Thứ năm, 02/02/2023 14:57

Chính sách giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam

Báo cáo tóm tắt chính sách: “Giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, ước tính có khoảng 2,8 đến 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương. Báo cáo của WB cũng khuyến nghị một số lựa chọn chính sách cho vấn đề này, trong đó nhấn mạnh đến 3 khía cạnh: các chính sách hạn chế, các chính sách về giá và các lệnh cấm.

Các chính sách hạn chế

Hạn chế phân phối ống hút nhựa dùng một lần. Hạn chế phân phối, kinh doanh và phân phát mặc định ống hút nhựa dùng một lần tại các cơ sở được lựa chọn như nhà hàng và cửa hàng thức ăn nhanh. Hạn chế này có thể thực hiện được vì sẵn có các ống hút thay thế bằng kim loại, thủy tinh, tre, gạo, cỏ và giấy. Biện pháp thực hiện: thông qua các quy định bắt buộc, kèm theo các hành động như phân bổ ngân sách cho việc thực thi và giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan chức năng tại địa phương; thông báo cho các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh và các cơ sở tương tự về các quy định mới, khi nào các hạn chế sẽ được triển khai và mức độ sẵn có của các lựa chọn thay thế; tuyên truyền đối với nhân viên của các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh, và các cơ sở tương tự, cũng như khách hàng về tác động môi trường tiêu cực của các loại SUP, tầm quan trọng của việc loại bỏ sử dụng chúng và mức độ sẵn có của các lựa chọn thay thế...

Hạn chế phân phối ống hút nhựa dùng một lần là một trong những khuyến cáo nhằm giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam.

Hạn chế sử dụng một số loại SUP phục vụ tiêu dùng tại chỗ trong các cơ sở thực phẩm. Báo cáo khuyến nghị một số biện pháp cho vấn đề này: thông qua các quy định bắt buộc, kèm theo các hành động như phân bổ ngân sách cho việc thực thi và giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan chức năng tại địa phương; thông báo cho các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh và các đơn vị cung cấp thực phẩm khác ngừng phân phát hoặc bán các loại SUP như ống hút, thìa dĩa, cốc, dụng cụ khuấy đồ uống, hộp đựng mang đi và về mức độ sẵn có của các lựa chọn thay thế; thực hiện đào tạo cho các nhân viên nhà hàng, những người sẽ chủ yếu thực hiện quy định này…

Cắt giảm cung cấp thìa dĩa nhựa của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến. Biện pháp thực hiện: đạt được sự hợp tác của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến để họ tự nguyện đồng ý triển khai lựa chọn kèm thìa dĩa/không kèm thìa dĩa làm mặc định trong thực đơn; đạt được sự hợp tác của các nhà hàng và nhân viên của nhà hàng không khuyến khích khách hàng yêu cầu dao kéo bằng nhựa dùng một lần; thiết kế tài liệu cho các nền tảng trực tuyến sử dụng để tuyên truyền với khách hàng về lựa chọn “không kèm thìa dĩa” và những lợi ích môi trường nhờ giảm thiểu ô nhiễm nhựa…

Hạn chế phân phối sản phẩm vệ sinh cá nhân dùng một lần trong các khách sạn.  Để thực hiện được điều này cần: thông qua các quy định bắt buộc, kèm theo các hành động như phân bổ ngân sách cho việc thực thi và giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan chức năng tại địa phương; thông báo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú về quy định và phương án thay thế - chai đựng đồ vệ sinh cá nhân có thể nạp lại; quy định về các trường hợp miễn trừ và các biện pháp chuyển tiếp (chẳng hạn như bắt đầu hạn chế đối với các khách sạn bốn và năm sao trước khi áp dụng cho tất cả các khách sạn)...

