Thứ hai, 12/09/2022 10:23

GS Pierre Asselin: Lịch sử kháng chiến của nhân dân Việt Nam là đối tượng nghiên cứu thu hút nhiều nhà sử học thế giới

Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Hoa Kỳ, những đế quốc hùng mạnh về kinh tế và quân sự, đã trở thành đề tài thu hút nhiều nhà sử học quốc tế. Nổi bật trong số đó là GS.TS Pierre Asselin (Đại học San Diego, Hoa Kỳ) - một học giả đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về quan hệ quốc tế và cuộc kháng chiến chống Hoa Kỳ của nhân dân Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trao các giải thưởng khoa học uy tín như: Giải thưởng Kenneth W. Baldridge năm 20031; Giải thưởng Sách Arthur Goodzeit năm 20132... Trong mỗi công trình, ông đều đưa ra những luận giải mới về những vấn đề tưởng chừng đã cũ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Pierre Asselin về hoạt động nghiên cứu của ông cũng như xu hướng nghiên cứu về khoa học lịch sử Việt Nam hiện nay.

Xin GS cho biết, cơ duyên nào đã đưa ông đến với hướng nghiên cứu về lịch sử Việt Nam?

Tôi lớn lên ở thành phố Quebec, Canada. Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết gì về châu Á, bao gồm cả Việt Nam và tôi ít quan tâm đến thế giới bên ngoài thành phố của mình. Khi đang học trung học, tôi đã xem một bộ phim có tên là Rambo: First Blood Part II do Sylvester Stallone viết kịch bản, đề cập đến vấn đề tù binh Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Đó là lần đầu tiên tôi quan tâm đến cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ngay sau khi xem phim, tôi đã viết một bài báo về cuộc chiến tranh này. Đây chính là sự kiện đánh dấu việc tiếp cận lịch sử Việt Nam của tôi.

Khi học tại Cao đẳng Glendon ở Toronto, Canada, tôi gặp GS Huỳnh Kim Khánh. Chính GS Khánh đã thúc đẩy tôi nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ của người Việt Nam. GS Khánh đã tài trợ để tôi học tiếng Việt tại Đại học Hawaii ở Manoa vào mùa hè năm 1988. Trải nghiệm đó đã thay đổi cuộc đời tôi, đưa tôi đến Hawaii để hoàn thành việc theo học tiến sỹ và sinh sống ở đây 25 năm. Năm 1989, tôi đến Việt Nam lần đầu, chính đất nước, con người nơi đây đã thu hút tôi, để rồi tôi coi lịch sử Việt Nam là sự nghiệp nghiên cứu của mình. Ngay cả hôm nay, sau ngần ấy thời gian, tôi vẫn ngạc nhiên và xúc động trước đặc ân được thực hiện công việc nghiên cứu ở Hà Nội.

Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, ông quan tâm nhất tới giai đoạn hay sự kiện lịch sử nào của đất nước chúng tôi?

Tôi thấy giai đoạn 1945-1975 là thú vị nhất. Có quá nhiều biến cố lịch sử đã xảy ra trong thời gian này. Đó là một thời kỳ rất khó khăn đối với nhân dân Việt Nam. Về nhiều mặt, cuộc chiến tranh của Pháp và Hoa Kỳ đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nhân dân Việt Nam. Nhưng cũng chính những cuộc chiến đó đã làm nên người Việt Nam như ngày nay - luôn luôn độc lập, tự cường trong cái nhìn của quốc tế. Đối với tôi, hiểu về cuộc chiến tranh của Pháp và Hoa Kỳ tại Việt Nam là hoàn toàn cần thiết để có được những nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa về lịch sử của đất nước nhỏ bé này.

Một số công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam tiêu biểu của GS Piere Assenlin.

Khi thực hiện công việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, ông đã gặp những khó khăn, trở ngại gì? và ông đã vượt qua chúng như thế nào?

Công việc của tôi đòi hỏi phải dựa trên các nguồn tài liệu và lưu trữ. Vì nhiều lý do khác nhau, việc tiếp cận tài liệu lưu trữ ở Việt Nam không phải lúc nào cũng dễ dàng, ví dụ, việc tiếp cận các kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao có nhiều khó khăn, ngay cả đối với các học giả Việt Nam. Tôi hiểu đó là yêu cầu đặc thù của việc lưu trữ dữ liệu quốc gia. May mắn cho tôi là đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam III, đặc biệt là Giám đốc Trần Việt Hoa. Việc nghiên cứu về các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đối với tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã trở nên thuận lợi hơn nhờ việc tiếp cận dữ liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ở Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ quốc gia II ở TP Hồ Chí Minh. Trên hết, các dữ liệu này đã buộc chúng tôi phải xem xét lại vai trò của Hà Nội và Sài Gòn trong việc định hình nguồn gốc, diễn biến và kết quả các cuộc chiến tranh của Pháp và Hoa Kỳ ở Việt Nam.

GS nhìn nhận như thế nào về các xu hướng nghiên cứu khoa học lịch sử Việt Nam hiện nay? Trong cộng đồng nghiên cứu lịch sử quốc tế (hoặc ở Hoa Kỳ), việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam có được quan tâm không?

