Thứ ba, 28/06/2022 11:00

Chính sách nào đối với chuyển đổi chính phủ số tại Việt Nam?

Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm Ngân hàng thế giới mới công bố báo cáo “Chuyển đổi chính phủ số tại Việt Nam: Bài học toàn cầu và khuyến nghị chính sách”. Báo cáo đã chỉ ra những lợi ích quan trọng mà Chính phủ số có thể đem lại cho chính phủ và người dân của mỗi quốc gia, đặc biệt là sự cần thiết phải chuyển đổi chính phủ số tại Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ ra nhu cầu và cách thức hoạch định chiến lược xác định ưu tiên và lộ trình nhằm đem lại kết quả chính phủ số và tạo điều kiện để Việt Nam gặt hái được những lợi ích đó.

Lợi ích của chính phủ số

Theo báo cáo thì những lợi ích chính mà chính phủ số mang lại là: (i) cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; (ii) cho phép ra quyết định căn cứ vào dữ liệu nhằm đem lại kết quả quản trị công tốt hơn (áp dụng từ việc mua sắm, quản lý cơ sở hạ tầng hoặc giao thông, đến sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng); và (iii) nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư nhờ có bộ máy hành chính hiệu quả và minh bạch hơn.

Các quốc gia đi đầu về Chính phủ số như Singapore thông qua chiến lược quốc gia thông minh và chỉ đạo thể chế của Cơ quan công nghệ chính phủ (GovTech), đã nhận thức được rằng, cải thiện chính phủ số liên tục là điều kiện cần để tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu và phát triển quốc gia. Hàn Quốc đã và đang tiếp tục đầu tư vào những mũi tiên phong về công nghệ số để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của họ, nhằm duy trì thành tựu chuyển đổi kinh tế đầy ấn tượng của thế hệ trước đó…

Tiến triển của Việt Nam

Tháng 12/2019, Việt Nam ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG), một nền tảng tập hợp và tăng cường chiều sâu về khả năng truy cập và tính năng cho các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trước đó, vào đầu năm 2019, hệ thống thông tin họp và trao đổi tài liệu số trong Chính phủ cũng được ra mắt (eCabinet). Mặc dù vậy, các nghiệp vụ dựa vào giấy tờ truyền thống vẫn là trở ngại lớn để hiện thực hóa những lợi ích tiềm năng của Chính phủ số tại Việt Nam. Chất lượng các hệ thống thông tin quan trọng xét về mức độ kịp thời và toàn diện của dữ liệu tiếp tục có sự khác biệt giữa các địa phương, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan vẫn là một thách thức lớn. Các khía cạnh tham nhũng, lạm dụng chức quyền và cản trở thay đổi văn hóa làm việc trong bộ máy hành chính tiếp tục là thách thức. Bên cạnh nhu cầu phân bổ nguồn lực tài chính trong ngắn hạn và trung hạn để hiện thực hóa chính phủ điện tử, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần tích cực xử lý những rào cản hiện có nhằm thực hiện thành công chính phủ số.

Việt Nam ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019.

Báo cáo Chuyển đổi chính phủ số tại Việt Nam: Bài học toàn cầu và khuyến nghị chính sách cho rằng, một số yếu tố là điều kiện cần để gặt hái lợi ích đầy đủ của các chương trình Chính phủ số về mặt cung cấp dịch vụ công, ra quyết định và sự tham gia của người dân. Giai đoạn quá độ từng bước từ chính phủ giấy sang chính phủ số phụ thuộc vào sự kết hợp đầy đủ nguồn nhân lực và tài lực, các nền tảng công nghệ phù hợp với mục đích. Công nghệ thay đổi nhanh chóng đồng nghĩa với việc các quỹ đạo đầu tư cho chính phủ số có thể đem lại kết quả và hiệu quả sử dụng vốn trong cả ngắn hạn và dài hạn. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc thận trọng về nội dung của các quỹ đạo chính phủ số thành công, nhất là các yếu tố tạo ra các quốc gia tiên phong thay vì theo sau.

