Thứ tư, 22/02/2023 16:18

Khi người nghệ sỹ ẩn danh muốn kiểm soát tác phẩm

TS Lê Vũ Vân Anh

Khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh

Bạn có bao giờ nghĩ rằng, việc ẩn danh của một nghệ sỹ có thể ảnh hưởng đến việc người đó kiểm soát các tác phẩm của mình như thế nào không? Câu chuyện sau đây về nghệ sỹ bí ẩn Banksy minh họa một tài năng “nổi loạn” tìm mọi cách né tránh quyền tác giả để trung thành với lập trường “quyền tác giả [chỉ] dành cho kẻ thua cuộc”. Xem thường quyền tác giả, Banksy phải dựa vào nhãn hiệu - một chế định pháp luật mà ở đó tính độc quyền thường được xem là yếu hơn so với quyền tác giả (và sáng chế) để làm chỗ dựa pháp lý cho mình. Trên hành trình bơi ngược dòng đó, cảm xúc của người nghệ sỹ đôi lúc đã khiến ông lao đao.

Người nghệ sỹ bí ẩn Banksy

Banksy, một nghệ sỹ graffiti bí ẩn của nước Anh đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đường phố đương đại. Ông được biết đến với các tác phẩm “nổi loạn” gây nhiều tranh cãi. Tới giờ phút này, danh tính của Bansky vẫn là một ẩn số, không ai biết ông tên thật là gì, bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng ông là nam và đến từ thành phố Bristol miền nam nước Anh. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình, ông châm biếm chủ nghĩa tư bản, các nhãn hàng nổi tiếng và các vấn đề chính trị, xã hội.

Banksy nổi tiếng là người mạnh mẽ chống lại quyền tác giả. Trong cuốn sách của mình có tựa đề “Wall and Piece”, ông tuyên bố rằng, “quyền tác giả [chỉ] dành cho kẻ thua cuộc”. Theo Banksy, về mặt đạo đức và pháp lý, công chúng được tự do sao chép, sửa đổi và sử dụng bất kỳ tác phẩm có bản quyền nào. Với tư tưởng đó, không có gì ngạc nhiên khi Banksy cho phép các tác phẩm của mình được chụp ảnh rộng rãi, sao chép trên quy mô lớn và phổ biến bởi một loạt các bên thứ ba cho dù không có bất kỳ mối liên hệ thương mại nào với Banksy.

“Người ném hoa"

Bức ảnh Flower Thrower (Người ném hoa) (nguồn: https://euipo.europa.eu/eSearch/#details/trademarks/012575155).

Full Color Black - công ty bán thiệp của Anh đã thông báo cho đại diện của Banksy rằng, họ muốn trả tiền bản quyền để sử dụng tác phẩm Flower Thrower của ông nhưng Banksy đã từ chối. Không thể liên hệ trực tiếp với Banksy, Full Colour Black không còn cách nào khác đã đi một “nước cờ” táo bạo là đệ đơn lên Cơ quan nhãn hiệu châu Âu (EUIPO) năm 2019 để yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu Flower Thrower mà Banksy đã đăng ký vào năm 2014 thông qua Pest Control (công ty đại diện của Banksy). Flower Thrower là một tác phẩm mang tính biểu tượng của Banksy, ban đầu được vẽ trên tường ở thị trấn Bethlehem của Palestine. Lập luận của Full Colour Black là Banksy đăng ký nhãn hiệu liên minh châu Âu (EUTM) này với “dụng ý xấu” (bad-faith), rằng Banksy không hề sử dụng nhãn hiệu này của mình. Yêu cầu hủy đơn của Full Colour Black đã được EUIPO đồng ý1.

Trước khi vụ tranh chấp xảy ra, Flower Thrower đã được in và sao chép trên nhiều mặt hàng, từ poster đến móc chìa khóa. Nói cách khác, nhãn hiệu Flower Thrower (và các nhãn hiệu khác của Banksy) chỉ là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, Full Colour Black lập luận trong đơn. Chúng có thể được xem là vật trang trí hoặc sản phẩm nghệ thuật, nhưng tuyệt nhiên không phải là dấu hiệu cho phép người tiêu dùng nhận ra nhà sản xuất hàng hóa - một chức năng mà nhãn hiệu phải có.

