Thực trạng phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam
Thực trạng phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam là một nội dung quan trọng của Báo cáo, tập trung vào tình hình, thực trạng phát triển của ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam năm 2021 và những năm gần đây. Đồng thời, Báo cáo cũng đi sâu phân tích về tiềm năng, thực tiễn và triển vọng của quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu tại các ngành nghề, đối tượng kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực có liên quan. Điểm nhấn trong của nội dung này là một số câu chuyện về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh tại Việt Nam, cung cấp thông tin chất lượng, chính xác và súc tích về những vấn đề nêu trên, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan và góp phần đóng góp vào giá trị cốt lõi cho Báo cáo thường niên năm nay.
Đối với các quốc gia, hệ thống tài chính giữ vai trò thiết yếu với chức năng huy động và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế. Về cơ bản, hệ thống tài chính vừa cung cấp kênh tiết kiệm cho khu vực hộ gia đình, vừa kiến tạo kênh đầu tư cho khu vực doanh nghiệp và kênh dẫn truyền các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ. Các chức năng này của hệ thống tài chính là phổ quát ở hầu hết các nền kinh tế. Tại Việt Nam, với sự tăng trưởng kinh tế đột phá và nhiều điểm nhấn trong vài thập kỷ gần đây, vai trò và chức năng của hệ thống tài chính cũng được Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao. So với các quốc gia khác trên thế giới, hình thức và tổ chức của hệ thống tài chính Việt Nam có nhiều điểm chung, nhưng cũng hàm chứa những đặc trưng riêng có.
Bối cảnh và các công nghệ chuyển đổi số với ngành tài chính, ngân hàng
Báo cáo khẳng định, trong hơn thập kỷ qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, chuyển đổi số đã đem lại một xu hướng mới và giải pháp sáng tạo hơn cho các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản truyền thống. Có thể thấy rằng, khi áp dụng chuyển đổi số vào các ngành đã thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là với thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Các công nghệ được ứng dụng trong chuyển đổi số:
Một là, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng với các loại hình công nghệ: AI; IoT; Blockchain; thuật toán đám mây; Big Data.
Hai là, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm: các công ty bảo hiểm đã lựa chọn những phương pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng dữ liệu lớn, học toán, phần mềm đám mây và các xu hướng khác để có thể triển khai trong doanh nghiệp của mình; trong đó tập trung vào một số yếu tố chính: tính hiệu quả, cá nhân hóa, khả năng mở rộng phạm vi.
Ba là, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính: thị trường vốn và thị trường tiền tệ ngày nay đang ở trong xu thế chuyển đổi và thích ứng với các xu hướng và công nghệ kỹ thuật số cũng như đổi mới với các mô hình kinh doanh và sản phẩm/dịch vụ mới.
Về chủ trương, chính sách của Nhà nước, chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng trong những năm gần đây đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều văn bản, chính sách và hành lang pháp lý được nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành.
Một số điển hình trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam
Báo cáo cung cấp các tiêu chí cụ thể để có thể lượng hóa, so sánh, đánh giá về tiến trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, phân tích thực trạng chuyển đổi số tại 3 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và có vai trò đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nói riêng. Các doanh nghiệp này gồm có: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (AIA Việt Nam). Những bài học thực tế từ 3 doanh nghiệp này phản ánh được phần nào thực trạng và tiềm năng chuyển đổi số trong ngành, cũng như giúp cho độc giả có được cái nhìn sinh động, trực quan.
Báo cáo đã đưa ra các mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp như sau: i) Chưa khởi động (doanh nghiệp hầu như chưa có động thái chuyển đổi số); ii) Bắt đầu (doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số theo các trụ cột và bắt đầu có các hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp trong từng trụ cột của chuyển đổi số), chuyển đổi số bắt đầu đem lại lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng; iii) Hình thành (việc chuyển đổi số doanh nghiệp đã cơ bản được hình thành theo các trụ cột ở các bộ phận, đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng); iv) Phát triển (chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng cao một bước; nền tảng số, công nghệ số, dữ liệu số giúp tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng).
Qua các trường hợp cụ thể về các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang tham gia mạnh mẽ, liên tục vào quá trình chuyển đổi số, Báo cáo đã phản ánh trung thực, khách quan những tiềm năng, hiện trạng và kỳ vọng tương lai cho công cuộc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan quản lý, nhằm nâng cao chất lượng thị trường Việt Nam.
VVH