Hạn chế sử dụng SUP tại các cơ sở và khu du lịch (khu vực không có SUP).  Biện pháp thực hiện: thông qua các quy định bắt buộc, kèm theo các hành động như phân bổ ngân sách cho việc thực thi và giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan chức năng tại địa phương; xác định các khu du lịch nơi các hạn chế sẽ được áp dụng và thực thi; tuyên truyền đối với doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp hoạt động trong các khu vực quy định về các hạn chế, miễn trừ, hình thức xử phạt và các lựa chọn thay thế sẵn có…

Các chính sách về giá

Phí tính cho người tiêu dùng đối với túi nhựa không phân hủy sinh học. Đây là một biện pháp chuyển tiếp trước khi có lệnh cấm đối với túi nhựa không phân hủy sinh học, quy định bắt đầu từ năm 2026 tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, áp phí đối với người tiêu dùng khi họ yêu cầu túi nhựa không phân hủy sinh học. Biện pháp thực hiện: thông qua các quy định bắt buộc, kèm theo các hành động như phân bổ ngân sách cho việc thực thi và giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan chức năng tại địa phương; xác định các đơn vị sản xuất/nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và cung cấp túi nhựa không phân hủy sinh học; thiết kế và thực hiện các chiến dịch truyền thông để tuyên truyền tới các đơn vị sản xuất/nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và cung cấp cung cấp túi nhựa không phân hủy sinh học…

Phí tính cho người tiêu dùng đối với cốc cà phê nhựa mang đi. Để tránh sự phản kháng mạnh mẽ từ người tiêu dùng, những người thấy cốc cà phê mang đi rất tiện lợi, thay vì cấm hoàn toàn những chiếc cốc này, ban đầu hãy sử dụng các biện pháp chuyển tiếp như tính phí cho người tiêu dùng đối với cốc cà phê mang đi và hạn chế sử dụng trong các khu vực không có SUP, chẳng hạn như công viên và khu bảo tồn thiên nhiên. Chỉ sau khi áp dụng những biện pháp chuyển tiếp này trong vài năm mới chuyển sang thực hiện lệnh cấm trên toàn quốc.

Các lệnh cấm

Cấm ống hút nhựa (thông qua lệnh cấm bán hoặc sản xuất và nhập khẩu). Với sự sẵn có của các lựa chọn thay thế dùng một lần và nhiều lần, cấm sử dụng ống hút và dụng cụ khuấy đồ uống bằng nhựa, ngoại trừ đối với người khuyết tật, trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc.

Cấm túi nhựa không phân hủy sinh học (thông qua lệnh cấm bán hoặc sản xuất và nhập khẩu). Đưa ra lệnh cấm nhập khẩu và sản xuất hoặc bán/cung cấp túi nhựa không phân hủy sinh học cho người dùng cuối cùng. Do Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định cấm nhập khẩu và sản xuất túi nhựa bắt đầu từ năm 2026, lệnh cấm này không yêu cầu ban hành các văn bản pháp luật bổ sung và có thể bắt đầu bằng việc xây dựng các hướng dẫn hỗ trợ triển khai thực hiện và giám sát lệnh cấm. Một miễn trừ bổ sung ngoài những loại đã được liệt kê trong nghị định cần được xem xét là đối với các loại túi nhựa rất nhẹ (dưới 15 micron) được sử dụng để đóng gói thực phẩm không kết dính vì mục đích vệ sinh và ngăn ngừa lãng phí thực phẩm. Các nỗ lực nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa không phân hủy sinh học hiện đang được thực hiện ở Việt Nam thông qua việc đánh thuế các đơn vị sản xuất và nhập khẩu, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thu phí người tiêu dùng trong vài năm trước khi ban hành lệnh cấm sẽ có hiệu quả hơn.

Lệnh cấm hộp đựng thực phẩm bằng nhựa EPS (thông qua lệnh cấm bán hoặc sản xuất và nhập khẩu). Sau khi thực hiện các biện pháp chuyển tiếp như hạn chế sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa EPS tại nhà hàng và các cơ sở dịch vụ ăn uống khác, cũng như ở các khu du lịch, trong trung hạn, sau khi cho phép các doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa EPS có thể bị cấm. Vì hộp đựng thực phẩm bằng nhựa EPS hiện đang được sử dụng rộng rãi, cần có các biện pháp chuyển tiếp vì lệnh cấm bán hàng hoặc sản xuất và nhập khẩu ngay lập tức có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng nghèo.

Vũ Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)