Thứ sáu, 24/02/2023 14:55

Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân thực hiện cam kết COP26 ở Việt Nam

Nguyễn Đức Thành

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều xác định rõ xu thế phát triển hậu Covid-19 là tăng trưởng xanh (TTX) và chuyển đổi số. Trong chiến lược TTX của mỗi quốc gia, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ, vai trò của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng. Để thu hút được sự quan tâm của khu vực tư nhân, Việt Nam cần xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, các cơ hội cũng như khó khăn mà doanh nghiệp cần phải đối mặt. Từ đó, đưa ra các giải pháp giúp phát triển, tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho TTX.

Cơ hội và thách thức

Cơ hội

Thứ nhất, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon. Tín chỉ các-bon là một sản phẩm mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ các-bon còn được gọi là thị trường các-bon. Theo thống kê, trữ lượng rừng của Việt Nam vào khoảng hơn 990 triệu m3 và có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ các-bon. Mỗi năm Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các-bon, từ đó cho thấy, tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ các-bon rất lớn. Trên thế giới, thị trường tín chỉ các-bon đang phát triển vô cùng mạnh mẽ khi đang có nhu cầu lớn từ các nước phát triển tại các khu vực Châu Âu, Châu Mỹ. Hiện nay, thị trường các-bon tại Việt Nam ở mức “đang hình thành”, ngoài việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý hoàn thiện thể chế thị trường.

Thứ hai, trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân. Năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI. Trong năm 2022, nhận thấy tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đạt được những thỏa thuận hợp tác chiến lược về đầu tư cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nghiên cứu khảo sát đánh giá về năng lượng châu Á của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch phát điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây có thể được xem là một trong những tiềm năng phát triển lớn với các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thay đổi quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm xanh có thể giúp các doanh nghiệp lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp cận được tới các nguồn vốn đầu tư chất lượng.

Thứ ba, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các chiến lược, các chính sách hỗ trợ như ưu đãi về thuế, đất đai cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Chính phủ cũng đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy, phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc đưa ra mức biểu giá hỗ trợ điện, các chính sách hấp dẫn cho các nhà đầu tư, những gói tín dụng ưu đãi tới các doanh nghiệp phát triển theo mô hình TTX, các gói tài trợ từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức quốc tế cũng được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội đã đề cập ở trên, quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho kinh tế xanh cũng gặp rất nhiều thách thức. Cụ thể:

Một là, theo khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn như khung pháp lý chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan ban, ngành. Nhiều chương trình quốc gia dù có đề cập đến sự tham gia của doanh nghiệp nhưng lại thiếu cơ chế tài chính và sức hấp dẫn về lợi nhuận khi đầu tư như: giá bán điện chưa hấp dẫn nên không khuyến khích đầu tư, chưa có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn. Quy trình quản lý quy hoạch không có tính đồng bộ dẫn đến tình trạng thời gian cấp phép đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các doanh nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch khai thác vẫn luôn là khó khăn đối với ngành năng lượng tái tạo khi mà Chính phủ chưa hoàn thiện các chính sách về đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy định pháp lý về khảo sát, bàn giao mặt biển cho nhà đầu tư.

Hai là, kết quả khảo sát của CIEM cũng chỉ ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc thiếu các khoản đầu tư quy mô lớn, thiếu nguồn lực về tài chính và đối mặt với nhiều rủi ro tài chính. Để đầu tư cho biến đổi khí hậu, TTX các doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn trong khi ngân sách còn hạn chế. Các gói tín dụng, gói vay hiện nay chưa có những sự phân biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp xanh và khiến các doanh nghiệp xanh gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp phải đầu tư 3-5 năm, thậm chí 7-10 năm mới bắt đầu có lợi nhuận.

Ba là, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất thường đi kèm với áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi do còn thiếu kiến thức cũng như năng lực vận hành doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xanh. Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực để triển khai các chương trình đào tạo, khóa học giúp cho người lao động nâng cao nhận thức về những tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao tay nghề, kĩ năng để phù hợp với quy mô sản xuất xanh. Chính phủ cũng chưa có những biện pháp cụ thể, đưa ra các chính sách phát triển các mô hình đào tạo, các ngành mới ở quy mô các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề để thu hút thêm được những nguồn lao động chất lượng cho lĩnh vực TTX.

Giải pháp

Trước những thách thức và khó khăn đặt ra, Việt Nam cần có giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho kinh tế xanh, bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững. Cần xây dựng bộ hệ thống, quy trình, thủ tục và hệ thống pháp lý đạt hiệu quả cao, đồng bộ. Cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn nữa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió chưa được khai thác, có thể được đưa vào đời sống thông qua các công ty có công nghệ phù hợp. Đây là một trong những cơ hội lớn để thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Hoàn thiện, bổ sung hệ thống quy hoạch không gian biển cho điện gió ngoài khơi nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển kinh tế. Xây dựng các chính sách về đất đai, trong đó quy trình phải rõ ràng, minh bạch, có thể chấp nhận được đối với cả chủ đầu tư lẫn người sử dụng đất, cần phân biệt các loại hình đền bù, thu hồi đất vĩnh viễn, đền bù hỗ trợ hạn chế sử dụng đất, đền bù tạm thời trong quá trình xây dựng. Cần xây dựng khung giá mua điện hấp dẫn hơn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, có thể triển khai chuyển đổi từ cơ chế biểu giá điện sang cơ chế đấu giá để có thể phát huy tối đa tính minh bạch dựa vào lợi thế công khai tỷ giá mà cơ chế đấu giá có thể đem lại dẫn đến giá mua điện hấp dẫn và thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thứ ba, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích hệ thống tài chính tài trợ cho phát triển các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính mới hỗ trợ cho một nền kinh tế ít các-bon. Điển hình là việc kết hợp tài chính công và tài chính tư nhân cũng có thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận rủi ro. Cần phát triển thêm các dự án đối tác công tư, quan hệ hợp tác này không những sẽ giảm rủi ro đầu tư cho các doanh nghiệp mà còn giúp giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp gặp phải.

Thứ tư, từng bước xây dựng nền tảng/cơ chế với hệ thống pháp lý vững chắc để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Cần ban hành những quy định đảm bảo sự minh bạch của thị trường. Chính phủ cần ban hành những quy định góp phần cải thiện số liệu thống kê thông tin và công bố dữ liệu trên tất cả các loại tài sản và dịch vụ tài chính xanh. Thúc đẩy xếp hạng đáng tin cậy về môi trường, xã hội và quản trị mà các tổ chức phát hành có thể sử dụng để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo tiền đề cho đối thoại giữa các cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường; làm cho thị trường trái phiếu xanh hoạt động với sự trợ giúp của các tổ chức bán công sẵn sàng dẫn đường. Qua đó đẩy mạnh quá trình phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (các khu công nghiệp, điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, logistics, dịch vụ đi kèm khu công nghiệp...) và giải pháp có tính khả thi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tạo ra các ngành đào tạo mới tại các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)