Cường quốc công nghệ trong khu vực
Những năm 90 của thế kỷ XX, ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã bước vào đội ngũ các nước phát triển. Các chính sách KH&CN chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học Công nghệ và Thông tin Truyền thông, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông, Bộ Môi trường, Bộ Y tế. Đây là dự án đầu tiên lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực, như công nghiệp công nghệ thông tin, chất bán dẫn, thông tin truyền thông, năng lượng hạt nhân, công nghệ vũ trụ, hải dương...
Hiện nay, Hàn Quốc đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên sự tiếp nối những thành quả trước đó. Cuộc CMCN 4.0 ở Hàn Quốc là cuộc cách mạng về tích hợp ngành chế tạo với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Trọng tâm trong cuộc CMCN 4.0 là mạng internet vạn vật (IoT). Để tạo nên cuộc CMCN 4.0, cần rất nhiều yếu tố cấu thành, như cảm ứng thông minh, tự động hóa nhà xưởng, rô-bốt, xử lý dữ liệu lớn, trao đổi hàng hóa thông minh, bảo mật. Trong cuộc cách mạng mới này, tất cả các công đoạn, từ sản xuất tới phân phối, lưu thông hàng hóa, sẽ đều có những biến chuyển mang tính bước ngoặt.
Tại hội thảo, GS Kwon Ki-Seok, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hanbat cho biết, Đại học Quốc gia Hanbat được thành lập năm 1927 và là một trong những trường đại học công lập lâu đời nhất tại Hàn Quốc. Dựa trên phương châm “Chính trực, hài hòa và đổi mới”, Đại học Quốc gia Hanbat đang ở vị trí hàng đầu tại Daejeon về chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ứng dụng. Trường còn được mệnh danh là “cái nôi” đào tạo ra kỹ sư công nghệ trên cả nước. Đặc biệt, trường có nhiều chương trình đào tạo ở hệ đại học và sau đại học, giúp thỏa mãn nhu cầu học tập của sinh viên trong nước lẫn du học sinh quốc tế. Với 6 trường đại học trực thuộc, hơn 20 chuyên ngành, Đại học Quốc gia Hanbat được đánh giá là 1 trong những trường đại học tốt nhất cả nước.
GS Kwon Ki Seok cho biết thêm, cách đây hơn 60 năm, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã có những công nghệ hoàn thiện từ các nước phát triển thông qua việc tiếp thu công nghệ nước ngoài “trọn gói” để sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn và được chuẩn hóa. Việc đổi mới công nghệ ở giai đoạn này chủ yếu là bắt chước sao chép thông qua giải mã các thiết bị nhập khẩu, sự di chuyển của nhân lực hoặc học hỏi thông qua sản xuất, liên kết cùng với các công ty đa quốc gia dọc theo chuỗi cung ứng, trong đó hàng hóa tư bản nhập khẩu vượt xa các hàng hóa khác về mặt giá trị. Các thỏa thuận thầu phụ cũng là một kênh quan trọng để tiếp thu các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật quốc tế. Trong quá trình này, các tổ chức nghiên cứu công, chứ không phải các trường đại học, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ. Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) được thành lập vào thời kỳ này đã giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực đàm phán để có được những đổi mới của nước ngoài.
Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc dần làm chủ được việc bắt chước sao chép, sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước đang phát triển đi sau cùng với việc mức tiền lương trong nước tăng cao đã buộc các doanh nghiệp ở Hàn Quốc phải chuyển trọng tâm sang các công nghệ thâm dụng tri thức hơn. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển để tăng lợi thế trong đàm phán chuyển giao công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và phát triển các sản phẩm khác biệt và có giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển nghiên cứu tại các trường đại học. Chính phủ đã ban hành luật khuyến khích nghiên cứu cơ bản vào năm 1998 để nâng cao năng lực nghiên cứu trong các trường đại học trọng điểm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành chính sách hồi hương các nhà khoa học Hàn Quốc từ nước ngoài trở về nước làm việc.
