Chủ nhật, 20/11/2022 15:47

Xu hướng phát triển trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam

Châu Thị Tâm1, Nguyễn Thị Thu Hoài2

1Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

2Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Trước những tác động nghiêm trọng của môi trường đến sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển thị trường vốn xanh nhằm tài trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường đã được Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên thực hiện. Việc xây dựng khung pháp lý về việc ban hành trái phiếu xanh (TPX) chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy thị trường TPX phát triển. Đây là công cụ hữu hiệu quan trọng huy động vốn nhằm thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các dự án bảo vệ môi trường bền vững tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra các giải pháp để hoàn thiện, phát triển vấn đề này trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia là rất quan trọng và cấp thiết.

Mô hình phát triển TPX tại một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, TPX đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kéo giảm và thích ứng với biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải.

Tại Hàn Quốc, quốc gia này hướng tới phát triển nền kinh tế xanh toàn diện thay vì chỉ chú trọng phát triển TPX để huy động vốn. Theo đó, Hàn Quốc phát triển 7 mô hình, liên quan đến 7 lĩnh vực khác nhau trong đời sống, mà các lĩnh vực này đều ảnh hưởng  lớn đến các vấn đề môi trường, gồm có:

Thứ nhất, xã hội cacbon thấp: mô hình nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhưng phải trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nhất định để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Con đường xã hội cacbon thấp đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho các lĩnh vực xanh khác phát triển.

Thứ hai, tái tạo năng lượng: năng lượng tái tạo đã thu hút được sự chú ý của chính phủ vì nó được coi là một giải pháp cho vấn đề phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mất an ninh năng lượng. Trong quá trình đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu của nền kinh tế, việc sử dụng những năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo phát triển kinh tế và đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Để thúc đẩy tái tạo năng lượng, Hàn Quốc đã ban hành những chính sách giảm thuế đối với các công ty tham gia sử dụng năng lượng sạch vào sản xuất. Điều này góp phần phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo trật tự an ninh năng lượng và khắc phục các vấn đề môi trường.

Thứ ba, công nghệ xanh: chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra rằng, đổi mới công nghệ là chìa khóa để hiện thực hóa các tham vọng về năng lượng, là chìa khóa thành công trong việc giảm phát thải. Do đó, quốc gia này đã và đang tiến hành đầu tư vào công nghệ để thúc đẩy kinh tế xanh trên diện rộng.

Thứ tư, lối sống xanh: là cách sống nhận ra được sự nghiêm trọng của suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó tạo ra bộ tích hợp các thông lệ và thói quen sử dụng tài nguyên một cách thân thiện, bền vững với môi trường. Các chương trình và hành động chính sách nhằm thúc đẩy lối sống xanh gồm có mua sắm xanh và tiêu dùng xanh, chứng nhận cửa hàng xanh, thỏa thuận tự nguyện mua sắm xanh, dán nhãn và tích điểm cacbon và cuối cùng là lãnh đạo xanh.

Thứ năm, công nghiệp xanh: chiến lược ngành công nghiệp xanh của Hàn Quốc bao gồm 2 hợp phần là xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có và tạo ra ngành công nghiệp xanh mới cung cấp hàng hóa, dịch vụ về môi trường. Hiện tại, chính phủ Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và theo đổi công nghiệp xanh, bởi đây là một lĩnh vực rủi ro, nhiều biến động, thời gian thu hồi vốn thường kéo dài trong nhiều năm. Do đó, chứng chỉ xanh và công cụ tài chính xanh như TPX đang phát triển một cách hạn chế ở Hàn Quốc.

Cuối cùng, giao thông xanh và đất nước xanh: chính phủ Hàn Quốc hướng tới cắt giảm khí thải độc hại từ xã hội cơ giới hóa, xây dựng môi trường thân thiện trong khu dân cư đông đúc. Kế hoạch này bao gồm xanh hóa đất nước và các thành phố; mở rộng không  gian sinh thái; thúc đẩy xây dựng các tòa nhà xanh; thiết lập một hệ thống giao thông xanh và tạo điều kiện sử dụng xe đạp.

TPX đang là xu hướng lớn của thị trường vốn thế giới.

Tại Trung Quốc, ngay từ năm 2015, quốc gia này đã ban hành các văn bản liên quan đến TPX. Sau đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành Chỉ thị về TPX, quy định các nội dung: i) Khái niệm TPX; ii) Danh mục các ngành mà TPX tài trợ; iii) Những chủ thể được phép phát hành TPX; iv) Thủ tục đề nghị được phát hành TPX; v) Các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành TPX; vi) Các biện pháp hỗ trợ phát triển TPX. Chỉ thị về TPX đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về trái phiếu, thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh, tạo cơ hội để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có thể huy động được thêm nguồn vốn để hỗ trợ các dự án môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích điều chỉnh việc đánh giá và chứng nhận TPX, nâng cao chất lượng đánh giá, chứng nhận TPX và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường TPX. PBoC và Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc ban hành Thông báo về “Hướng dẫn đánh giá và chứng nhận TPX”. Thông báo này đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của TPX trên thực tế, là cơ chế đảm bảo đầu tiên của việc đánh giá và công nhận TPX. Theo đó, công việc đánh giá và công nhận phải đáp ứng đủ các điều kiện và được thực hiện đúng các quy trình mà văn bản này đã đề ra. Thông qua văn bản này, quy trình phát hành, huy động vốn từ TPX sẽ phát triển và thúc đẩy, tinh gọn và hạn chế những loại TPX không được phép phát hành, giảm gánh nặng, sức ép công việc cho Ủy ban tiêu chuẩn TPX.

