Thứ tư, 01/02/2023 15:41

Phát triển nguồn nhân lực cho ngành thiết kế và chế tạo vi mạch tại Việt Nam

Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp này đã được ban hành. Tuy nhiên, phát triển và làm chủ công nghệ, nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định. Đây cũng là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo: “Thiết kế và chế tạo vi mạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ tại Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Thiết kế, chế tạo vi mạch - Vai trò và thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam

Theo các chuyên gia, vi mạch là lĩnh vực rất quan trọng, là lĩnh vực nền tảng cho nhiều lĩnh vực khác. Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh, phát triển trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp sản xuất vi mạch. Tuy nhiên, vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, các chuyên gia trình độ cao, tầm nhìn dài... Trong giai đoạn hiện nay, cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới đã và đang đem lại những cơ hội lớn cho Việt Nam. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng này còn có thể tạo ra một sự biến động trong thị trường lao động khi có rất nhiều người đứng trước nguy cơ mất việc làm, vì các quá trình sản xuất được tự động hóa, cũng như việc nhiều ngành nghề có xu hướng sử dụng các robot thông minh làm thay con người. Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực để định hướng và tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường sản xuất vi mạch tại Việt Nam là một việc thực sự cấp thiết và quan trọng.

Không những thế, công nghệ thiết kế vi mạch phát triển liên tục hàng tháng, thậm chí hàng tuần và hàng ngày. Do đó, không phải một cá nhân, một nhóm nghiên cứu nào thu mình mà có thể đạt tới đỉnh cao của công nghệ này. Thiết kế vi mạch cần được hỗ trợ bởi công nghiệp để đi sát với thực tế, đồng thời, phải được sự hợp tác quốc tế để theo kịp trào lưu tiến bộ của thế giới.

Thống kê cho thấy, nguồn nhân lực phục vụ ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam được phân bổ không đồng đều giữa các tỉnh/thành và khu vực. Bên cạnh đó, vì thiếu sự đầu tư đồng bộ cho công nghệ và dây chuyền sản xuất nên các công ty thiết kế vi mạch ở Việt Nam đóng vai trò như một chi nhánh cung cấp nguồn nhân lực cho bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài, vì đặc điểm này nên Việt Nam chưa hình thành đội ngũ có năng lực kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, đủ khả năng làm chủ một sản phẩm hoàn chỉnh…

So với các nước phát triển, đào tạo chính quy lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Tại một số trường đại học kỹ thuật đầu ngành, việc đào tạo mới chỉ dừng lại ở mức chủ động đưa các kiến thức cơ sở của lĩnh vực vi mạch vào các môn học như kỹ thuật mạch điện tử, thiết kế mạch số, thiết kế mạch tương tự, thiết kế VLSI… chứ chưa xuất hiện ngành đào tạo riêng về kỹ thuật thiết kế vi mạch. Ở một số trường đại học mặc dù đã có phòng thí nghiệm và giáo viên chuyên trách để nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu, nhưng điều kiện để các bạn sinh viên có cơ hội tham gia nghiên cứu, thực tập các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực vi mạch vẫn còn rất khiêm tốn…

Tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực

PGS.TS Võ Thu Hà - Trưởng Khoa Điện (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) cho biết, giai đoạn phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 2005-2006, đây là thời kỳ thế giới bùng nổ về Internet. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng cán bộ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu đã gia tăng đáng kể. Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư khá lành nghề với tuổi nghề trung bình đang ở độ tuổi vàng, số năm kinh nghiệm trung bình khoảng 5 năm. Đây được coi là lợi thế rất lớn của Việt Nam vì độ tuổi này có nhiều sáng tạo và đóng góp được nhiều nhất cho ngành thiết kế, chế tạo vi mạch. Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng, trong khi trình độ nhân lực Việt Nam ngày được cải tiến, các chuyên gia giỏi của Việt Nam đang được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… săn đón. Điều này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển về số lượng nguồn nhân lực thiết kế, chế tạo vi mạch.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Tập - Phụ trách tuyển dụng nguồn nhân lực (HCL Technologies) cho biết, HCL hiện đang tìm kiếm những nhân tài có thể định hướng công nghệ trong tương lai. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi một cách nhanh chóng, HCL không ngừng tìm kiếm những ứng viên có tư duy logic, tài lãnh đạo và có thể thích ứng trong môi trường làm việc với đội ngũ 159.000 nhân sự làm việc tại 50 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để phát triển nguồn lực phục vụ nhu cầu trong tương lại, HCL cho rằng, cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo, ví dụ các nguồn lực đầu tư của nhà nước hiện có cho vi mạch trực tiếp đưa về các cơ sở đào tạo dưới các hình thức như giảm học phí nếu sinh viên đăng ký học các học phần liên quan vi mạch, tăng phụ cấp cho các thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip…

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học kỹ thuật và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo nguồn sinh viên ra trường nhanh chóng tham gia vào các dự án thiết kế hoặc công đoạn chế tạo tại doanh nghiệp. Các trường đại học khối ngành kỹ thuật cần cân nhắc mở chuyên ngành vi mạch trong chương trình đào tạo để đáp ứng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong mảng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao.

Ninh Diện - Nguyễn Thạch

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)