“Thời khắc lịch sử đối với truyền thông khoa học”
Ngày 25/8/2022, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Hoa Kỳ đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan liên bang về việc đảm bảo các bài báo khoa học có nguồn gốc từ những nghiên cứu do họ tài trợ phải được cung cấp miễn phí ngay sau khi xuất bản. Yêu cầu này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2025. Các cơ quan liên bang có hơn 100 triệu USD chi tiêu cho R&D hàng năm phải lập kế hoạch trong vòng 180 ngày về việc tuân thủ chính sách mới. Tất cả các cơ quan liên bang khác phải có kế hoạch trong vòng 360 ngày. Bản nêu trên cũng bao gồm các hướng dẫn để cải thiện tính minh bạch về quyền tác giả, tài trợ, liên kết và tình trạng phát triển của nghiên cứu do liên bang tài trợ. Alondra Nelson - người đứng đầu OSTP, cho biết: “Người dân Hoa Kỳ tài trợ hàng chục tỷ USD cho các nghiên cứu mới mỗi năm thông qua việc đóng thuế. Do đó, không nên có sự chậm trễ hoặc rào cản giữa công chúng và lợi ích từ các khoản đầu tư mà họ đã bỏ ra”.
Một ước tính của OSTP vào năm 2020 cho thấy, các quỹ nghiên cứu liên bang của Hoa Kỳ đã hỗ trợ từ 195.000 đến 263.000 bài báo khoa học được xuất bản. Theo Tạp chí Science, con số này chiếm 7-9% trong tổng số 2,9 triệu bài báo khoa học được xuất bản trên toàn thế giới trong năm đó. Như vậy, khi chính sách mới của OSTP có hiệu lực, không chỉ công dân Hoa Kỳ được hưởng lợi mà công chúng bên ngoài biên giới nước này cũng sẽ được tiếp cận nguồn tài nguyên học thuật lớn mà không mất phí.
Hướng dẫn mới của OSTP được xây dựng dựa trên các chính sách tiếp cận công cộng của Hoa Kỳ có từ gần hai thập kỷ trước. Năm 2008, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) - đơn vị tài trợ chính cho các nghiên cứu y sinh, đã yêu cầu những người nhận tài trợ của mình gửi các nghiên cứu của họ vào một kho lưu trữ công cộng trong vòng một năm sau khi xuất bản. 5 năm sau (2013), chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mở rộng yêu cầu này đối với các nhà khoa học nhận tiền từ 20 cơ quan liên bang. Theo chính sách này, hơn 8 triệu ấn phẩm học thuật đã được cung cấp miễn phí và chúng thu hút tới trên 3 triệu lượt truy cập mỗi ngày.
Việc công chúng có thể tăng tốc độ tiếp cận với các nghiên cứu do chính phủ tài trợ là phù hợp với xu thế khoa học mở.
Văn bản mới của OSTP đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, nhà xuất bản, các thư viện… Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau đó, Hiệp hội các thư viện nghiên cứu Hoa Kỳ khẳng định: Quyết định của OSTP là một “thời khắc lịch sử đối với truyền thông khoa học” và “việc công chúng có thể tăng tốc độ tiếp cận với các nghiên cứu do chính phủ tài trợ là phù hợp với xu thế khoa học mở, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết những thách thức toàn cầu như sức khỏe, khí hậu và bất bình đẳng kinh tế”. Văn bản này cũng được hy vọng là sẽ có tính xúc tác cho nhiều thay đổi sắp tới về chính sách khoa học và công nghệ toàn cầu. Nó cũng đặc biệt phù hợp với khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO được thông qua vào năm 2021.
Nguồn thu khổng lồ của ngành xuất bản học thuật
Với nguồn doanh thu khổng lồ hàng chục tỷ USD, ngành xuất bản học thuật được coi là ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao (trung bình từ 30-40%). Thị trường xuất bản học thuật phần lớn được thống trị bởi 5 nhà xuất bản lớn: Elsevier, Black & Wiley, Taylor & Francis, Springer Nature và SAGE. Trong đó Elsevier là tập đoàn lớn nhất, chiếm khoảng 16% tổng thị trường với hơn 3.000 tạp chí học thuật. Tỷ suất lợi nhuận của Elsevier đạt gần 40%, cao hơn so với các công ty như Microsoft, Google và Coca Cola.