Singapore coi TPX đóng vai trò là công cụ hành chính hữu hiệu. Nước này đã lập ra các kế hoạch dài hạn để tiến hành thúc đẩy xanh toàn diện, trong  đó, TPX là một trong những công cụ tài chính giúp huy động vốn toàn dân. Chính phủ nước này không tập trung cao độ hay ban hành những văn bản pháp luật cụ thể liên quan đến TPX, mà họ xem xét TPX như là một loại trái phiếu thông thường đầu tư vào lĩnh vực xanh do Nhà nước thiết kế, tại đây người dân có thể lựa chọn đầu tư nếu họ có mong muốn nhận tiền lãi cố định và có được sự bảo đảm bằng tài sản của các tổ chức phát hành.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về TPX tại Việt Nam

Từ kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển về lĩnh vực này, để hoạt động phát hành trái phiếu tại Việt Nam được hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, hoàn thiện khung chính sách tài chính xanh: trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, Chính phủ Việt Nam cần ban hành các văn bản cụ thể quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định TPX, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành, quản lý và sử dụng nguồn vốn hình thành từ TPX để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá các công ty phát triển bền vững nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho TPX.

Hai là, cần ban hành một thông tư liên tịch với sự kết hợp của nhiều bộ, ngành để tổng hợp những hướng dẫn, quy định liên quan đến TPX. Đồng  thời, cần tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cũng như khuôn khổ chính sách và cơ chế quản lý thị trường đối với TPX. Hiện nay, khung pháp lý cơ bản về TPX của Việt Nam chưa hoàn thiện và thống nhất, do đó, việc tổng kết pháp luật là rất cần thiết để tiến hành điều chỉnh thiếu sót cũng như giải quyết những nội dung chồng chéo. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hợp nhất như đã đề xuất là rất quan trọng, điều này sẽ tạo ra được cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ để giúp các chủ thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, theo dõi, tìm hiểu và triển khai thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả các yêu cầu pháp lý đặt ra về TPX.

Việt Nam nỗ lực bắt nhịp với kỷ nguyên tài chính xanh toàn cầu.

Ba là, cần phát triển các cơ sở hạ tầng và các định chế trung gian của thị trường nhằm xúc tiến TPX. Bên cạnh đó, phải thể hiện tính hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế về TPX khi tiến hành thúc đẩy thị trường. Ban hành chính sách ưu đãi về TPX để khuyến khích phát hành và thu hút các nhà đầu tư, tạo nên mối quan hệ cung - cầu trên thị trường   chứng khoán, mà tại đó, TPX là một kênh đầu tư mới với mức lãi suất hấp dẫn hoặc các chính sách ưu đãi kèm theo. Các chính sách về ưu đãi thuế, phí cho các nhà phát hành và đầu tư TPX có thể tạo động lực thúc đẩy thị trường TPX ở Việt Nam.

Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm TPX với những mục đích và ưu đãi khác nhau để tổ chức phát hành và nhà đầu tư có thể tự do cân nhắc, lựa chọn danh mục phát hành và đầu tư phù hợp với mình. Một thị trường nên có nhiều sản phẩm để thu hút và thúc đẩy giao dịch. Từ đó, thị trường TPX ở Việt Nam sẽ trở nên sôi động và phát triển.

Năm là, Chính phủ cần tiến hành liên kết với các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Thế giới để được hướng dẫn thực hiện phát hành và phát triển TPX trên  thị trường. Sau khi được công nhận và tin tưởng, Nhà nước cần thúc đẩy phát hành TPX quốc tế nhằm kêu gọi những nguồn đầu tư lớn mạnh. Đồng thời, tăng cường vai trò trung gian của ngân hàng trong việc phát hành và quản lý TPX do các điều kiện thuận lợi như xếp hạng tín dụng cao và bộ máy quản trị chuyên nghiệp. Hiện nay, hầu hết các dự án xanh được thực hiện ở các nước đang phát triển có quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu quy mô tối thiểu của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới, do đó, việc gộp các dự án quy mô nhỏ, sử dụng các ngân hàng làm trung gian huy động có thể đạt được các điều khoản tài trợ có lợi hơn đối với các dự án xanh.

Trong bối cảnh Việt Nam từng bước tiến hành các chuyển đổi quan trọng trong vấn đề bảo bệ môi trường, TPX là chế định quan trọng nhằm kêu gọi nguồn vốn huy động trên thị trường tài chính với mục đích thúc đẩy những dự án nhằm phát triển bền vững. Do đó, TPX có những đặc điểm riêng biệt  và quá trình phát hành, triển khai TPX trên thực tế cần có những quy định thống nhất, rõ ràng, mang tính chuyên ngành để điều chỉnh một cách phù hợp. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho những quy định về TPX nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay là điều quan trọng và cấp thiết.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)