Chủ nhật, 20/11/2022 15:42

Đổi mới nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp cận tuần hoàn và khuyến nghị giải pháp

TS Nguyễn Minh Quang1, TS Lê Minh Tú2, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân2, TS Đặng Quang Thịnh3, TS Hans Hendriks4

1Trường Đại học Cần Thơ

2Viện nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh)

3Trung tâm nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu)

4Millennium Bio-Energy (Hà Lan)

Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) được cho là sẽ mang lại nhiều tác động to lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, đóng góp vào ít nhất 10/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc áp dụng các giải pháp KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất và giải quyết các thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phát thải khí nhà kính và BĐKH

Phát thải khí nhà kính (KNK) từ hoạt động sản xuất của con người được cho là nguyên nhân chính gây ra sự ấm lên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ XX đến nay. Ở mỗi nước, lượng phát thải KNK sẽ khác biệt giữa các lĩnh vực, nhưng các báo cáo quốc gia đều cho thấy, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có đóng góp phát thải KNK nhiều nhất. Dù lượng phát thải KNK ở Việt Nam còn ở mức thấp, nhưng cũng đang tăng mạnh, trung bình 12%/năm trong gần 2 thập niên qua, với cường độ phát thải CO2 ở mức gần gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Trong đó, phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 20%, chỉ xếp sau công nghiệp năng lượng (65,76%). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nguồn phát thải KNK chủ yếu trong nông nghiệp ở Việt Nam đến từ sản xuất lúa (khoảng ≈50%), chăn nuôi (≈10%), sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (≈10%), phát thải trực tiếp và gián tiếp từ việc khai hoang đất nông nghiệp (≈25%). Mức đóng góp KNK, nhất là khí methan trong trồng trọt đang có xu hướng tăng do hoạt động thâm canh và siêu thâm canh ngày càng phổ biến.

Điều đáng nói là Việt Nam cũng là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH. Cập nhật kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, với sự gia tăng nhiệt độ trung bình 2-3°C và mực nước biển tăng 78-100 cm vào cuối thế kỷ này, ĐBSCL có thể bị ngập vĩnh viễn khoảng 39% diện tích, giảm 40% sản lượng lúa, nhất là các tỉnh ven biển từ Tiền Giang đến Cà Mau và Kiên Giang.

Khi môi trường bị biến đổi, nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên. Đã có gần 1,1 triệu người ở ĐBSCL được cho là đã di cư đến các tỉnh ở Đông Nam Bộ, tương đương với quy mô gia tăng dân số tự nhiên của cả vùng trong 10 năm qua. Trong đó, tác động của BĐKH được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự di cư này. Trong khi nhiều người phải di cư, những người ở lại có xu hướng lựa chọn mọi giải pháp trong khả năng để duy trì sinh kế. Tăng cường sử dụng phân bón, hóa chất, chuyển đổi loại hình sản xuất là giải pháp phổ biến. Tuy vậy, các giải pháp này đang gia tăng áp lực lên môi trường và chưa chứng minh được tính bền vững. Kể cả một số giải pháp được cho là tiên tiến như nhà kính/nhà lưới, thủy canh/khí canh... cũng đang bộc lộ những mặt trái như ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm hạt vi nhựa, gia tăng hiệu ứng nhà kính và tăng áp lực tiêu thụ năng lượng.

Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cùng các nhà khoa học cho rằng, BĐKH có bản chất liên ngành, mang tính toàn cầu, nhưng biểu hiện và tác động cụ thể ở cấp độ địa phương. Vì vậy, ứng phó BĐKH cần bắt đầu từ cấp độ địa phương, cụ thể là cộng đồng nông dân. Nông dân vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên của BĐKH nhưng đồng thời có đóng góp phát thải KNK hàng đầu thông qua các hoạt động sinh kế nông nghiệp. Chính vì vậy, các quan điểm quốc tế về ứng phó BĐKH nhấn mạnh sự kết hợp giữa giải pháp chính sách giảm thiểu quy mô của BĐKH (tức giảm thiểu và tiến tới phát thải ròng bằng “0” trong sản xuất) với giải pháp hạn chế nguy cơ tác động và tận dụng được cơ hội từ BĐKH.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã kịp thời nhìn nhận vấn đề này và kêu gọi thúc đẩy cách tiếp cận mới trong xây dựng các giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong vùng. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP, Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) phối hợp với các tổ chức (Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn - ICED, Tổ chức nước Hà Lan - TWA và một số đối tác) thực hiện nghiên cứu xây dựng cở sở lý thuyết cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL.

Đề xuất mô hình “làng tuần hoàn thích ứng BĐKH”

Theo Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, KTTH là mô hình phát triển bền vững dựa trên mục tiêu tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Việc áp dụng các mô hình KTTH dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: (i) Tái tạo các hệ thống tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; (ii) Giữ lại sản phẩm và vật liệu đã được sử dụng bằng cách tuần hoàn chúng thông qua các chu trình kỹ thuật và sinh học; (iii) Thiết kế dựa trên việc tái chế chất thải và giảm ô nhiễm.