Những khoản lợi nhuận khổng lồ này hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Hãy so sánh một tạp chí khoa học với một tờ báo truyền thống (thường có tỷ suất lợi nhuận từ 10-15%). Một tờ báo phải chịu chi phí tiền lương cho các nhà báo, biên tập viên và họa sĩ đồ họa, cũng như chi phí cho việc nghiên cứu, đi thực tế, in ấn và phát hành. Tất cả các chi phí này sẽ được thu lại thông qua việc bán báo và quảng cáo. Trong khi đó, các tạp chí học thuật đã xoay chuyển tình thế một cách khéo léo. Việc sản xuất nội dung được chi trả bởi quỹ nghiên cứu, trong đó có cả tiền lương của các nhà nghiên cứu và các chi phí đáng kể liên quan đến việc thực hiện nghiên cứu. Các biên tập viên thường chỉ làm việc với mức lương thấp mang tính tượng trưng (một số nơi là miễn phí); việc đánh giá ngang hàng cũng là công việc tự nguyện, không được trả thù lao. Hiện nay quyền truy cập với các bài báo khoa học hầu hết thông qua kỹ thuật số nên hầu như không mất chi phí in ấn. Có lẽ, chi phí thực duy nhất phát sinh ở việc thiết kế đồ họa của bài báo mà thôi.
Thật dễ dàng để thấy rằng, nhiều chính phủ đang tài trợ cho tất cả các giai đoạn nghiên cứu, nhưng sau đó lại phải trả tiền để có thể tiếp cận các kết quả nghiên cứu này. Nghịch lý ấy đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia. Một cơ sở dữ liệu thứ nguyên cho thấy, khoảng 58% trong số gần 140.000 bài báo học thuật được xuất bản vào năm 2020 bởi các nhà nghiên cứu Canada đã được xuất bản chỉ với 8 nhà xuất bản thương mại lớn: Elsevier, Springer Nature, Wiley, Taylor & Francis, Sage Publications, MDPI và Frontiers. Hơn nữa, gần 27% các bài báo này đã được xuất bản dưới dạng truy cập mở có tính phí. Nếu lấy mức phí xử lý bài viết trung bình là 3.000 USD trên các tạp chí hỗn hợp và 2.000 USD đối với các tạp chí truy cập mở hoàn toàn, ước tính các nhà xuất bản có thể đã nhận được tới 47,5 triệu USD từ các nhà nghiên cứu Canada vào năm 2020. Tương tự như vậy, với phí truy cập từ 30-50 USD/bài báo, các tổ chức công của Na Uy đã phải trả tới 330 triệu Krone cho các đăng ký truy cập trong năm 2020. Con số này ở toàn châu Âu ước tính khoảng 420 triệu EUR.
Chính vì nguồn lợi nhuận khổng lồ này, hầu hết các nhà xuất bản học thuật lớn đều không mặn mà với hướng dẫn mới của OSTP. Hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra một tuyên bố cho biết hướng dẫn mới của OSTP “được đưa ra mà không có sự tham vấn chính thức, mang ý nghĩa hoặc ý kiến đóng góp của công chúng về một quyết định sẽ có ảnh hưởng sâu rộng, bao gồm cả tác động kinh tế nghiêm trọng”, và điều này có thể ảnh hưởng tới "tính bền vững và chất lượng kinh doanh" của các nhà xuất bản. Một số nhà xuất bản khác thận trọng hơn khi cho rằng: “Còn quá sớm để nói liệu hướng dẫn này có ảnh hưởng đến các tạp chí của họ hay không”.
