tưởng. Đa phần những người luôn cố gắng vươn lên thì dễ gặp những điều bất như ý. Điều này khó tránh khỏi. Nhưng nếu kiên trì và biết nuôi một cảm xúc lý tưởng bền vững và luôn vững tin vào những điều tốt đẹp sẽ chờ đón trong tương lai thì người đó chắc chắn sẽ thành công.
Mọi thời, cảm xúc thiêng liêng nhất là cảm xúc về Tổ quốc. Tổ quốc là một khái niệm vừa mang tính vật chất gắn với các địa danh, cương thổ, biên giới, mặt biển và hải đảo…, đồng thời là các giá trị tinh thần được kết tinh trong văn học (như bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm…), trong âm nhạc (Tiến Quân ca), trong lời Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945… Có thể nói, cảm xúc nhân văn hiện diện khắp nơi, trong từng ngóc ngách văn hóa của dân tộc. Đây chính là nền tảng quý giá cho hành trang bước tiếp của con người Việt Nam.
Nêu gương
Một thành tố văn hóa quan trọng nữa trong tiến trình hội nhập chính là nêu gương. Hệ văn hóa này được xét trên các phương diện: tri thức, đạo đức và lối sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Kế thừa lời căn dặn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khi bàn đến vấn đề tu dưỡng đạo đức của đảng viên, đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu gương những người tốt, việc tốt”, các cấp lãnh đạo cần ghi nhớ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước”.
Dụng ý của việc “nêu gương những người tốt, việc tốt” của Tổng Bí thư không chỉ giới hạn trong đội ngũ Đảng viên và các cấp quản lý mà là toàn thể quần chúng nhân dân cần nỗ lực phấn đấu trở thành những tấm gương sáng. Có như vậy thì xã hội mới ngày càng tốt đẹp. Vậy nên, nêu gương đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ giá trị văn hóa Việt. Cái khó của việc nêu gương không bắt đầu ở chỗ “gương” chung chung cho cái gì mà ở “sự tích lũy” nội hàm cụ thể để “gương sáng”. Theo đó, một ai đó được đánh giá là gương tốt thì bản thân người đó phải hội đủ các tố chất về tri thức, đạo đức và phép ứng xử, lối sống. Một tấm gương sáng trong cộng đồng phải hội đủ chí ít là 3 phẩm chất ấy. Con người muốn tốt thì phải nỗ lực không ngừng trong học tập. Tri thức được tích lũy trong suốt cả cuộc đời, thông qua gia đình, trường lớp và tự học. Ý thức tự học, tự trau dồi bản thân, kiên trì và bền chí là nền tảng tối quan trọng cho việc hình thành nhân phẩm. Ngày nay, những thuận lợi về khoa học và công nghệ một mặt vừa giúp con người đạt đến những giá trị vật chất to lớn hơn nhưng đồng thời lại là những thách thức không hề nhỏ đối với đời sống tinh thần. Những giao tiếp trực tiếp giữa người với người ngày một ít đi, khiến những rung động, xao xuyến bị bào mòn đi không ít. Con người dễ trở thành những con robot vô cảm cho chính những khát vọng văn minh mà họ có được.
Như một tất yếu, người có năng lực tri thức và biết tiết chế cảm xúc, có hành vi đúng đắn, biết nhận thức những sai lầm để sửa chữa… thì người đó là một tấm gương đạo đức. Thêm nữa, đạo đức chỉ có được khi con người biết sống vì người khác, biết nghiêm khắc với bản thân và khoan dung, độ lượng, trải lòng với người cơ hàn, khốn khó; biết bản thân luôn cần phải tu dưỡng và rèn luyện; biết hướng đến những mục tiêu mang tính lý tưởng cho cộng đồng... Ngày nay, khi không ít kẻ đồi bại giả danh đạo đức, gây không ít hệ lụy cho cộng đồng thì việc xác định đâu là đạo đức chân chính để nêu gương là lẽ sống còn của dân tộc trong thời hội nhập.
Tri thức và đạo đức được kết tinh trong lối sống của con người. Để một lối sống nào đó trở thành tấm gương thì đó phải là một lối sống minh triết, vị tha; sống có lý tưởng cao đẹp; dốc hết nỗ lực để tu dưỡng bản thân, phục vụ cộng đồng, nhân loại… Con người có lối sống đẹp còn là người yêu lao động và quý thành quả lao động. Một khi ai đó đổ mồ hôi để kiếm sống thì họ không chỉ quý giá trị lao động của bản thân mà còn biết quý thành quả lao động của người khác. Con người ấy sẽ không bao giờ hoang phí, không nhận những đồng tiền phi pháp từ tay những kẻ lười lao động mà muốn thụ hưởng tài sản từ những người đổ mồ hôi công sức. Xét từ góc độ này, tuy mức độ lợi ích mà người lao động trí óc có thể mang lại nhiều hơn người lao động chân tay, nhưng giá trị là như nhau. Lối sống tốt còn là không xem thường người khác chỉ vì xuất thân hay học vấn thấp của họ, mà nên xem xét họ đã nỗ lực hết mình hay chưa, hiệu quả lao động có ngang với năng lực cá nhân, hay có tồn tại thói tật xấu nào như ghen ghét, đố kị, bịa chuyện không đúng về người khác… Người tốt còn là người biết chân thành, công tâm, biết rời xa cái tôi của mình để tự vấn. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình”.