Thực sự đúng như vậy, Flower Thrower được công chúng chụp ảnh miễn phí và đã được phổ biến khắp nơi. Thậm chí, Banksy còn cung cấp các phiên bản có độ phân giải cao trên trang web của mình và mời công chúng tải xuống để sản xuất các mặt hàng của riêng họ. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ không thể nào nhận biết liệu một mặt hàng in hình Flower Thrower thực sự do ai sản xuất.

“Con đường vòng”

Lẽ ra, Banksy nên thực thi quyền tác giả đối với các tác phẩm nghệ thuật của mình thay vì đăng ký nhãn hiệu. Bởi theo lý luận của Banksy, luật nhãn hiệu cũng không tốt đẹp hơn gì quyền tác giả, vì về bản chất cả hai đều trao độc quyền cho chủ sở hữu kiếm lợi từ sáng tạo của chính họ và ngăn chặn nỗ lực của bên thứ ba. Vì vậy, thật không hợp lý khi Banksy một mặt cho rằng, quyền tác giả dành cho những kẻ thua cuộc nhưng lại đồng thời tìm cách đăng ký nhãn hiệu để bảo vệ tác phẩm nghệ thuật của mình.

Lý do đơn giản là vì nếu chọn con đường quyền tác giả, Pest Control phải chứng minh rằng họ đã mua bản quyền hoặc nhận ủy quyền từ nghệ sỹ. Hành động như vậy sẽ tiết lộ danh tính của Banksy, điều mà nghệ sỹ ẩn danh nổi tiếng không bao giờ muốn. Không ngoa khi nói rằng, giá trị tác phẩm nghệ thuật của Banksy không chỉ đến từ tài năng của ông mà còn đến từ hào quang “bí ẩn” mà Banksy đã tạo ra từ những năm 1990. Tiết lộ danh tính sẽ xóa bỏ hào quang ấy và ảnh hưởng đến giá trị thương mại của các tác phẩm do Banksy sáng tạo.

Thật ra đây không phải lần đầu tiên Banksy sử dụng nhãn hiệu để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Trước đó cũng vào năm 2019, Banksy khởi kiện thành công một bảo tàng ở Ý đã bán các mặt hàng sao chép tác phẩm nghệ thuật mang thương hiệu của ông. Người nghệ sỹ đường phố một lần nữa không thực thi bản quyền - thay vào đó, ông viện dẫn hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Khi cảm xúc của người nghệ sỹ lên ngôi

Khi cuộc chiến nhãn hiệu xung quanh Flower Thrower đang diễn ra, Banksy đã mở một cửa hàng (theo đúng nghĩa đen của từ này) được đặt tên là “Tổng sản phẩm quốc nội” (Gross Domestic Product) nhưng chưa bao giờ bán hàng cho công chúng. Trong một tuyên bố, ông nói “Một công ty thiệp đang tranh chấp nhãn hiệu mà tôi giữ cho tác phẩm nghệ thuật của mình và cố gắng giữ tên của tôi để họ có thể bán hàng hóa Banksy giả một cách hợp pháp”. Vào thời điểm đó, Banksy đã mỉa mai rằng, việc mở một cửa hàng vì tranh chấp pháp lý “có thể là lý do ít thi vị nhất để tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật”. Việc mở cửa hàng của Banksy chẳng có mục đích nào khác ngoài việc ông đang cố chứng tỏ rằng mình tuân thủ yêu cầu “chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng đúng nhãn hiệu của họ trong quá trình giao dịch”. Trong quá khứ, Banksy chưa bao giờ sản xuất, bán hoặc chào bán hàng hóa mang thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, Banksy và đội ngũ pháp lý của mình đã đánh giá thấp về EUIPO khi nghĩ rằng họ không nhận ra được động cơ thật sự của Banksy. Những bình luận của ông trong quá khứ và việc mở cửa hàng là hành vi “tự bắn vào chân mình” khi EUIPO viện dẫn một bài báo trích lời cố vấn của Banksy rằng, Banksy đang ở trong một tình thế khó khăn vì anh ta không sử dụng nhãn hiệu trên thực tế. Theo quy định pháp luật, nhãn hiệu sẽ mất hiệu lực nếu chủ sở hữu không sử dụng nó. Vì vậy, cũng trong bài báo nêu trên, cố vấn của Banksy đề xuất rằng họa sỹ bắt đầu kinh doanh các loại hàng hóa của riêng mình và mở một cửa hàng như một giải pháp cho vấn đề này. Banksy cũng thừa nhận lý do của việc mở cửa hàng: "Đôi khi bạn đi làm và thật khó để biết phải vẽ gì, nhưng trong vài tháng qua, tôi đã làm những thứ với mục đích duy nhất là đáp ứng các danh mục nhãn hiệu theo luật của EU".