Tôi thấy có khá nhiều xu hướng nghiên cứu khoa học lịch sử Việt Nam, điều này cho thấy sự đa dạng trong cách nhìn, cách tiếp cận về lịch sử Việt Nam. Xu hướng đầu tiên sử dụng những nguồn tư liệu lưu trữ để nghiên cứu về cuộc chiến tranh từ chính góc nhìn của người Việt Nam tiêu biểu là GS William Duiker (Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ), PGS Ang Cheng Guan (Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore), GS Nguyễn Thị Liên Hằng (Đại học Columbia, Hoa Kỳ), GS Vũ Tường (Đại học Oregon, Hoa Kỳ)... Xu hướng thứ hai là nghiên cứu đánh giá lại những biến cố lịch sử liên quan đến cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, tiêu biểu là các học giả nổi tiếng như: GS Seth Jacobs (Đại học Boston, Hoa Kỳ), GS Phillip Catton (Đại học Ohio, Hoa Kỳ), Keith Taylor (Đại học Cornell, Hoa Kỳ)... Gần đây, một thế hệ học giả trẻ đã đưa ra xu hướng nghiên cứu thứ ba góp phần làm thay đổi quan điểm của nhiều người về cái gọi là nền Cộng hòa thứ hai ở miền Nam của Việt Nam dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Bên cạnh đó còn có xu hướng nghiên cứu khá quan trọng là tiếp cận các tài liệu lưu trữ của các quốc gia khác, kể cả các quốc gia cộng sản trước đây. Điều này đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam đối với thế giới. Bài học về các khía cạnh toàn cầu của cuộc chiến tranh đã trở thành đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều học giả.

Theo tôi, lịch sử Việt Nam nói chung và các cuộc chiến tranh của Pháp và Hoa Kỳ ở Việt Nam nói riêng vẫn là những đối tượng nghiên cứu thu hút nhiều nhà sử học thế giới. Ví dụ, khóa học của tôi về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam là khóa học phổ cập trong chương trình của Khoa Lịch sử, Đại học San Diego. Mỗi học kỳ, có từ 50 đến 80 sinh viên ghi danh vào khóa học. Không có khóa học nào khác thu hút sự quan tâm của sinh viên như thế cả. Một phần lý do của sự thu hút này là Việt Nam và người Việt Nam vẫn đang tiếp tục có những tác động rất quan trọng đến thế giới hiện đại. Bên cạnh đó, còn do ở Hoa Kỳ có hơn 2 triệu người gốc Việt sinh sống, khi trưởng thành, họ muốn hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra với gia đình, quê hương của họ trong quá khứ.

Ông nhận xét thế nào về việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở Việt Nam?

Tôi cho rằng việc học và giảng dạy lịch sử ở Việt Nam đã không đổi mới trong một thời gian dài, cho đến gần đây Việt Nam mới có những cải cách, đổi mới đáng kể. Tôi nghĩ rằng ngày nay, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều việc đào tạo các nhà sử học trẻ tuổi và tạo điều kiện để họ có thể cùng tham gia nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế. Tôi đã làm việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đến nay đã hơn 25 năm. Trong thời gian đó, tôi rất ấn tượng với những nỗ lực không ngừng của các nhà sử học và các học giả Việt Nam trong việc phát triển những cách thức mới kết nối quá khứ với việc đào tạo sinh viên trẻ. Cá nhân tôi đã học được rất nhiều điều từ các giáo sư và sinh viên tại trường. Khi nhìn lại kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rõ rằng, một phần thành công mà tôi có được với tư cách là một nhà sử học Việt Nam là nhờ sự hỗ trợ và chỉ bảo từ các đồng nghiệp ở đây.

Trong thời gian tới, lịch sử Việt Nam có tiếp tục là mục tiêu nghiên cứu của ông không?

Ngay cả sau ngần ấy thời gian, lịch sử Việt Nam vẫn tiếp tục cuốn hút tôi. Có quá nhiều thứ để học hỏi! Vì vậy, miễn là tôi có thể tiếp tục đến Việt Nam và nghiên cứu tại các trung tâm lưu trữ ở Hà Nội thì chủ đề này vẫn là mục tiêu nghiên cứu của tôi. Tôi luôn cố gắng xem xét những cách thức mới và sáng tạo trong việc tiếp cận lịch sử hiện đại của Việt Nam. Gần đây, tôi đã hoàn thành một nghiên cứu về du khách Hoa Kỳ đến miền Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Hoa Kỳ dựa trên những tư liệu quý báu từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam III. Tôi hiện đang thực hiện một nghiên cứu dựa trên hồ sơ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tìm hiểu các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, biến nó thành một vũ khí hiệu quả để giành sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong kháng chiến chống Hoa Kỳ, nổi bật là Hiệp định Paris 1973 và thắng lợi hoàn toàn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Niềm đam mê của tôi đối với lịch sử Việt Nam giờ đây vẫn sôi nổi như 25 năm trước. Tôi rất biết ơn bạn bè và đồng nghiệp ở Việt Nam đã cho tôi được sống với đam mê của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông sẽ có thêm những thành công mới trên con đường nghiên cứu gắn với lịch sử của đất nước chúng tôi.

Mai Văn Thủy (thực hiện)

 

1 Đây là giải thưởng Quốc gia của Hoa Kỳ. GS Pierre Asselin được trao Giải với tác phẩm “A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement” năm 2003.

2 Đây là giải thưởng của Hội nghị chuyên đề về các vấn đề quân sự ở New York. GS Pierre Asselin được trao Giải với tác phẩm “Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965” năm 2013.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)