Thứ sáu, 24/06/2022 14:16

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã được nhấn mạnh trong các văn kiện, là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng là chủ đề của Tọa đàm “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ KH&CN phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

PGS.TS Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST cho biết, với những chính sách phát triển KHCN&ĐMST được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, KHCN&ĐMST đã có những đóng góp quan trọng trong thành tựu phát triển chung của đất nước, điển hình là: khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng và quyết định để đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Những tiến bộ về KH&CN đã có tác động trực tiếp và tích cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực của kinh tế của đất nước.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn như Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí); phục vụ nghiên cứu các xu thế mới của thế giới như Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0... Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu của WoS của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi). Hoạt động KH&CN liên tục đổi mới, đẩy mạnh, tham gia trong tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành/lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng… Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Nhiều đại biểu và nhà khoa học cho rằng, mặc dù đầu tư cho KH&CN đã được quan tâm nhưng tổng chi cho KH&CN còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả đầu tư cho KHCN&ĐMST còn kém. So với một số quốc gia trong khu vực, tổng chi cho nghiên cứu - phát triển của nước ta là rất nhỏ. Đầu tư của khu vực tư nhân cho KHCN&ĐMST còn thấp. Còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích/thu hút đầu tư xã hội cho KHCN&ĐMST. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho nghiên cứu - phát triển còn hạn chế. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN&ĐMST chưa đi vào cuộc sống do có những yêu cầu về thủ tục rườm rà và không thuận lợi với doanh nghiệp. Các quy định về trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, tuy nhiên, các quy định quản lý chi tiêu đối với quỹ KH&CN của doanh nghiệp chưa phù hợp với thực tiễn về nội dung chi, thủ tục thanh quyết toán… dẫn tới các doanh nghiệp không mặn mà trong việc trích lập quỹ. Các quy định quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN vẫn còn rườm rà và phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù hoạt động KH&CN; đơn giá, định mức chi chưa hợp lý; thủ tục hành chính, tài chính trong xem xét, phê duyệt, triển khai thực hiện và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp.

Đột phá chiến lược

Là một trong những đơn vị được công nhận là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tại tỉnh Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Thai Binh Seed cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách về KH&CN đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài các chính sách có liên quan, Bộ KH&CN, các bộ/ngành ở Trung ương và địa phương… còn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua một số hoạt động cụ thể như: ứng dụng công nghệ cao về nghiên cứu các giống lúa, ứng dụng công nghệ cao trong công tác thu hoạch, bảo quản, chế biến; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ…  Hiệu quả thấy rõ trong việc ứng dụng KHCN&ĐMST đã giúp Thai Binh Seed cung ứng tới hơn 20% giống lúa chất lượng cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Thai Binh Seed cũng cho rằng, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế tài chính, trong đó có chính sách tài chính đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp KH&CN; có cơ chế hợp tác nghiên cứu - chuyển giao; cơ chế thuế đối với các doanh nghiệp KH&CN mới có hoặc có ít lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu khoa học…  Đây chính là những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng KHCN&ĐMST trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất - chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế - xã hội của đất nước.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá cao những đóng góp của ngành KH&CN cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. GS.TS Thuấn khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên nền tảng phát triển KHCN&ĐMST đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST phát triển, luôn coi phát triển KHCN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh, bền vững và thịnh vượng.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã khẳng định vai trò của KHCN&ĐMST là một nội dung của đột phá chiến lược, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Do đó, để đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST, tạo động lực mới phát triển nhanh và bền vững đất nước, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST và tăng cường đóng góp của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngũ Hiệp - Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)