Bộ phận hủy bỏ của EUIPO dựa vào những bình luận công khai đưa ra trong lễ khai trương cửa hàng của Banksy để lập luận rằng người họa sĩ này “không cố gắng giành lấy thị phần thương mại bằng cách bán hàng” mà chỉ đang cố thể hiện việc sử dụng hàng hóa để đáp ứng chiếu lệ quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, Banksy đang lách luật. Hiển nhiên, một động thái như vậy là “không phù hợp với các thông lệ trung thực”.

Nhưng Banksy có thể “cười bây giờ”

Phán quyết về Flower Thrower có thể ảnh hưởng đến các đơn khác của Banksy ở Anh, châu Âu và Mỹ vì Pest Control đã đăng ký các tác phẩm của Banksy dưới dạng nhãn hiệu. Tuy nhiên, Banksy đã có thể mỉm cười khi ông thắng trong một tranh chấp tương tự đối với bức ảnh con vượn - một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Banky.

 

Bức họa con vượn của Banksy (tạm dịch “Hãy cười ngay bây giờ nhưng một ngày nào đó chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”). Nguồn: https://banksyexplained.com/laugh-now-but-one-day-well-be-in-charge-2000/.

Tác phẩm nêu trên ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2002 khi một hộp đêm ở Brighton - thành phố phía Nam nước Anh thuê Banksy vẽ bức họa này.

Nhưng sau khi Pest Control nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào năm 2019, Full Color Black đã tuyên bố rằng hình ảnh không mang tính phân biệt và nhãn hiệu đã được nộp với dụng ý xấu. EUIPO đã ra phán quyết ủng hộ Full Color Black, tuy nhiên quyết định này bị đảo ngược bởi Hội đồng phúc thẩm vào tháng 11/2022 khi tuyên rằng, Full Color Black không chứng minh được dụng ý xấu của Banksy. Vì vậy, nhãn hiệu ở lại với Banksy trong khi danh tính của người nghệ sỹ vẫn nằm trong vòng bí mật.

Mặc dù Banksy có thể “cười ngay bây giờ”, nhưng có lẽ người nghệ sỹ sẽ phải sử dụng các nhãn hiệu của mình đúng luật để tránh bị thu hồi và tránh những thách thức pháp lý khác. Câu chuyện của Banksy đặt ra những vấn đề pháp lý thú vị mà một người nghệ sỹ ẩn danh cần phải tính đến khi quyết định giữ bí mật danh tính của mình. Ngoài ra, họ cũng nên học cách kiềm chế cảm xúc trong những phát ngôn ra công chúng, vì biết đâu đó là cách “ta tự hại mình”, đem hai tay dâng chiến thắng cho đối thủ. Mặc dù Banksy đầy ác cảm với chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng trớ trêu thay, con đường nhãn hiệu lại là cứu cánh để ông duy trì hào quang bí ẩn cũng như quyền kiểm soát tác phẩm của mình.

 

1 https://euipo.europa.eu/eSearch/#details/trademarks/012575155.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)