Phương thức sản xuất truyền thống còn nhiều hạn chế
Với hình thức canh tác cũ, người nông dân phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Công việc này không chỉ vất vả, nặng nhọc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân. Người nông dân vất vả là thế, nhưng hiệu quả của phương pháp thủ công lại quá thấp và có nhiều hạn chế như: thuốc không thể phun đều trên cây trồng, không thể khoanh vùng, tiêu trừ sâu hại kịp thời, lãng phí thuốc và nước, hao tốn công sức lao động, sức khỏe, thời gian và không thể kiểm soát chính xác lượng thuốc được phun trên cây trồng. Vì vậy, lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản Việt thường phun không đều và vượt ngưỡng cho phép. Điều này dẫn đến sức khoẻ của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp vì nông sản “bẩn" và không truy xuất được nguồn gốc, hàng xuất khẩu có thể bị trả về, sau nữa là mất giá, thậm chí là không tiêu thụ được. Đây là “đòn giáng” nặng nề vào vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mỗi mùa vụ qua đi, người nông dân thấp thỏm nỗi lo “được mùa, mất giá”, hoặc bị trả lại, còn “đất mẹ” quằn quại với nỗi đau môi trường: lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa thấm xuống làm đất canh tác dần bị thoái hoá, bạc màu; nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt…
2 đề xuất theo xu thế thời đại và công nghệ có tính đột phá
Chúng ta cần hợp sức để mang đến cho nông nghiệp Việt Nam những giải pháp tiên tiến vượt trội do người Việt tạo ra và dành cho người Việt. Sau khi thí điểm và chỉnh sửa cho phù hợp hơn với Việt Nam, chúng tôi đề xuất 2 dự án sau đây đi theo xu thế thời đại, có tính công nghệ đột phá và mang lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong một thời gian ngắn nếu được Chính phủ quan tâm hỗ trợ qua một cơ chế và thể chế giám sát vận hành đổi mới sáng tạo.
Đề xuất thứ nhất, sử dụng công nghệ Drone-as-a-Service™ (DaaS™), với sự tích hợp củng những công nghệ mới tiên tiến để tạo nên bước nhảy vọt trong xu hướng số hóa nông nghiệp. DaaS™ giúp tiết kiệm 30% thuốc bảo vệ thực vật, 90% nước, tốc độ phun nhanh gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công, nhưng chi phí cũng chỉ ngang với dùng phương pháp thủ công và không phải lo lắng đến nguồn nhân lực. DaaS™ có thể áp dụng cho tất cả hộ nông dân có diện tích đất lớn hay nhỏ. DaaS™ trả lại môi trường lành mạnh và mang đến nguồn thực phẩm an toàn cũng như xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống và tràn đầy hạnh phúc.
Ngoài ra, ứng dụng cách mạng cộng nghệ 5.0 thông qua công nghệ vệ tinh nhỏ và DaaS™ có thể phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ phát huy hiệu quả hơn cho việc quản lý và sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên, quản lý sản lượng, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sau đây là một số ý tưởng dịch vụ thiết thực có thể thực hiện cho nhu cầu thực tế hiện nay và hướng nghiên cứu tổng thể cho các dịch vụ của DaaS™: hiện trạng thiên nhiên, sản xuất cây trồng, vật nuôi và rừng cây; quản lý nước triều các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long để cảnh báo lũ lụt, mặn, lượng nước tưới tiêu cho cây trồng, cảnh báo sạt lở ven sông và ven biển (có thể đặt thêm thiết bị theo dõi và truyền dữ liệu); quản lý các loại cỏ dại đặc thù cho các vùng trồng lúa, cây ăn trái và hoa màu (thông qua hình ảnh quản lý phân tích bằng kỹ thuật sinh học); quản lý và đề xuất vùng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi gia cầm (vịt thả đồng), nuôi