Thứ tư, 23/11/2022 13:34

Hướng đến phát triển đội ngũ người làm nông hiện đại

Nguyễn Duy Cần, Trần Ngọc Hải, Hà Thanh Toàn

Trường Đại học Cần Thơ

Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đề cập đến khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp” và “Làm nông hiện đại thì nông dân phải có tri thức”. Đây là các vấn đề có tính chất căn bản và chiến lược cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam và cũng là vấn đề được nêu ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bài viết chia sẻ những ý kiến của những người làm công tác quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao

Có thể thấy, thách thức về đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ là rất lớn. Số lượng người học các ngành nông nghiệp ngày càng ít, giới trẻ có xu hướng chọn nơi làm việc ở thành thị hơn là nông thôn. Xu hướng này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao - đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Đặc biệt, người lao động làm việc ở nông thôn sẽ chịu những áp lực rất lớn. CMCN 4.0 thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) vào nông nghiệp như: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0…, làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời giảm sức lao động con người. Điều này cũng dẫn đến áp lực thiếu lao động chất lượng cao và thừa lao động phổ thông, lao động tay chân. Trong tương lai gần, lao động nông thôn có thể bị mất việc làm do sự phát triển của robot và công nghệ tự động hóa ứng dụng trong sản xuất. Lao động nông thôn sẽ dịch chuyển dần sang những ngành/lĩnh vực mới, đòi hỏi phải có định hướng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ phù hợp. CMCN 4.0 sẽ làm mất dần những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới, gắn với đặc trưng của cuộc cách mạng này như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, số hóa, máy tính, an ninh mạng… CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa của Việt Nam đang còn quá ít. Điều này cho thấy, nhu cầu về nguồn lực lao động trong các lĩnh vực trên là rất cao. Tuy nhiên, việc có kế hoạch, chiến lược để đáp ứng nhu cầu từ dịch chuyển nguồn lao động nông thôn là một thách thức lớn, vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực lao động nông thôn chất lượng cao đáp ứng cho nền nông nghiệp tương lai.

Một nghiên cứu của Emi Yasuda và cộng sự (năm 2021) về “Nghề nghiệp và quan điểm về nghề nghiệp của sinh viên đang học tại Trường Đại học Cần Thơ” đã khảo sát trên 1.800 sinh viên chưa tốt nghiệp và 600 sinh viên đã tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, số sinh viên mong muốn làm việc ở thành thị chiếm 79,9%, số mong muốn về nông thôn chiếm 9,7%, chấp nhận đi nước ngoài là 8,3% và chỉ có số ít sẵn sàng nhận công việc ở bất cứ đâu (2,1%). Chọn nơi làm việc ở đâu cũng liên quan tới ngành nghề đang học và được định hướng từ đầu ngay khi chọn ngành, cụ thể sinh viên khối ngành kỹ thuật/nông nghiệp có xu hướng làm việc ở thành thị (76,9%) thấp hơn sinh viên khối ngành kinh tế, và làm việc ở nước ngoài (13,5%) cao hơn so với 2 khối ngành còn lại. Điều này cho thấy hầu hết giới trẻ ngày nay, ngay cả được đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp đều có xu hướng làm việc ở thành phố, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Điều này cũng cảnh báo cho sự thiếu hụt nguồn lực lao động nông nghiệp chất lượng cao ở vùng nông thôn. Xu hướng sinh viên nông nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường tự tạo việc làm, tự khởi nghiệp với ngành nghề đã học để trở thành người làm nông chuyên nghiệp là rất hiếm hoi. Khảo sát của Khoa Phát triển Nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) với 233 sinh viên sau khi ra trường 1 năm cho thấy, chỉ có 3% sinh viên tự tạo việc làm hay tự khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả này cho thấy xu thế sinh viên được đào tạo bài bản, đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp tiềm năng, tự tạo việc làm là rất thấp.

Một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến lao động việc làm nông thôn là Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Quyết định này đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo; tạo ra bước đột phá quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong công tác đào tạo nghề nhưng để trở thành người làm nông chuyên nghiệp là một thách thức lớn. Đào tạo nghề tại các địa phương, đặc biệt là nghề nông nghiệp còn quan tâm số lượng hơn là chất lượng và bất cập trong hỗ trợ xúc tiến việc làm, khởi nghiệp. Đào tạo nghề nông nghiệp hiện tại vẫn còn dựa trên nền tảng của nghề truyền thống, phương pháp truyền thống, chưa thật sự thay đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương còn thiếu định hướng chiến lược, chưa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; lao động được đào tạo thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn, các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp cũng như các dự án KH&CN trong nông nghiệp.

Phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp: Những giải pháp đề xuất

Việt Nam là nước nông nghiệp, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm,  bảo đảm an ninh lương thực của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước nhiều thách thức như: phương pháp sản xuất lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ mới/công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa, tình trạng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị và sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia trong khu vực. Do vậy, để hướng đến phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Chính phủ và các bộ/ngành liên quan cần có chính sách ưu tiên, cung cấp học bổng, kinh phí đào tạo và đầu tư cho các cơ sở đào tạo, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ở một số ngành then chốt. Điều này sẽ giúp các cơ sở đào tạo thu hút tuyển sinh các ngành nông nghiệp trở lại, qua đó đóng góp một cách gián tiếp hay trực tiếp vào sự phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp. Nếu không, đất nước có thể sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực này trong vài thập niên tới. Các tổ chức kinh tế - xã hội cũng cần ý thức và có trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp như cung cấp học bổng, tham gia hỗ trợ kinh phí đào tạo và đầu tư, hỗ trợ phương tiện thực hành, thực tập cho các cơ sở đào tạo, trường đại học.

Thứ hai: hướng nghiệp, giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông nghiệp là con đường mang tính chiến lược dài hạn. Cách đây 12 năm (năm 2010), Tổ chức SEARICE (Southeast Asia Regional Initiative for Community Empowerment - Sáng kiến Khu vực Đông Nam Á về Trao quyền cho cộng đồng) đã tổ chức “Hội nghị vùng về kết hợp bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên cây trồng vào giảng dạy trong trường học” trong bối cảnh giới trẻ xa rời nông nghiệp, nhiều trường đại học ở Thái Lan và Philippines không có sinh viên học các ngành nông nghiệp, trong khi các ngành kinh tế, máy tính, y tế và khoa học xã hội lại dư thừa. Để khắc phục tình trạng trên, Thái Lan đã có sáng kiến hướng nghiệp rất sớm cho học sinh. Đưa giáo dục nông nghiệp vào chương trình hướng nghiệp cho học sinh trung học (tổ chức cho các em sưu tập các nguồn gen cây trồng, mở lớp học trên đồng ruộng...). Các nhà giáo dục tin rằng, những hoạt động hướng nghiệp đích thực này sẽ giúp cho học sinh quý trọng nông nghiệp, yêu quý quê hương và có trách nhiệm với quê hương, cộng đồng. Họ cũng tin rằng nhiều học sinh được hướng nghiệp sẽ chọn ngành nông nghiệp và sau khi ra trường sẽ phục vụ cho sự phát triển của quê hương họ. Một số trường đại học của Philippines đã đưa các hoạt động bảo tồn và cải thiện nguồn gen cây trồng vào chương trình đào tạo chính quy. Cách làm này giống như Trường Đại học Cần Thơ (do GS Võ Tòng Xuân khởi xướng) đã giúp sinh viên ngành trồng trọt sưu tập các giống lúa bản địa. Hiện nay Trường Đại học Cần Thơ đã có ngân hàng gen về giống lúa với hàng ngàn giống quý hiếm được bảo tồn. Nhiều thế hệ sinh viên rất tự hào và yêu nghề hơn vì đã được tham gia vào chương trình này.

Thứ ba: đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng là con đường góp phần hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp. Có thể nói đây là giải pháp khả thi hướng đến tri thức hóa nông dân - phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp bởi vì nông dân được cung cấp kiến thức, kỹ năng làm nông một cách trực tiếp. Song song đó cần giải quyết các tồn đọng của công tác đào tạo nghề nông thôn, quan tâm hơn về chất lượng, chú trọng việc hỗ trợ xúc tiến việc làm, khởi nghiệp sau đào tạo. Đào tạo nghề nông nghiệp hướng đến nông dân chuyên nghiệp phải thay đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương cần định hướng chiến lược, ngành nghề nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, có thể tập trung đào tạo các ngành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp gắn với du lịch...

Thứ tư: xuất khẩu lao động nông nghiệp cũng là kênh phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp. Hiện tại xuất khẩu lao động thiếu định hướng cho ngành nghề nông nghiệp, đặc biệt là lao động phổ thông. Xuất khẩu lao động cần có chiến lược tốt hơn để lực lượng lao động này học tập các kinh nghiệm, tiến bộ KH&CN để trở về phát triển kinh tế đất nước.

*

*              *

Thực tế cho thấy, mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa trong từng quy trình sản xuất hiện nay đã được bà con nông dân từng bước tiếp cận. Theo các đánh giá của ngành nông nghiệp, vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ sinh thái để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Một trong những phương pháp nâng cao tính chuyên nghiệp chính là cách chia sẻ tri thức cho nông dân, bắt đầu từ những tri thức nhỏ như cách làm giống, cách thu hoạch, tiến đến hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ điện tử cho người nông dân áp dụng. Phải khẳng định rằng, không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, không có nông dân chuyên nghiệp thì không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Đây là xu thế tất yếu của tiến trình chuyển đổi nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)