Mặc dù lãnh đạo Việt Nam kêu gọi cả bộ máy cán bộ, công chức và người dân quá độ sang chính phủ số, nhưng tiến triển theo định hướng này còn chậm - Báo cáo khẳng định. Nguyên nhân hạn chế về tỷ lệ khai thác chính phủ số ở Việt Nam cũng đã được Báo cáo chỉ ra là: (i) quy trình xử lý công việc trong nội bộ hầu hết vẫn dựa trên giấy tờ, (ii) hiện chưa có cơ chế đảm bảo tài chính phù hợp và rõ ràng cho chính phủ số, và (iii) các cơ quan chính phủ chưa chia sẻ thông tin/dữ liệu (do thiếu khung pháp lý về chia sẻ dữ liệu).

Bài học toàn cầu và khuyến nghị đối với Việt Nam

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Chuyển đổi thành công, không chỉ gồm số hóa các quy trình và dữ liệu của khu vực công nhằm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, mà còn bao hàm phải hình thành những yếu tố nền tảng và tính năng. Các yếu tố nền tảng cho chính phủ số bao gồm khả năng kết nối số cơ bản và bao trùm, mã số định danh số và các cơ chế thanh toán cho người dân để khai thác các dịch vụ số, cũng như các nền tảng tích hợp dữ liệu và an ninh mạng. Các yếu tố tính năng là cách thức kết hợp các nền tảng đó với nhau nhằm đem lại kết quả về dịch vụ ở tuyến cơ sở trên thực tế. Trong các lĩnh vực như kết nối số, Việt Nam đã khởi đầu với vị thế phù hợp, mặc dù kỳ vọng và mạng 5G thế hệ mới tiếp tục sẽ là ngưỡng phấn đấu mới trong lĩnh vực này, bao gồm cả cho đầu tư của tư nhân. Tuy nhiên trong các lĩnh vực như định danh số, khả năng bảo vệ và vận hành liên thông tài sản dữ liệu số khu vực công, thanh toán số, Việt Nam không chỉ đi sau nhiều quốc gia tương quan, mà còn bị hụt hơi với tiềm năng trở thành quốc gia đột phá về chính phủ số. Trong lúc các quốc gia tiên phong về chính phủ số trên thế giới hiện nay đều đã hình thành và duy trì quỹ đạo đi tới kết quả, Việt Nam cần học hỏi cả những gì hiệu quả, những bất cập có thể phát sinh trong các sáng kiến về chính phủ số trong nước và ở nước ngoài.

Lựa chọn chiến lược

Báo cáo của Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm Ngân hàng thế giới cho rằng, thách thức chính, nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi số nói chung tại Việt Nam vẫn là mô hình phân cấp cụ thể của quốc gia. Mặc dù chúng ta là quốc gia nhất thể, nhưng 63 tỉnh/thành của quốc gia vẫn phụ trách phần lớn việc quyết định và thực thi dịch vụ công ở tuyến cơ sở. Để cung cấp các dịch vụ chính phủ số quan trọng, đòi hỏi phải đảm bảo có được các hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa và phải có các nền tảng dịch vụ để khai thác hiệu quả và an toàn những tài nguyên đó.