Thách thức phía trước
Lợi ích của việc truy cập mở “ngay lập tức” là rất lớn và mang tính đại chúng. Tháng 11/2020, Springer Nature và các đối tác đã công bố kết quả từ cuộc khảo sát 6.000 khách truy cập vào các trang web của mình. Theo đó, thật "đáng kinh ngạc" khi 28% là người dùng phổ thông, bao gồm bệnh nhân, giáo viên và luật sư; 15% khác làm việc trong ngành công nghiệp hoặc công việc y tế đòi hỏi họ phải đọc nhưng không xuất bản nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Nhà Trắng đã đưa ra lời kêu gọi các nhà xuất bản cung cấp sớm và miễn phí về các kết quả nghiên cứu liên quan tới Covid-19 cho tất cả mọi người. Hầu hết các nhà xuất bản đã làm theo lời kêu gọi. Kết quả là đã có một cơ sở dữ liệu lớn nhất về các nghiên cứu khoa học liên quan tới Covid-19. Về vấn đề này, Alondra Nelson cũng chỉ rõ: Việc dỡ bỏ bức tường trả phí truy cập các tài liệu khoa học trong đại dịch là ví dụ điển hình về lợi ích của việc tiếp cận “ngay lập tức”. Do đó, những hiểu biết sâu sắc về nghiên cứu mới và tiên tiến xuất phát từ sự hỗ trợ của các cơ quan liên bang sẽ được cung cấp ngay lập tức - không chỉ trong thời điểm khủng hoảng, mà trong mọi khoảnh khắc. Không chỉ để chống lại đại dịch, mà còn thúc đẩy tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm các vấn đề cấp bách như ung thư, năng lượng sạch, chênh lệch kinh tế và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả trong đại dịch Covid-19, trước lời kêu gọi truy cập miễn phí và ngay lập tức về các nghiên cứu liên quan thì vẫn có những tạp chí không hưởng ứng, một số tạp chí khác chỉ cho phép truy cập mở trong một thời gian nhất định. Đối với yêu cầu mới của OSTP, chắc chắn sự đồng thuận sẽ còn khó khăn hơn. Alondra Nelson cũng cho biết: OSTP nhận thức sâu sắc về những lo ngại đối với việc ai sẽ trả chi phí liên quan đến chính sách mới; đồng thời mong muốn các chính sách truy cập mở sẽ đi kèm với sự hỗ trợ cho các thành viên dễ bị tổn thương hơn trong hệ sinh thái nghiên cứu”. Ví dụ, các cơ quan có thể cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng quỹ tài trợ để trang trải chi phí xuất bản truy cập mở - như một số đã làm - hoặc có thể tài trợ cho việc mở rộng các kho lưu trữ công cộng.
Trong khi đó, không ít nhà khoa học lo ngại, chính sách mới của Hoa Kỳ, kết hợp với các chính sách tương tự được áp dụng ở châu Âu và các nơi khác, có thể đẩy nhanh lộ trình tăng mức thu phí của các tạp chí, cuối cùng khiến việc xuất bản trở nên khó khăn hơn đối với các tác giả có kinh phí tài trợ khiêm tốn hoặc không có - đặc biệt là ở các nước đang phát triển”. Mark Histed, một nhà khoa học thần kinh, tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia của NIH, cảnh báo rằng: “Hiện tại, một số tạp chí truy cập mở đang tính phí 5.000 USD/bài cho các tác giả. Tôi dự đoán những khoản phí đó có thể lên đến 10.000 USD hoặc hơn với chính sách mới này. Trên thực tế, các nhà xuất bản học thuật lớn đã thí điểm chuyển nguồn thu nhập của họ sang phí xuất bản. Những khoản phí đó thường đến từ các khoản trợ cấp của liên bang, nhưng nhiều nhà nghiên cứu lo lắng rằng gánh nặng trả tiền để xuất bản theo chính sách mới có thể đổ lên vai các nhà nghiên cứu cá nhân”.
Xuân Quỳnh (tổng hợp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://science.thewire.in/the-sciences/us-india-public-funded-scientific-research-open-access/
2. https://www.science.org/content/article/new-mandate-highlights-costs-benefits-making-all-scientific-articles-free-read
3. https://www.nytimes.com/2022/08/25/us/white-house-federally-funded-research-access.html.
4. https://www.nature.com/articles/d41586-022-02351-1