Chia sẻ thêm về thành tựu công nghệ phần mềm ở Hàn Quốc, GS Hwang Gyung Ho - Giám đốc các dự án phần mềm xuất sắc quốc gia Trường Đại học Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Quốc gia Hanbat cho rằng, Hàn Quốc là cường quốc công nghệ hàng đầu không chỉ tại châu Á mà còn vươn tầm phạm vi toàn thế giới. Đây là quốc gia có nhiều sáng tạo trong công nghệ, phần mềm tiện ích và trong sản xuất máy vi tính. Nhắc đến công nghệ thì trên thế giới không thể không nhắc tới thương hiệu như Samsung, LG, Samyoung… Hàn Quốc vốn nổi tiếng là cường quốc về công nghệ thông tin, với nhiều sáng tạo về công nghệ, phần mềm tiện ích, và sản xuất máy vi tính. Hàn Quốc đã từng bỏ ra hơn 300 triệu USD để đầu tư cho việc phổ cập tin học tại các trường học. Công nghệ thông tin được sử dụng khá nhiều trong cuộc sống, giải trí và trong công việc của người Hàn Quốc, như một phần không thể nào thiếu được của đại đa số người dân Hàn Quốc, do đó chúng rất được coi trọng và được đầu tư nhiều. Thị trường Hàn Quốc nổi tiếng là nơi thử nghiệm những sản phẩm sử dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau như truyền thông, thiết bị điện tử, bán dẫn, công nghệ tin học và game. Một số công ty Hàn Quốc như Samsung, LG hay Huyndai Motor được coi là những thương hiệu nổi tiếng nhất nhì trên thế giới.
Kinh nghiệm hay để tham khảo và học tập
TS Bùi Huy Hải - Trưởng khoa Điện tử (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) khẳng định, sản xuất thông minh, nhà máy kỹ thuật số hay nhà máy thông minh là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong ngành công nghiệp sản xuất những năm gần đây. Những cụm từ này đều ngụ ý chỉ việc phát triển các nhà máy hay doanh nghiệp sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ, để vận hành và hoạt động một cách thông minh hơn. Nhà máy thông minh là sự phát triển vượt bậc từ một hệ thống sản xuất truyền thống sang một hệ thống sản xuất thông minh dựa trên dữ liệu - hệ thống có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục, thu thập từ các máy móc thiết bị sản xuất, đến các quy trình sản xuất và kinh doanh, với khả năng hỗ trợ nhân công đưa ra quyết định hoặc tự động thực hiện công việc. Thời đại số mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy thông minh như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như: IoT, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng robotics hay trí tuệ nhân tạo và học máy. Đặc biệt, sự phát triển về số lượng các thiết bị ứng dụng công nghệ cảm biến với mức giá phải chăng cũng là cơ sở để thúc đẩy xây dựng và phát triển nhà máy thông minh. Với những tiềm năng mang lại, thị trường nhà máy thông minh trên toàn cầu ước đạt 153,7 tỷ USD vào năm 2019 và con số này được dự báo sẽ tăng đạt mức 244,8 tỷ USD vào năm 2024.
Khẳng định mong muốn được tham khảo và học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, PGS.TS Nguyễn Hữu Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng, với những kinh nghiệm quý báu mà các chuyên gia của Đại học Quốc gia Hanbat đã chia sẻ, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghệ sẽ tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Trường trong thời gian tới. Hiện nay, quy mô đào tạo toàn trường là khoảng 15.000 sinh viên tại cả 2 khu vực Nam Định, Hà Nội với 3 giảng đường, trên 100 phòng học được trang bị thiết bị hỗ trợ giảng dạy chuyên dụng, hiện đại…, trong thời gian tới, trước yêu cầu phát triển và hội nhập, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp sẽ lên phương án để xây dựng công nghệ dạy - học tiên tiến trong một môi trường văn hóa chất lượng, tiếp tục mở rộng quy mô, trình độ, ngành nghề, loại hình đào tạo, phấn đấu phát triển chương trình đào tạo ở bậc đào tạo sau đại học các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trịnh Quốc Khanh