Những tấm gương sáng là thước đo giá trị văn hóa của một cộng đồng. Một dân tộc có nhiều gương sáng, dân tộc đó sẽ được nhân loại tôn vinh và học hỏi. Hy vọng người Việt sẽ có thêm nữa những tấm gương sáng, bất kể đó có là thường dân hay nhà lãnh đạo quyền uy.
Ý thức sinh thái
Một giá trị văn hóa quan trọng hiện thời nữa chính là ý thức sinh thái. Về cơ bản, con người tồn tại trong 2 môi trường: tự nhiên và xã hội. Hệ giá trị văn hóa con người Việt thời đại mới được chúng tôi quan tâm trong môi trường xã hội thông qua 2 phạm trù xúc cảm và nêu gương bên trên. Trong môi trường tự nhiên, chúng tôi xem đó là hệ giá trị ý thức sinh thái. Nếu nhìn nhận sinh thái đơn thuần là môi trường tự nhiên - nơi con người sống, thì đấy không phải là phạm trù văn hóa. Còn nếu xem sinh thái là ý thức con người về môi trường sống thì đấy chính là hệ giá trị văn hóa. Ngày nay, hơn bao giờ hết, con người cần phải ý thức sinh thái nhiều hơn nếu không muốn tự mình hủy diệt đi sự sống của địa cầu.
Trước đây, từ cổ đại cho đến thời hiện đại (trước 1950), khi con người được đề cao quá mức: “Con người là tinh hoa của trời đất, là chúa tể của muôn loài” (Hamlet, W. Shakespeare) hoặc con người có thể sống một mình hơn 28 năm ngoài đảo hoang (Robinson Crusoe, D. Defoe) không những không chết mà còn cải tạo vùng đất hoang đó thành nơi cư ngụ của con người. Nhưng “chiến tích” như thế xuất hiện đầy rẫy trong văn chương. Một mặt nó khẳng định, ca ngợi sức mạnh bất khả chiến bại của con người, mặt khác nó cũng cho thấy một sự xâm hại thiên nhiên lớn đến chừng nào.
Trong tự nhiên, vạn vật tồn tại đều có cái lý của nó. Hơn nữa, tự nhiên vốn quý sinh. Con hổ chỉ săn mồi khi đói. Nó giết loài khác chỉ để duy trì sự sống của bản thân. Trong khi đó, con người hủy hoại thiên nhiên đôi lúc chỉ vì thích hủy hoại, nhằm thoả mãn thú vui (như săn bắn chẳng hạn) và thường là sát hại loài vật nhiều hơn nhu cầu thực phẩm của mình. Điều đó dẫn đến sự nổi giận của thiên nhiên. Những trận động đất do thủy điện gây ra, những trận sạt lở núi do cây rừng bị đốn trụi, biến đổi khí hậu hay mưa bão do khí thải… Tất cả chứng tỏ rằng, luật nhân quả mà con người hứng chịu do gây hấn với tự nhiên là không thể tránh.
Con người một khi đã ý thức được giá trị sinh thái thì họ sẽ có thái độ tích cực hơn với tự nhiên. Họ sẽ không còn ý thức tự tôn, tự cho mình là chủ nhân tuyệt đối, có thể bắt giết hay tàn phá vô độ môi sinh. Con người dần tiết chế được hành vi tai hại đó. Nhờ vậy lối sống người cũng chuyển biến, tạo nên nhiều dấu hiệu tích cực trong cộng đồng. Ngày này, nhiều cánh rừng được trồng hay bảo quản đợi tái sinh, cùng với đó là hệ động vật có môi trường sinh sống. Con người lựa chọn năng lượng tái sinh hơn là nguồn năng lượng hóa thạch. Họ kiểm soát sinh sản vì sợ Trái đất không đủ nguồn lực nuôi sống con người...
Ý thức sinh thái là một hệ giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống đương đại. Hành tinh xanh, ý thức xanh hay môi trường xanh là những từ khóa có lẽ dễ tra cứu nhất ngày nay. Con người có thể tiến được bao xa trong vũ trụ huyền bí hay khám phá sâu vào lòng trái đất bí hiểm… tất cả phụ thuộc vào thái độ và hành vi ứng xử của họ với môi trường tự nhiên.
Trên đây là 3 giá trị văn hóa con người Việt Nam mà chúng tôi cho là thiết yếu trong bối cảnh hiện nay. Từ các giá trị cảm xúc, nêu gương, ý thức sinh thái, con người Việt Nam sẽ liên tục mở rộng biên độ giá trị văn hóa từ bản thân đến cộng đồng và nhân loại. Tuy nhiên, việc làm này không phải không có những trở ngại nhất định, đặc biệt là đối với Đảng viên và những người làm công tác quản lý: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, https://snv.bacninh.gov.vn/news/30/11/2021, truy cập ngày 10/11/2022.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.143.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tập 7, tr.55.
4. Phạm Duy Đức (2022), Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, http://lyluanchinhtri.vn/14/6/2021, truy cập ngày 7/11/2022.
5. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, https://moj.gov.vn/ddt/tintuc/, truy cập: 13/11/2022.