Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Thời gian qua, các doanh nghiệp công thương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, hội nhập và phát triển.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) năm 2020, hơn 92% doanh nghiệp ở Việt Nam đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng, việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số còn chưa cao. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Kết quả điều tra, khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số chính là những rào cản hạn chế về nhận thức, nhân lực, thông tin… đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số.
Thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số
Ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng giám đốc FPT Digital (Tập đoàn FPT) cho biết, Tập đoàn FPT có 33 năm kinh nghiệm về công nghệ, hoạt động tại 26 quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông, công nghệ thông tin, bán lẻ, giáo dục và tài chính. FPT đã thương mại hóa thành công nhiều giải pháp công nghệ thông tin trong các ngành này, do đó FPT có lợi thế cạnh tranh để cung cấp quá trình chuyển đổi số từ đầu đến cuối. Chuyển đổi số có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng doanh thu và lợi nhuận, cải thiện hiệu quả của nhân viên, tiết kiệm chi phí, tạo ra dòng doanh thu mới... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã thất bại trong quá trình chuyển đổi số vì quá tập trung đầu tư vào các ứng dụng công nghệ rời rạc mà không giải quyết các thay đổi về tư duy, quan điểm và mô hình kinh doanh. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm ra đúng cách để đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số. Để đảm bảo lộ trình chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 yếu tố gồm: thứ nhất, chuyển đổi số đòi hỏi mức độ cam kết cao trong toàn tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao và sự tham gia của nhân viên; thứ hai, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình rõ ràng và tiến trình cải tiến liên tục; thứ ba, các doanh nghiệp cần xây dựng một bộ phận đặc biệt và chuyên dụng chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ khó khăn khi doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi số, trước tiên là có quá nhiều mô hình chuyển đổi số nhưng nhiều mô hình thất bại nên buộc doanh nghiệp phải lặn lội tìm ra được mô hình hợp với mình; thứ hai là khó khăn trong việc lựa chọn giữa chuyển đổi số từng phần hay chuyển đổi số toàn diện; thứ ba là ý chí và quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, có quyết tâm thì mới dám làm, dám chuyển đổi.
Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương sẽ triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh. Nhằm đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hệ sinh thái chuyển đổi số công thương với mục tiêu tạo ra cộng đồng doanh nghiệp; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số. Dự kiến Hệ sinh thái chuyển đổi số công thương sẽ ra mắt vào quý III năm 2023.
Việt Hà