Thứ ba, 31/01/2023 10:34

Tác động của chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường

TS Trần Viết Cường

Trường Đại học Hà Tĩnh

Chuyển đổi số đang mang lại những cơ hội và thách thức đối với ngành tài nguyên và môi trường. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào về tác động môi trường tích cực có thể lớn hơn tác động tiêu cực do chuyển đổi số gây ra. Tuy nhiên, để chuyển đổi số mang lại tác động tích cực đồng thời hạn chế tiêu cực đến ngành tài nguyên và môi trường, cần có các nghiên cứu về công nghệ trong chuyển đổi số liên quan đến nhu cầu tài nguyên và tác động môi trường. Song song với quá trình chuyển đổi số cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao kiến thức, thái độ, tăng cường năng lực của người tiêu dùng liên quan đến việc lựa chọn hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách bền vững, xây dựng các chính sách, luật pháp, thể chế để có thể giúp định hình chuyển đổi số và kinh tế số bền vững ở tất cả các cấp quản trị.

Tác động tích cực và tiêu cực

Chuyển đổi số trong ngành tài nguyên và môi trường đem lại cả mặt tích cực và tiêu cực song song với nhau.

Tác động tích cực

Thúc đẩy ngành công nghiệp vì một nền kinh tế sạch và tuần hoàn: các cơ hội môi trường (phi năng lượng) phát sinh từ quá trình chuyển đổi số có thể đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ với nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử. Quan trọng nhất, tiến bộ công nghệ đóng một vai trò trong việc thu gom và tái chế rác thải điện tử tốt hơn và tái sử dụng các vật liệu đã sử dụng. Ví dụ, sự tiến bộ trong công nghệ, cụ thể là sự ra đời của điện thoại thông minh và các ứng dụng di động khuyến khích người tiêu dùng tái chế rác thải điện tử tại các địa điểm chính thức để đổi lấy các động lực tài chính.

Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học: công nghệ kỹ thuật số có thể giúp giảm bớt áp lực lên môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học ở nhiều khía cạnh. Các giải pháp hỗ trợ công nghệ thông tin trực tuyến giúp giám sát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Công nghệ thông tin trực tuyến cũng có thể giúp trực quan hóa và truyền đạt dữ liệu sinh học, do đó nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính sách. Kỹ thuật số có thể hỗ trợ các mô hình kinh doanh thân thiện với đa dạng sinh học làm cho các mô hình kinh doanh trở nên khả thi nhằm ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học hoặc hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, chẳng hạn như thông qua việc thúc đẩy phi vật chất hóa hoặc giảm nhu cầu tài nguyên thông qua các hoạt động chia sẻ.

Kỳ vọng về một môi trường không có chất độc hại: liên quan đến giảm ô nhiễm, các cơ hội môi trường phi năng lượng cũng có thể phù hợp, đặc biệt là khi giải quyết vấn đề giảm ô nhiễm không khí. Các loại công nghệ đóng góp quan trọng nhất về mặt này là AI và blockchain. Các công cụ dựa trên AI đã được triển khai để theo dõi và dự báo mức độ ô nhiễm hoặc cho các phương tiện tự lái và đèn giao thông. Mặt khác, công nghệ blockchain có thể được sử dụng cho các hệ thống dựa trên phần thưởng nhằm thưởng cho những người giảm thiểu ô nhiễm bằng phần thưởng kỹ thuật số, có thể được đổi lấy các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Các khía cạnh khác: chuyển đổi số mang lại những tiềm năng cải thiện thông tin và kiến thức về môi trường, các chính sách môi trường được đổi mới theo hướng bền vững hơn; chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho các chính sách truy cập mở và dữ liệu mở, bao gồm việc cung cấp dữ liệu của chính phủ (dữ liệu mở) và dữ liệu khoa học (truy cập mở), tạo sự phát triển của các nền tảng chia sẻ dữ liệu, hoặc “hệ sinh thái kỹ thuật số cho môi trường” nhằm cung cấp dữ liệu sẵn có cho các chính sách môi trường và đổi mới ở cấp độ toàn cầu; Các công nghệ mới cũng được coi là cung cấp các cơ hội mới để thực hiện và thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn môi trường; các thông tin tốt hơn về chuỗi cung ứng, chi phí môi trường của sản phẩm (ví dụ như mã QR), dịch vụ hoặc dòng đầu tư có thể giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định bền vững hơn. Các dự án khoa học công dân được nối mạng xuyên quốc gia mang lại cơ hội mới cho nhận thức về môi trường và hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.

