Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhận định, sự xuất hiện của AI-GPT mới chỉ là sự khởi phát của công nghệ giáo dục, đánh thức chúng ta về khả năng, giới hạn mới của công nghệ và sẽ ngày càng thâm nhập sâu hơn vào giáo dục trong thời gian tới. GS Thanh đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề chính: 1) nên khách quan nhìn nhận những tác động chủ yếu thường được đề cập khi xuất hiện các giải pháp công nghệ mới, trong đó có ChatGPT; 2) cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng và chủ động thích ứng với ChatGPT và những hiện tượng tiềm năng tương đương trong giáo dục; 3) cần làm rõ về bản chất, cơ chế vận hành của ChatGPT để có những phương án đề xuất về mặt chính sách, kỹ thuật, kỹ năng sử dụng tích hợp các ưu điểm của ChatGPT trong thực tiễn giáo dục như thế nào.
GS.TS Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ về các xu hướng AI tác động đến giáo dục cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng AI như một công cụ chuyên dụng nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống. Công nghệ AI có thể cải thiện được năng lực trí tuệ của con người, AI cũng đang làm thay đổi cách truyền đạt kiến thức của người dạy và cách tiếp thu kiến thức của người học. "Trong môi trường số, gia đình, nhà trường và xã hội đang cùng nhau tạo ra những thay đổi tác động lên giáo dục. Vậy chúng ta phải thay đổi cách làm, cách nghĩ như thế nào khi không chỉ có nhà trường, gia đình mà công nghệ cũng đang góp phần mang đến kiến thức cho người học" - GS Hồ Tú Bảo chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục nêu lên vấn đề: “Liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận và thích ứng với công nghệ không? Các mức độ sử dụng của AI-GPT trong giáo dục hiện nay là gì? Với tư cách là nhà giáo dục, chúng ta sẽ phát triển các công cụ này ra sao?”. Thực tế, ChatGPT đã tạo ra những thay đổi trong quá trình dạy học và quản lý, thay đổi nội dung dạy học; thay đổi về bối cảnh/phương thức/mô hình và mô thức giáo dục; thay đổi vai trò của giáo viên và học sinh.
Đối với môn Toán và khoa học tự nhiên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm và ThS Đặng Minh Tuấn - giảng viên Trường Đại học Giáo dục đã có những ví dụ rất điển hình đối với việc sử dụng ChatGPT trong dạy học các môn học này, đặc biệt là triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, trên cơ sở các khung lý thuyết đã được nhiều nhà khoa học đưa ra, các chuyên gia cũng đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp theo quan điểm kiến tạo để hỗ trợ giáo viên và học sinh có thể sử dụng ChatGPT như một trợ lý chức năng trong quá trình dạy học.
Cũng dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng Giám đốc Edmicro khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận ChatGPT như là cơ hội để xây dựng, phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mang tính thuần Việt. Hiện nay, đã có nhiều cộng đồng trẻ đã và đang đầu tư vào các môn hình LLM thuần Việt. Đối với câu chuyện học tập cá nhân hoá, ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng: “Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề cá nhân hoá, nhưng không thể cá nhân hoá hàng triệu học sinh trên cả nước, vì vậy máy tính vẫn là cơ hội để thực hiện giấc mơ này. Học tập thích ứng dựa trên AI là nơi thể hiện rõ vai trò cá nhân hoá của người học”. Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Quốc Long - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cũng chia sẻ khá nhiều cơ hội cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mới của AI trong giáo dục bằng các mô hình, thuật toán công nghệ và xử lý dữ liệu lớn.
Đánh giá về mặt tích cực mà ChatGPT mang lại, GS.TS. Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc cho rằng, các hãng công nghệ đưa ra các công cụ cho người dùng sẽ phụ thuộc vào khả năng sử dụng thông thái và phù hợp của người dùng. Trong giảng dạy hay nghiên cứu, con người cần phải hiểu bản bất của công cụ và nó cung cấp dịch vụ ra sao. ChatGPT cũng chỉ là một chatbot, nó không đại diện cho AI và AI cũng chỉ là một trong những lĩnh vực của công nghệ số. Vì vậy, có thể sử dụng nhiều ứng dụng chatbot khác nhau cho những mục đích khác nhau và tránh việc “tin cậy hóa” hay tuyệt đối hóa các công cụ này.
Đối với đào tạo, PGS.TS Trần Văn Công - Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục) cho rằng, không dễ dàng để đặt câu hỏi rằng ChatGPT có tác động như thế nào đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn tâm lý trong trường đại học. Tuy nhiên PGS Công cũng chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và nguy cơ tiềm ẩn mà AI-GPT có thể tác động đến. AI-GPT có thể cung cấp tài nguyên nhanh và chính xác, tạo ra quy trình và công cụ đánh giá quá trình học tập của người học; đồng thời cải thiện các kỹ năng: viết luận, khả năng nghiên cứu, kỹ năng trình bày… AI-GPT cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ý tưởng nghiên cứu, dịch văn bản sang các ngôn ngữ khác nhau, có thể phân tích hoặc định hướng phân tích dữ liệu, tham khảo cách viết khoa học, viết sơ bộ tổng quan hoặc lý do chọn đề tài.
Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra đánh giá, PGS.TS Vũ Trọng Lưỡng - Khoa Quản trị chất lượng (Trường Đại học Giáo dục) trích dẫn một số báo cáo khoa học cập nhật nhất hồi tháng 02/2023 của tác giả Thomas K.F. Chiu và cộng sự liên quan đến việc ứng dụng AI trong kiểm tra đánh giá: “AI mang đến những ưu thế trong việc xây dựng các bài kiểm tra adaptive test phù hợp với năng lực và đặc điểm của người học; cung cấp hệ thống chấm điểm tự động với trắc nghiệm tự luận và trình diễn; cuối cùng là cung cấp dự đoán khả năng, năng lực của người học dựa trên dữ liệu thu được từ thái độ và biểu hiện học tập trên nền tảng trực tuyến”. AI cũng được ứng dụng trong tổ chức thi cử, giám sát gian lận, phát triển và chuẩn hoá câu hỏi thi trong lĩnh vực khảo thí… Song song với đó, PGS.TS Vũ Trọng Lưỡng cũng chỉ rõ những ứng dụng và hạn chế của AI trong kiểm tra đánh giá người học và lưu ý rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ mà không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người dạy trong quá trinh kiểm tra đánh giá người học.
Có thể nói rằng, tọa đàm là cơ hội để các nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục trao đổi, chia sẻ một vấn đề mới phát sinh có tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục và đào tạo. Về cơ bản, ý kiến của các đại biểu đều thống nhất nhìn nhận AI-GPT đem lại cơ hội cho giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, công cụ này cũng có nhiều thách thức và không thể thay thế vai trò của con người, đặc biệt là người thầy trong giáo dục và đào tạo.
VVH