thủy sản; quản lý lịch thời vụ trồng lúa và dự kiến thời điểm thu hoạch; quản lý thời kỳ trổ hoa và dự kiến thu hoạch cây ăn trái; quản lý diện tích rừng trồng, tình hình sinh trưởng và dự tính sản lượng sinh khối; đề xuất cách luân canh các loại cây trồng phù hợp trên đất lúa; thông tin và quản lý về cảnh báo sạt lở ven sông và ven biển (dịch vụ dữ liệu IoT theo dõi, truyền dữ liệu cho “Big data” và “AI”); quản lý tài nguyên cát sông và kiểm soát sạt lở bờ sông qua dịch vụ để biết được độ sâu lòng sông và trữ lượng cát để kiểm soát việc khai thác cát và kiểm soát được xà lan khai thác cát thông qua mã QR hay các dạng chip điện tử; quản lý rừng ngập mặn để trồng và khai thác hợp lý cũng như quản lý vùng đệm để bảo vệ rừng ngập mặn chống sạt lở, ngăn gió bão…
Đề xuất thứ hai, là tổ chức AgriDAO™ Việt Nam - một tổ chức được thành lập thông qua sự hợp tác của người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với các bộ, ban, ngành của Việt Nam; trường đại học cùng các viện nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo, các công ty kinh doanh và công nghệ liên quan đến chuỗi cung ứng nông nghiệp; các quỹ đầu tư và ngân hàng; các hiệp hội và đoàn thể nông nghiệp ở Việt Nam và thế giới. AgriDAO™ Việt Nam là tổ chức tự quản phi tập trung đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ Blockchain, NFT, Web 3.0 và Metaverse, tập trung vào người nông dân và sản phẩm nông nghiệp. Mục đích và hướng đi chính của AgriDAO™ Việt Nam là tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng, qua việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp được cá nhân hóa mang tính tích hợp, hợp tác và bổ ích, tập trung vào chăm sóc kinh tế cho người nông dân Việt Nam để phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn và không có rào cản vật lý.
Mô tả tóm tắt AgriDAO™ Việt Nam.
Cộng đồng AgriDAO™ sẽ thiết kế và hình thành một nền tảng AgriHub™, giúp cân bằng sân chơi và truyền cảm hứng cho sự đổi mới thực sự, sự tham gia và quyền sở hữu trí tuệ cũng như sở hữu sản phẩm nông nghiệp và thương hiệu. Tiếng nói chung của cộng đồng AgriDAO™ sẽ thu hút chuyên môn của những người đóng góp quan tâm, những người có tầm nhìn xa, các đối tác nông nghiệp để thiết kế MyAgriMeta™ Metaverse Việt Nam ngay từ đầu.
Đề xuất triển khai DaaS™ và AgriDAO™ là xu hướng tất yếu và có thể tạo bước ngoặt lớn cho nông nghiệp Việt Nam, để dẫn tới một nền nông nghiệp vượt trội và bền vững. Dựa trên nền tảng cách mạng công nghệ 5.0 này, các công nghệ nông nghiệp khác trong 3 lĩnh vực trụ cột (sản xuất nông nghiệp; nguyên liệu và đầu vào; chuỗi giá trị thực phẩm) cũng như các giải pháp app (như sổ tay hàng ngày cho người nông dân hoặc truy suất nguồn gốc) cho nông nghiệp Việt Nam sẽ trăm hoa đua nở. Nhờ đó, nâng cao trí thức và đời sống kinh tế người nông dân thỏa mãn ước mơ, mong mỏi từ bao đời của hàng triệu hộ nông dân Việt Nam.
Tương lai chúng ta mong đợi đang ở trong tầm tay. Nếu không bứt phá đổi mới sáng tạo thì hàng triệu hộ nông dân sẽ bị bỏ lại đằng sau, mưu cầu hạnh phúc ấm no đối với người nông dân chỉ mãi mãi là mơ ước, thì làm sao nông nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia giải quyết vấn nạn thiếu lương thực nuôi 9,1 tỷ người trên thế giới đến năm 2050? Để làm được điều đó, chúng ta phải cùng chung sức tạo tiếng vang lớn khắp năm châu bằng một thay đổi mang tính đột phá với giải pháp nền tảng AgriDAO™ và DaaS™, mang hình ảnh quốc gia sử dụng Drone do chính người Việt tạo ra cho người Việt, cùng các công nghệ cao tiên tiến khác.