Thứ ba, 11/10/2022 09:20
Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022 vinh danh các nghiên cứu nổi bật về ngân hàng và khủng hoảng tài chính
Ngày 10/10/2022, Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022 đã được trao cho TS Ben S. Bernanke (sinh năm 1953, người Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Brookings, Mỹ), GS Douglas W. Diamond (sinh năm 1953, người Mỹ, hiện đang làm việc tại Đại học Chicago, Mỹ) và GS Philip H. Dybvig (sinh năm 1955, người Mỹ, hiện đang làm việc tại Đại học Washington, Mỹ) vì những nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính. Các phân tích của họ đóng vai trò quan trọng trong điều tiết thị trường tài chính và đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.
Để nền kinh tế vận hành, tiết kiệm phải được chuyển sang các kênh đầu tư. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn giữa những người gửi tiết kiệm muốn ngay lập tức rút tiền trong trường hợp phải chi tiêu bất ngờ, trong khi các doanh nghiệp và người vay vốn cần biết rằng họ sẽ không bị buộc phải trả nợ trước hạn. Nghiên cứu của GS Douglas W. Diamond và GS Philip H. Dybvig đã chỉ ra cách các ngân hàng đưa ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này bằng cách đóng vai trò trung gian chấp nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền tiếp cận tiền ngay khi họ muốn, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn cho người đi vay. Trong vai trò trung gian, các ngân hàng sẽ đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay và đảm bảo rằng các khoản vay đó được sử dụng để đầu tư có hiệu quả.
Tuy nhiên, phân tích của 2 GS cũng cho thấy ảnh hưởng của việc tất toán tiết kiệm tức thời và các khoản vay dài hạn sẽ khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn tiêu cực. Cụ thể, nếu một lượng lớn người gửi tiết kiệm đồng thời yêu cầu rút tiền có thể khiến ngân hàng bị sụp đổ. Tuy vậy, những mối nguy hiểm này có thể được ngăn chặn bằng việc chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi và hoạt động như một người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng.
Trong khi đó, TS Ben S. Bernanke được vinh danh vì đã phân tích về cuộc đại suy thoái những năm 1930 - cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, qua đó cho thấy hoạt động của các ngân hàng là nhân tố quyết định khiến cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn.
Các chủ nhân của Giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay đã giúp chúng ta nâng cao hiểu biết về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính. Một phát hiện quan trọng trong nghiên cứu của họ là về tầm quan trọng của việc tránh sụp đổ các ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay đánh giá: Những kết quả nghiên cứu của các chủ nhân giải thưởng năm nay đã giúp chúng ta cải thiện khả năng tránh những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và các khoản cứu trợ đắt đỏ.
Bắc Lê (Theo The Nobel Prize)