Tác động tiêu cực

Tác động trực tiếp đến tài nguyên: việc khai thác và chiết xuất các nguyên liệu thô (coban, palađi, tantali, bạc, vàng, indium, đồng, lithium và magie) cũng như sản xuất các thành phần vi điện tử, đặc biệt là các mạch tích hợp, là những yếu tố đóng góp chính cho cạn kiệt tài nguyên hóa thạch cũng như cạn kiệt tài nguyên phi sinh học, trái đất nóng lên, phú dưỡng nước ngọt, chua hóa đất, nhiễm độc con người, nhiễm độc nước ngọt, nhiễm độc biển và gây độc môi trường đất.

Tác động trực tiếp đến đa dạng sinh học và sử dụng đất cũng như thay đổi sử dụng đất: các tác động chính do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất phần cứng, từ việc thải ra các vật liệu độc hại (như kim loại nặng, khói độc, nước rỉ axit) liên quan đến quá trình khai thác nguyên liệu thô, cũng như từ việc thu gom, tái chế không phù hợp và xử lý chất thải thiết bị điện và điện tử. Các tác động môi trường của việc phát điện (ví dụ như phát thải khí nhà kính) cũng có thể bao gồm các tác động đến đa dạng sinh học. Tác động của cáp truyền dữ liệu dưới nước đối với các loài sinh vật dưới nước...

Tác động gián tiếp và mang tính hệ thống đến môi trường: không thể cho rằng chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích về tài nguyên, năng lượng hoặc các lợi ích môi trường khác. Cần có một cách tiếp cận tổng thể để hiểu đúng các tác động và đạt được kết quả tốt. Điều này không chỉ yêu cầu xem xét giai đoạn sử dụng, mà còn cả giai đoạn sản xuất và giai đoạn cuối vòng đời; không chỉ tập trung vào thiết bị công nghệ thông tin, mà còn tập trung vào cơ sở hạ tầng cần thiết; không chỉ đo lượng khí thải cacbon, mà còn các tác động khác. Chuyển đổi số không thể bền vững nếu không được điều chỉnh theo cách giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của nó. Để thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng bền vững hơn, điều bắt buộc là hiệu quả đạt được phải bù đắp được phần gia tăng tiêu thụ năng lượng và tài nguyên do tăng trưởng kinh tế gây ra.

Một số định hướng và giải pháp giúp cho quá trình chuyển đổi số bền vững

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường và giúp cho quá trình chuyển đổi số một cách bền vững, cần có một số định hướng và giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần có các nghiên cứu để hiểu biết về các công nghệ trong chuyển đổi số liên quan đến nhu cầu tài nguyên và tác động môi trường của chúng. Cần xây dựng các phương pháp đánh giá và hướng dẫn đánh giá chuẩn để đánh giá tác động của các loại công nghệ liên quan đến chuyển đổi số đến tài nguyên và môi trường; tuyên truyền, giáo dục để nâng cao kiến thức, thái độ, tăng cường năng lực của người tiêu dùng liên quan đến việc lựa chọn hàng hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến một cách bền vững.

Thứ hai, mở rộng phạm vi đánh giá các loại tác động của chuyển đổi số đến môi trường (ngoài năng lượng và dấu chân cacbon). Không nên bỏ qua các tác động môi trường khác, chẳng hạn như cạn kiệt tài nguyên phi sinh học, cạn kiệt nước, độc tính sinh thái và con người, vì những chuỗi liên quan đến môi trường này cũng có thể quan trọng tương tự;

Thứ ba, song song với quá trình chuyển đổi số cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.

Thứ tư, xây dựng các chính sách, luật pháp và thể chế để có thể giúp định hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách bền vững ở tất cả các cấp quản trị (quốc gia thành viên, khu vực, thành phố…).

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)