Việc chuyển đổi sang nền KTTH đòi hỏi nhiều giải pháp về quản lý, tài chính, kỹ thuật và sự đóng góp của tất cả các bên liên quan (nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học). Ngày 7/6/2022, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai các giải pháp KTTH cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương ở Việt Nam trong thời gian tới. Để triển khai các giải pháp phát triển KTTH, một khái niệm mang tính tương đối mới mà chúng tôi đề xuất là “làng tuần hoàn thích ứng BĐKH” để chỉ mô hình đổi mới sản xuất nông nghiệp ở một cộng đồng nông thôn, không giới hạn về phạm vi địa lý hoặc ranh giới hành chính. Trong đó, các nông hộ sản xuất nhỏ liên kết với nhau và với các đối tác khác (viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng giải pháp...) để áp dụng kết hợp nhiều giải pháp tiên tiến dựa trên các nguyên tắc của KTTH nhằm đạt được các mục tiêu “cộng đồng bền vững” trong khi hạn chế tối đa KNK. Trong cộng đồng này, các nông hộ là chủ thể trung tâm vận hành các giải pháp sản xuất. Các giải pháp được lựa chọn áp dụng có tính gắn kết và bổ trợ lẫn nhau theo nguyên tắc “tuần hoàn” để đảm bảo rằng phụ phẩm của quy trình này sẽ là nguyên liệu đầu vào của quy trình tiếp theo hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của cộng đồng đó, hoặc thậm chí có thể kết nối với chuỗi sản xuất bên ngoài cộng đồng. Các nguyên tắc xây dựng mô hình “làng tuần hoàn” bao gồm: cộng đồng nông dân là trung tâm, nông dân được chuyển giao và vận hành các giải pháp sản xuất và công nghệ; các giải pháp sản xuất và công nghệ cần tuân theo các nguyên tắc KTTH và khuyến khích khả năng gắn kết và bổ trợ cho nhau để giải quyết các vấn đề an ninh môi trường - năng lượng - lương thực; học tập chuyển đổi là tiếp cận nền tảng xuyên suốt trong cộng đồng: nông dân học tập và tiếp nhận giải pháp mới từ đơn vị nghiên cứu và cung cấp công nghệ…

Sơ đồ mô phỏng phân bố các giải pháp trong mô hình “làng tuần hoàn thích ứng BĐKH”.

Thay lời kết

Sau gần 2 thập niên hoàn thiện đê bao và hạ tầng tưới tiêu, cùng với tác động tích cực của chương trình nông thôn mới, đời sống của người dân ở ĐBSCL đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, các mô hình sinh kế hiện tại đang bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức cần phải đổi mới, bao gồm suy thoái môi trường do tập quán sản xuất thiếu bền vững và phát thải nhiều KNK, xu hướng già hóa dân số trong nông nghiệp và một số tồn tại trong chính sách hỗ trợ hiện tại. Việc chuyển đổi mô hình sinh kế hiện nay chủ yếu do áp lực về thị trường và thu nhập, nên phương thức sản xuất vẫn mang tính cục bộ và thiếu bền vững. Chính vì vậy, sự thay đổi này không mang ý nghĩa cho việc cải thiện các nguồn lực sinh kế của nông dân cũng như nỗ lực cắt giảm phát thải KNK trong nông nghiệp. Nông dân và chính quyền địa phương hiểu rõ sự cần thiết của đổi mới sản xuất theo hướng bền vững, nhưng đối mới theo mô hình nào? Những công nghệ - kỹ thuật cụ thể và thật sự cần thiết là gì? Nguyên tắc tiếp cận nào nên được áp dụng?... là những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng để đảm bảo việc áp dụng các giải pháp cho nhu cầu này không gây tác động tiêu cực lên nhu cầu khác hoặc đe dọa sự phát triển bền vững. Tiếp cận tuần hoàn trong đổi mới nông nghiệp có thể là một câu trả lời cho các vấn đề trên. Việc đổi mới nông nghiệp cần bắt đầu bằng các mô hình sản xuất cắt giảm phát thải KNK có thể chứng minh được tiềm năng về thị trường và sự ổn định lớn hơn các mô hình hiện có của nông dân. Nông dân có động lực mạnh mẽ cho đổi mới sinh kế chỉ khi các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận) và tính ổn định về thị trường được đảm bảo. Do đó, mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn như “Làng tuần hoàn thích ứng BĐKH” có triển vọng thu hút sự tham gia của nông dân cao bởi nó đáp ứng các yêu cầu của nông dân trong đổi mới sinh kế: chi phí đầu tư thấp (do có sự đồng hành của doanh nghiệp công nghệ và tính chất tái sử dụng tài nguyên trong quy trình sản xuất), giá trị cạnh tranh của sản phẩm rất cao (do sản xuất theo hướng hữu cơ và ít phát thải KNK), thị trường tiêu thụ bền vững, thân thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng, và nông dân là trung tâm trực tiếp nhận chuyển giao và vận hành các giải pháp công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.ipcc.ch/sr15/chapter/chapter-1/.

2. https://www.carbonbrief.org/analysis-why-scientists-think-100-of-global-warming-is-due-to-humans.

3. https://www.epa.gov/ghgemissions/sources-greenhouse-gas-emissions

4. https://www.ccacoalition.org/en/activity/supporting-mrv-systems-vietnam%E2%80%99s-rice-sector.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Kịch bản BĐKH, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

6. https://doi.org/10.1080/23311843.2020.1792670.

7. Nguyễn Minh Quang (2020), “Quản trị khí hậu ở Việt Nam: Những vấn đề cần xem xét?”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 5A, tr.25-29.

8. J. Marotzke, D. Semmann, M. Milinski (2020), “The economic interaction between climate change mitigation, climate migration and poverty”, Nature Climate Change, 10(6), pp.518-525.

9. https://doi.org/10.3389/fsufs.2020.518039.

10. https://www.worldbank.org/en/topic/climate-smart-agriculture.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)