Khu vực công nghệ năng động của Việt Nam, bao gồm cả hình thức nền kinh tế thuê ngoài quy trình nghiệp vụ (BPO) cho thấy hạt nhân cho chính phủ số và nền kinh tế số đã tồn tại trong nước. Hiện Việt Nam vẫn còn những khoảng cách lớn để số hóa toàn diện về dữ liệu và luồng công việc. Các cấp có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình thiết kế và triển khai chính phủ số cần phải quyết định có nên đóng vai trò theo sau để nhanh chóng áp dụng công nghệ (so với khu vực tư nhân và các quốc gia tiên phong về công nghệ Chính phủ) hay vai trò nhảy vọt  (như 5G) hay đi đầu (thử nghiệm các mô hình nhằm xử lý các vấn đề bối cảnh cụ thể). Cho dù lựa chọn chiến lược gì thì điều quan trọng là phải có cấu trúc phù hợp để làm chủ những năng lực đó. Trong thực tế, chính quyền trung ương và địa phương ở Việt Nam cần theo đuổi kết hợp các chiến lược trên khi xác định ưu tiên và trình tự triển khai Chính phủ số. Bằng chứng về sự thành công của chiến lược nào cũng sẽ được thể hiện ở thời điểm triển khai và thực tế của việc chuyển từ ý muốn trên giấy sang kết quả số.

Áp dụng cách tiếp cận toàn Chính phủ

Cách tiếp cận của toàn Chính phủ trong chuyển đổi chính phủ số sẽ tạo điều kiện để Việt Nam gặt hái được thành quả mà công nghệ mới và đang phát triển đem lại - báo cáo “Chuyển đổi chính phủ số tại Việt Nam: Bài học toàn cầu và khuyến nghị chính sách” nhận định. Trên nhiều góc độ, chẳng hạn kỹ năng của nguồn nhân lực hay quỹ đạo tăng trưởng kinh tế năng động có sự kết nối chặt chẽ với các chuỗi giá trị quốc tế, Việt Nam dường như đang ở vị thế tốt để gặt hái thành quả tiềm năng của việc làm chủ thay đổi về công nghệ. Tuy nhiên, chuyển đổi số tương ứng trong khu vực công có nguy cơ tụt hậu do chưa có các biện pháp đầu tư và thể chế tương ứng để thực sự làm chủ lợi ích của xu hướng công nghệ mới và số hóa ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, triển khai trên thực tế cách tiếp cận “toàn Chính phủ” trong chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng để Việt Nam thực hiện được ý chí của lãnh đạo nhằm thích ứng với cuộc cách mạng lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Lộ trình

Báo cáo chính sách này vạch ra khuôn khổ được thiết kế nhằm định hướng để Việt Nam đi theo lộ trình hoàn thành các kết quả về chuyển đổi chính phủ số, bao gồm các khía cạnh quan trọng của chính phủ điện tử, như cung cấp dịch vụ, luồng công việc, ra quyết định dựa trên số hóa và sự tham gia của người dân. Thông điệp của báo cáo là cần phải hài hòa các nền tảng con người, quy trình và công nghệ để đạt được những kết quả hữu hình. Điều đó có nghĩa là phải vượt qua cách tiếp cận dựa vào hoạt động thông thường như cũ trong khu vực công theo hướng chỉ trang trí công nghệ số cho các quy trình công nghệ tương tự đã lỗi thời để xử lý trực tiếp sự ỳ trệ trong hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là nghị trình chuyển đổi chính phủ số của Việt Nam phải xử lý cả vấn đề cải cách thể chế và năng lực công nghệ, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải tư duy về cách thức tổ chức hiệu quả quá trình chuyển đổi chính phủ số, đặc biệt phải vượt lên trên các cơ chế cấp cao như Ủy ban Quốc gia về chính phủ số và các nghị quyết liên quan.

*

*        *

Chuyển đổi số thành công là một quá trình diễn ra liên tục đòi hỏi phải hài hòa các cơ chế khuyến khích thông qua đầu tư về nguồn nhân lực và tài chính. Các chương trình chính phủ số cần được gắn với khung theo dõi kết quả rõ ràng và quản lý rủi ro liên tục. Quá trình chuyển đổi để phát triển hính phủ số từ giai đoạn mới nổi đến dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ ngày càng đòi hỏi việc triển khai theo hướng tiếp cận toàn Chính phủ, nền tảng mô-đun và dịch vụ chia sẻ.

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)