Trước đây, với các mẫu mô, người ta thường tầm soát ung thư bằng cách tìm kiếm các tế bào ác tính và khối u bằng mắt thường và kính hiển vi. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khó phát hiện ra các tế bào lành tính xung quanh có chứa các đột biến tương tự, điều này có thể biến chúng thành tế bào ung thư sau này. Do đó, xác định sự chuyển đổi từ mô lành tính sang ác tính là điều cơ bản khi chẩn đoán sớm ung thư.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã sử dụng thành công phương pháp phiên mã không gian để phát hiện những thay đổi di truyền, tương tự như những thay đổi trong tế bào ung thư. “Đây quả là một điều bất ngờ. Bạn sẽ không thấy được những sự thay đổi này nếu chỉ nhìn bằng kính hiển vi thông thường. Chúng tôi đang nhìn thấy những thứ bên ngoài khối u và điều thú vị là chúng tôi có thể hiểu được sự tiến hóa từ mô khỏe mạnh đến hình thành khối u”, GS Joakim Lundeberg - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Hình ảnh qua kính hiển vi của các tế bào ung thư trong mô tuyến tiền liệt (nguồn: kth.se).
Phiên mã không gian khác hẳn với lấy mẫu mô học (hay tế bào học). Mẫu mô được kiểm tra trực quan bằng kính hiển vi, sau đó được nhà giải phẫu bệnh học đánh giá. GS Lundeberg - đồng tác giả nói: “Điều đó giống như việc chỉ tập trung vào khối u mà không tập trung vào các khu vực xung quanh và đó là một kiểu khoa học rất chủ quan. Ngược lại, phiên mã không gian rất khách quan và khảo sát rộng hơn nhiều so với kính hiển vi. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khảo sát hơn 120.000 mẫu mỗ ở nhiều cơ quan (cả mô lành tính lẫn mô ác tính) để tìm kiếm những đột biến gen. Nhiều mẫu mà trước đây đã được cho là có liên quan đến ung thư, đã được tìm thấy ở các mô lành tính.
Nghiên cứu này đưa ra một mô hình mới về cách thức mà sự không ổn định của hệ gen có thể phát sinh trong mô lành tính về mặt mô học, bước đầu tiên xảy ra trong quá trình tiến triển ung thư. Phát hiện này mang lại ý nghĩa to lớn trong việc chẩn đoán sớm và điều trị ung thư.
Đặng Xuân Thắng (Theo Nature)